Đầu tư đối tác công - tư: 'Đừng sợ dân giàu'!

'Gỡ được thể chế, không khí đầu tư sẽ rất tốt. Còn nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển đất nước được', Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu và nhấn mạnh, 'đừng sợ dân giàu', bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân để họ yên lòng là rất quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ, cho ý kiến vào dự án Luật PPP. Ảnh: Hương Giang

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ, cho ý kiến vào dự án Luật PPP. Ảnh: Hương Giang

Ngày 11/11, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra ở hội trường, sau đó thảo luận tại tổ dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Giữ tư duy lạc hậu, đất nước không thể phát triển

Theo tờ tình của Chính phủ, trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành việc ban hành một đạo luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết.

Tại tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nguồn lực trong dân rất lớn, nhưng do chưa có pháp luật bảo vệ nên người dân không dám bỏ tiền ra để đầu tư.

“Có Luật PPP để có nhiều nguồn lực phát triển đất nước, đây là hướng đi hết sức cần thiết”, Thủ tướng nói và cho hay, ông đi các địa phương thấy “rất thiếu thốn” các công trình, dự án từ to đến nhỏ khiếu người dân bức xúc.

Theo người đứng đầu Chính phủ, các nước phát triển trên thế giới đã thành công với phương thức đầu tư PPP. “Người ta đầu tư xong rồi chỉ còn hưởng lợi thôi. Mình bây giờ vừa sản xuất kinh doanh, vừa đầu tư hạ tầng, hàng loạt vấn đề đặt ra”, Thủ tướng nêu và cho rằng, hiện luật pháp còn chồng chéo, vướng mắc nên nhà đầu tư chưa nhiệt huyết.

“Tôi nói nhiều lần, thể chế rất quan trọng. Gỡ được thể chế, không khí đầu tư sẽ rất tốt. Còn nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển đất nước được”, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và nêu rõ, “đừng sợ dân giàu”, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân để họ yên lòng là rất quan trọng.

Ông dẫn ví dụ, khi quyết định danh mục đầu tư, thủ tục thuận lợi, mang tính thị trường thì quyền lợi Nhà nước và tư nhân đều được bảo đảm. “Thuyền lên, nước lên”, Thủ tướng lưu ý, các lĩnh vực đều phải “mở” để thu hút doanh nghiệp, huy động vốn tư nhân, trừ những việc nhà nước phải nắm yết hầu của nền kinh tế như tiền tệ, an ninh, quốc phòng…

Cũng theo Thủ tướng, Chính phủ không “ôm” hết tất cả các dự án, công trình mà phân cấp, giao quyền cho địa phương. Hơn nữa, đã là thị trường, Nhà nước không bảo lãnh tất cả các nhà đầu tư.

“Nếu bảo lãnh hết thì nợ công, nợ Chính phủ đội lên, hướng đi là như vậy. Làm sao để nhà đầu tư thấy thị trường tốt, Nhà nước không cần bảo lãnh”, Thủ tướng phát biểu, có 1 nhà đầu tư thì chỉ định thầu, 2 trở lên thì phải đầu thấu công khai, minh bạch để chọn nhà đầu tư tốt nhất.

Nhà đầu tư sợ “trượt giá”

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay có 336 dự án PPP đã ký kết thì lĩnh vực giao thông có 220 dự án. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, Bộ này mới chỉ thu hút nội địa mà chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án lớn.

Nêu lý do, ông Thể cho hay, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nên quy hoạch 5 năm điều chỉnh 1 lần. Trong khi, một dự án PPP có thể kéo dài tới 15 - 20 năm, như vậy trong vòng đời của dự án PPP có thể điều chỉnh quy hoạch 3 - 5 lần.

“Nhà đầu tư lo là trong thời gian đó, chúng ta có thể làm những con đường thứ 2, thứ 3, hoặc những con đường cắt ngang con đường họ làm thì bị san sẻ lưu lượng, nguy cơ lỗ”, ông Thể nói và cho hay, Nhà đầu tư nước ngoài mang tiền vào đầu tư với mục đích là kiếm lợi nhuận, nếu không họ sẽ không chi tiền.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng cho biết, khi tiếp xúc, nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi được bảo đảm doanh thu, chia sẻ rủi ro vì quy hoạch của ta thay đổi liên tục và muốn được bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ mang về nước.

“Nhà đầu tư nước ngoài mang 1 tỷ USD vào để đầu tư 1 con đường, xây xong họ muốn thu hồi được 1 tỷ USD này và tiền lãi vì không thể mang USD vào, mang tiền đồng về. Họ sợ trượt giá, khi mang tiền vào đầu tư, 1 USD có thể là 20.000 đồng, cuối dự án 1 USD bằng 25.000 đồng, tính tiền Việt có thể lãi, nhưng tính tiền USD thì lỗ”, ông Thể thông tin.

Bộ trưởng Thể tin rằng, khi ban hành Luật PPP thì sẽ thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề trượt giá luật chưa đề cập nên cần nghiên cứu thêm.

ĐBQH lo “mưu lợi” từ chia sẻ rủi ro

Trong khi đó, theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Quốc Bình (đoàn TP Hà Nội), đã đầu thầu, ký hợp đồng dự án PPP thì doanh nghiệp nếu lời thì ăn, lỗ phải chịu. “Đòi bù doanh thu thì bất hợp lí và không công bằng. Nếu bù doanh thu thì sẽ tạo ra khó xử sau này và nhà đầu tư có tư tưởng ỉ lại.”, ông Bình phát biểu và nói, ông chỉ ủng hộ việc bù doanh thu với các trường hợp dự án đặc biệt.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nêu quan điểm đồng tình cần thiết phải bàn hành Luật PPP. Tuy nhiên, theo ông, phải giám sát chặt chẽ để ngăn chặn những yếu tố “mưu lợi” về rủi ro trong đầu tư PPP.

“Trên thực tế có những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu, nhưng cũng có những yếu tố lạm dụng rủi ro của PPP để mưu lợi từ một số dự án BT, cái gì là rủi ro có tính chất chia sẻ và cái gì là lợi ích không được xác định rõ ràng”, ông Cường nêu và dẫn chứng thêm, giá trị đầu tư của nhiều dự án sau khi kiểm toán xong thấy không đúng với giá trị báo cáo ban đầu, dẫn tới chuyện có thể người dân phải gánh chịu nhiều hơn việc chi trả nếu thời gian thu hồi vốn bị kéo dài.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra dự án luật này, theo Ủy ban Kinh tế, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa hai bên (công và tư) trong thực hiện dự án PPP là giải pháp có thể xem xét áp dụng nhằm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong thực hiện dự án PPP với vai trò là các đối tác trong hợp đồng PPP.

“Để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự án Luật, đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro này, cũng như quy định rõ hơn về cơ chế áp dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, phải xác định được nguồn để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu ngay tại dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/dau-tu-doi-tac-cong-tu-dung-so-dan-giau_t114c67n156495