Đầu tư hạ tầng cảng biển: Không thể chậm trễ

Tính từ năm 2014 đến nay, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm của Quảng Ninh đã được các nhà đầu tư triển khai xây dựng và đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa có sự cân đối, đồng bộ, tập trung chủ yếu vào đầu tư đường bộ (15 dự án), còn cảng biển thì chỉ có duy nhất 1 dự án (Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long). Trong khi, tỉnh có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, dự án duy nhất trong phát triển cảng biển từ năm 2014 đến nay.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, dự án duy nhất trong phát triển cảng biển từ năm 2014 đến nay.

Cảng Cái Lân mặc dù được đánh giá sở hữu lợi thế là cảng biển nước sâu quốc tế số 1 của miền Bắc, thủ tục hải quan được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tốt nhất cả nước... thế nhưng, số lượng tàu biển quốc tế làm hàng qua cảng Cái Lân vẫn quá ít ỏi so với những gì mà cảng này đang nắm giữ. Nguyên nhân chính là do cảng thường xuyên bị phù sa bồi lấp, nên các tàu hàng trên 50.000DWT đều phải sang tải, hạ tải tại các khu vực cảng nổi để đảm bảo an toàn khi vào cảng. Việc giảm tải thường xảy ra hao hụt lớn, tăng chi phí cho doanh nghiệp, giảm doanh thu của đơn vị kinh doanh cảng. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở trong khu vực cảng đã xuống cấp, đường ra vào cảng chật hẹp, thường xuyên bị ùn tắc khi có từ 2 tàu hàng rời trở lên vào làm hàng. Điều này đang làm cho Cảng Cái Lân mất rất nhiều lợi thế so với cảng Lạch Huyện (TP Hải Phòng). Hiện công suất hoạt động của cảng đạt khoảng 75% công suất thiết kế.

Công suất hoạt động của cảng Cái Lân (TP Hạ Long) hiện mới chỉ đạt 75% thiết kế.

Cũng giống như cảng Cái Lân, tại điểm Hòn Nét, hòn Con Ong (khu vực cảng Cẩm Phả) có mật độ tàu lớn, nhưng năng lực bốc xếp có hạn, nhiều thời điểm quá tải, tàu phải nằm chờ, phát sinh chi phí. Hay như tại cảng Mũi Chùa (Tiên Yên), bến cảng này chỉ cho phép tiếp nhận tàu trọng tải nhỏ đến 1.000 tấn, nên chủ yếu bốc xếp dăm gỗ, vật liệu xây dựng.

Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển đã xây dựng mục tiêu cụ thể giai đoạn 2019-2025, là: Cảng biển phấn đấu doanh thu đạt khoảng 25.000 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 17,5%, đóng góp khoảng 1,2-1,5% trong GRDP của tỉnh), sản lượng hàng hóa đạt 114,5-122,5 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu này, tại cuộc họp sơ kết triển khai thực hiện Nghị quyết 15 diễn ra vào cuối tháng 12/2020 vừa qua, đại diện các sở, ngành và địa phương cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng và ưu tiên hàng đầu là cần tập trung quyết liệt cho việc phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển.

Cụ thể, tại khu vực Quảng Yên, khu vực dự báo sẽ rất phát triển trong thời gian tới, cần có phương án đẩy nhanh tiến độ nạo vét luồng sông Chanh, đảm bảo chiều sâu phục vụ phát triển cảng, bến và các phương tiện lưu thông hàng hóa tại đây. Đồng thời phát triển hạ tầng, hệ thống kho bãi, logistics phục vụ hậu cần sau cảng tại khu vực này.

Tàu biển đợi vào làm hàng tại cảng Hòn Nét (TP Cẩm Phả). Ảnh: Đỗ Phương

Đối với khu vực Cẩm Phả, trước mắt cần nghiên cứu mở rộng và khai thác hiệu quả các khu neo đậu chuyển tải tại khu vực Con Ong - Hòn Nét vì đây sẽ vẫn là khu vực có thế mạnh vượt trội về chuyển tài hàng hóa trong những năm tới. Về lâu dài phải khẩn trương kêu gọi đầu tư xây dựng bến cảng Con Ong - Hòn Nét với quy mô cảng nước sâu đón các tàu có trọng tải từ 50.000 tấn đến 120.000 tấn. Nếu được đầu tư xây dựng một cách bài bản, quy mô, cảng Con Ong - Hòn Nét tương lai sẽ trở thành một trong những cảng nước sâu đón được các tàu lớn nhất tại khu vực phía Bắc. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng cảng nước sâu Con Ong - Hòn Nét sẽ giảm lượng hàng hóa chuyển tải, tăng lượng hàng hóa trực tiếp thông qua cảng biển Quảng Ninh, qua đó góp phần tăng nguồn thu ngân sách và thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Tại khu vực Móng Cái, hiện dự án cảng Vạn Ninh đã được Bộ GTVT chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc. Do vậy cần sớm hoàn thành thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng cảng Vạn Ninh từ năm 2021. Song song với đó, nghiên cứu triển khai nạo vét luồng hàng hải Vạn Gia để đảm bảo lưu thông cho các phương tiện ra vào cảng.

Đối với các khu vực Hải Hà, đây là khu vực rất có tiềm năng, hiện Công ty CP Tập đoàn Bến Thành đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch theo hướng là KCN dịch vụ logistics, công nghệ cao. Do vậy, sau khi Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cần sớm triển khai đầu tư. Còn tại khu vực Cái Lân, do hạ tầng đã được đầu tư tương đối hoàn thiện và hiện cảng cũng chưa vận hành hết công suất nên giải pháp đưa ra ở thời điểm hiện nay là tập trung khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đã có, chuyên nghiệp hóa các dịch vụ cảng biển, cải cách thủ tục hành chính để tăng lượng hàng hóa thông qua cảng; nghiên cứu phương án đảm bảo phục vụ xuất, nhập hàng hóa cho Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Hoàng Nga

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202101/dau-tu-ha-tang-cang-bien-khong-the-cham-tre-2516229/