Đầu tư hạ tầng bài bản để giảm ùn tắc giao thông

Để giải quyết tình trạng ùn tắc, quá tải phương tiện tham gia giao thông diễn ra ở mức nghiêm trọng với hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM đã đề nghị UBND Thành phố tập trung nguồn vốn để ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông từ năm 2021.

Trong số 55 dự án hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong giải quyết áp lực quá tải phương tiện, kết nối vùng hoặc thúc đẩy liên kết, phát triển giữa TP HCM với các tỉnh lân cận cần được tập trung phát triển, Sở GTVT đề xuất làm 5 tuyến đường trên cao.

Trong đó ưu tiên xây dựng 2 tuyến đường trên cao với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 32.900 tỉ đồng. Tuyến số 1 với chiều dài khoảng 9,5km được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải phương tiện cho một loạt tuyến đường nội thành và cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất như Cộng Hòa, Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Phan Xích Long và đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Tuyến đường trên cao số 5 có chiều dài khoảng 34km có điểm đầu là nút giao Trạm 2 trên xa lộ Hà Nội và điểm cuối là đường Tân Tạo - Chợ Đệm với quy mô 4 làn xe, chủ yếu đi trên quốc lộ 1 qua 3 quận và 2 huyện. Tuyến trên cao số 5 này được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ đầu tư đoạn từ nút giao Trạm 2 đến ngã tư An Sương dài 21,5km. Từ năm 2025 - 2030 sẽ đầu tư đoạn từ ngã tư An Sương đến nút giao An Lạc dài khoảng 12,5km.

Cùng với các dự án đường trên cao, nhiều dự án cấp bách về giao thông khác cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ như khép kín đường vành đai 2; xây dựng xong cụm giao thông sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cầu Cần Giờ; tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, cải tạo mở rộng các tuyến quốc 13, quốc lộ 1 và quốc lộ 50... với kinh phí đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng.

Quá tải lưu lượng phương tiện trên một tuyến đường tại TP HCM.

Quá tải lưu lượng phương tiện trên một tuyến đường tại TP HCM.

Đề xuất làm các tuyến đường trên cao, Sở GTVT cho rằng sẽ tạo giao cắt khác mức để tránh ùn tắc ở các giao lộ. Mặt khác, làm đường trên cao chi phí sẽ thấp hơn mở rộng đường do hạn chế việc đền bù, giải tỏa nên tránh kéo dài tiến độ triển khai dự án, lại vừa tránh gây xáo trộn cho người dân sống 2 bên đường.

Tuy vậy, 2 tuyến trên cao cấp bách trên chỉ có tuyến số 1 phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ở khu vực nội thành; tuyến còn lại chủ yếu phục vụ cho phương tiện vận chuyển hàng hóa đang gây quá tải trên quốc lộ 1, đoạn chạy qua địa bàn Thành phố. Trước quá trình đô thị hóa quá nhanh, những năm gần đây, tuyến quốc lộ 1 đã gần như trở thành tuyến đường chạy xuyên tâm thành phố.

Để giải quyết vấn nạn quá tải, kẹt xe thường trực trên tuyến quốc lộ 1, Sở GTVT TP HCM đã phải cho phép ôtô tải nhỏ và xe dưới 16 chỗ chạy hỗn hợp trong làn xe máy. Tình trạng này đã khiến tai nạn giao thông gia tăng. Chưa tính lượng hàng hóa giao thương giữa khu vực Đông Nam bộ, miền Trung - Tây Nguyên với Đồng bằng sông Cửu Long qua tuyến quốc lộ 1, chỉ tính lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong nửa đầu năm nay đã là gần 66 triệu tấn tăng hơn 9%.

Sở GTVT TP HCM cho rằng, quỹ đất dành cho giao thông của Thành phố quá thấp; tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn chỉ vào khoảng 4.205km, đạt mật độ 2km đường trên mỗi km2 diện tích trong khi theo quy hoạch phải từ 10 - 13,3km. Đất dành cho giao thông cũng mới đạt khoảng 7.987ha trong khi quy hoạch là 22.305ha… do đó việc tiếp tục mở rộng và làm thêm các tuyến đường mới là cần thiết.

PGS TS Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP HCM cho rằng, các nút giao thông và các điểm giao cắt đồng mức là nguyên nhân chính phát sinh ùn tắc. Việc xây dựng các tuyến đường trên cao là hết sức cấp bách.

Ngay trong quy hoạch phát triển GTVT của TP HCM được Thủ tướng phê duyệt cách đây 13 năm, thì 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài hơn 70 km này đã phải được hoàn thành vào năm 2020 này. Theo đề xuất của Sở GTVT, để làm các dự án trên, cần cân đối từ ngân sách số tiền khoảng 81.750 tỉ đồng; 68.613 tỉ đồng còn lại sẽ huy động từ nguồn vốn xã hội hóa qua hình thức đối tác công - tư và nguồn vốn khác.

Chỉ tính riêng tổng mức đầu tư cho 2 dự án đường trên cao số 1 và số 5 đã vào khoảng 32.900 tỉ đồng. Phương án triển khai theo hình thức xã hội hóa để giảm gánh nặng cho ngân sách trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế hiện nay là vấn đề không đơn giản. Khi đó để có thể triển khai dự án, Thành phố chỉ còn cách đấu giá quỹ đất công để trả nhà đầu tư.

Đề xuất đầu tư số tiền lên đến hàng tỉ USD để xây dựng lại hệ thống xe buýt một cách bài bản nhằm thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn và quản lý Thành phố cho rằng, ở các nước phát triển, một thành phố 10 triệu dân cũng chỉ có khoảng 2-3 tuyến metro.

Không nên quá kỳ vọng vào metro trong giải tỏa kẹt xe nếu không phát triển mạng lưới xe buýt phủ kín địa bàn để gom khách cho metro. Do đó, để giảm phương tiện cá nhân, TP HCM cần có bước đầu tư đột phá cho xe buýt. Không nên làm kiểu manh mún để rồi mỗi năm chi trợ giá hơn nghìn tỉ cho xe buýt đã trở thành vấn đề bức xúc.

Bởi chỉ khi xe buýt mang lại sự tiện lợi, người dân sẽ tự bỏ phương tiện cá nhân. Cùng lúc, Thành phố cần đầu tư khôi phục, phát triển hệ thống logictics để khai thác hàng hóa phục vụ vận tải đường thủy nội địa nhằm giảm áp lực cho đường bộ.

Đ.Thắng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/dau-tu-ha-tang-bai-ban-de-giam-un-tac-giao-thong-618948/