Đầu tư đúng và đầy đủ cho nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội

Nguồn nhân lực được đánh giá và nhìn nhận là rất cần thiết cho việc điều hành cũng như quản lý chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030, là năm Việt Nam mong muốn đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

Đại dịch COVID-19 kéo dài trong hai năm 2020-2021 đã ảnh hưởng sâu rộng và nặng nề đến toàn nền kinh tế Việt Nam, nhất là các ngành sản xuất, hàng không, du lịch, dịch vụ, cũng như thị trường tiêu thụ trong nước, đặc biệt là thị trường xuất khẩu... Do đó, để có thể trỗi dậy từ sự bùng phát của đợt dịch thứ 4 và để tái phát triển kinh tế trong những năm tới, nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn cần khai thác, sử dụng và phát huy thêm các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cần thiết cho việc điều hành và quản lý chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030, là năm Việt Nam mong muốn đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

Nguồn nhân lực cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: HNV)

Nguồn nhân lực cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: HNV)

Giáo dục và Đào tạo - hai con đường dẫn về một hướng

Đại dịch COVID-19 đã làm lộ ra nhiều yếu điểm của hệ thống nhận diện, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của Việt Nam, từ môi trường giáo dục trung học, đại học, đào tạo nghề, đến môi trường sản xuất kinh doanh và điều hành quản lý các chương trình và dự án quốc gia. Việc học xong không đủ kiến thức và trình độ đi làm vẫn là một vấn đề đặt ra. Con số sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm đúng ngành học rất đáng báo động. Đã đến lúc cần gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh để nhìn lại mô hình giáo dục và đào tạo nước nhà hiện nay. Đại dịch COVID-19 và nhu cầu của thời đại 4.0 đòi hỏi một nguồn nhân lực mới, một mô hình đào tạo mới: học viên được qua đào tạo phải được sử dụng ngay và được giao công việc phù hợp với chuyên môn học tập, phù hợp với nhu cầu thị trường, sự phát triển của địa phương, hay của quốc gia và thế giới.

Ngay từ cấp trung học, đến cấp cao đẳng hay 4 năm đại học, cần phải hướng học sinh và sinh viên theo hai kênh giáo dục và đào tạo có khác biệt rõ rệt. Giáo dục là hình thức hay mô hình giúp học viên học tập, thu thập kiến thức, các kỹ năng, để có thể hoàn thiện, phát triển bản thân, đóng góp cho xã hội, và góp phần tăng trưởng kinh tế. Hệ thống giáo dục có tính liên tục, chỉ có tính chất bắt buộc trong những năm đầu đời của học sinh. Đến giai đoạn trưởng thành, sinh viên có thể tự học hoặc theo đuổi môn học hay ngành nghề mong ước. Sinh viên có thể ra trường với kiến thức của nhiều ngành từ văn chuơng, kinh doanh, đến các ngành nghiên cứu chuyên sâu như toán, công nghệ tự đông, trí tuệ nhân tạo... Khi lớn tuổi hay gần đến tuổi về hưu, họ vẫn có thể học để thêm kiến thức hay thêm kinh nghiệm sống.

Trong thực tế, không phải tất cả các học sinh hay sinh viên đều có nhu cầu, đam mê, sở thích, hay khả năng để theo đuổi và hoàn thành nhiều năm học trung học hay đại học. Cần phát hiện, nhận diện các học sinh hay sinh viên này, đặc biệt những người trẻ khuyết tật hay khó khăn bẩm sinh và khuyến khích họ theo học tại các trường cao đẳng, trường dạy nghề hay thậm chí các trung tâm đào tạo hay thực tập chuyên ngành do doanh nghiệp, các tổ chức thiện nguyện tư nhân hay địa phương tổ chức. Chính sách giáo dục đa dạng này dựa trên một nguyên tắc rất nhân văn đó là mọi người dù ở lứa tuổi nào đều có quyền được hoàn thiện bản thân, mưu cầu hạnh phúc và trở thành những người có ích cho xã hội và cộng đồng.

Khởi nghiệp và khởi nghiệp lại - Tư duy mới, nhân lực mới

Ở Việt Nam, sinh viên mới ra trường hay người trẻ thường được khuyến khích khởi nghiệp, buôn bán, kinh doanh. Điều này giúp con số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhảy vọt, tạo cảm giác kinh tế đất nước đi lên, khu vực tư nhân được tự do phát triển và con số thất nghiệp giảm xuống rõ rệt. Tuy nhiên chưa có một nghiên cứu, khảo sát, đánh giá nào rõ ràng về việc thành công, sự tồn tại hay tính bền vững của các doanh nghiệp khởi nghiệp này.

Thực tế, các sinh viên ra trường, nhất là những nguời trẻ thường thiếu tất cả các yếu tố cần thiết để khởi nghiệp thành công và bền vững. Họ thường thiếu các ý tưởng kinh doanh được tính toán kỹ lưỡng, các kế hoạch kinh doanh bài bản để có thể thuyết phục các nhà đầu tư thiên thần hỗ trợ, thiếu vốn khởi nghiệp cần thiết, thiếu hiểu biết về nhu cầu của thị trường, chưa có đối tác hay khách hàng tiềm năng, nhất là không có sản phẩm độc đáo hay khác lạ. Họ có thể đánh giá thấp sự khốc liệt của các đối thủ cạnh tranh, thiếu kinh nghiệm quản lý và điều hành doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp, phát triển và duy trì bền vững khi bị thử thách... Sự thiếu thốn một hay nhiều yếu tố quan trọng để khởi nghiệp quan trọng này sẽ dẫn đến việc 95-97% các doanh nghiệp khởi nghiệp phải đóng cửa, bị phá sản… kéo theo nhiều hệ lụy như nợ nần, mất vốn, thiếu tiền thuế, và nhất là mất đi niềm tự hào và sự tự tin để tiếp tục kinh doanh trở lại trong tương lai.

Thiết nghĩ, để tránh tình trạng thất bại sớm, người trẻ hay sinh viên thiếu kinh nghiệm cùng những yếu tố kinh doanh cần thiết nhất thiết phải đi tìm việc và làm trong các doanh nghiệp một thời gian từ 1 đến 3 năm để có được những kiến thức, kinh nghiệm quý báu, hay những bài học thành công hay thất bại từ những người đi trước.

Trong thời đại 4.0 và chuyển đổi số hiện tại, doanh nghiệp cần phải khởi nghiệp hay khởi nghiệp lại. Khởi nghiệp không phải chỉ là đăng ký dinh doanh mới mà là việc sáng tạo lại sản phẩm, điều chỉnh cơ cấu và tiến trình kinh doanh, tìm thị trường và khách hàng mới… Đơn cử như: Công ty Kodak, thành lập năm 1892 tại Hoa Kỳ, một thời làm mưa làm gió, đã bị khủng hoảng và gần như biến mất khỏi thị truờng sau 130 năm kinh doanh máy và phim ảnh. Trong thời đại số, Kodak đã không theo kịp sự phát triển hay chuyển đổi của công nghệ. Nói một cách khác, Kodak và rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay bị phá sản vì đã không chịu khởi nghiệp lại, không theo kịp sự thay đổi của công nghệ và thị trường. Trong khi đó một công ty Hoa Kỳ khác, General Electric (GE), cũng thành lập năm 1892 đã đi lên từ việc sản xuất những thiết bị gia dụng bình thường và trở thành một công ty hàng đầu thế giới về năng lượng, sản xuất động cơ máy bay, máy tính công nghiệp, cung cấp tài chính...

Hơn nữa, trong thời đại công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các công ty còn tồn tại, phát triển hay phát triển bền vững đều đã tham gia vào việc tái đào tạo nguồn nhân lực và chiến lược chuyển đổi số. Chẳng hạn như: Amazon từ một công ty bán sách trên mạng thành lập năm 1994 ở Hoa Kỳ đã trở thành một trong bốn công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ với doanh thu gần 400 tỷ đô la năm vừa qua. Chỉ trong 10 năm (2006 -2016) doanh thu của Amazon đã tăng hơn 2000 phần trăm, từ 17,5 tỷ lên 356 tỷ USD. Các công ty nổi tiếng như Sears, JC Penney, Nordstrom, một thời lững lẫy, doanh thu đã sụt giảm từ 85-95%.

Để có thể tồn tại và phát triển bền vững, các công ty, các tổ chức đa quốc gia trong gần như mọi ngành nghề đã mạnh dạn đầu tư vào con người là nguồn nhân lực bất tận của doanh nghiệp và của các tổ chức quốc gia và quốc tế. Cuộc cách mạng chuyển đổi số hiện tại đòi hỏi một nguồn nhân lực mới, được tái đào tạo để có thể nâng cao trình độ điều hành và quản lý phù hợp với các thách thức của thị trường và thế giới.

Việt Nam hiện có 98,5 triệu người và đó là một nguồn lực phong phú. Có lẽ, đã đến lúc phải có các chính sách hay các đề xuất để khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực này nhằm góp phần giúp phát triển kinh tế theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký từ đầu năm 2019. Cần thiết phải xem khai thác, sử dụng và phát huy nguồn nhân lực của nền kinh tế là một nhân tố mới hướng tới một mong muốn, một mục tiêu chung là xây dựng nước Việt Nam thịnh vượng và hùng cường. Có lẽ, không cần phải tìm kiếm đâu xa, chỉ cần đọc lại những gì đã được khắc ghi trên tấm bia Tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khoa thi năm 1442 “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Bởi thế các Đức Thánh đế minh vương ai cũng lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên”./.

GS. Hà Tôn VinhGiám đốc Chương trình Đào tạo Lãnh đạo, California Miramar University, Hoa Kỳ

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/dau-tu-dung-va-day-du-cho-nguon-nhan-luc-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-602755.html