Đầu tư dài hạn thì rất khó khăn

'Đầu tư ở đâu cũng có cái khó, ở Việt Nam đầu tư ngắn hạn theo kiểu mì ăn liền thì khả năng thành công cao hơn, còn đầu tư kiểu dài hạn thì rất khó khăn', ông David Dương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS), cảm nhận được như thế.

Từ xe chở rác, thùng rác...

Ông David Dương.

Ông David Dương bắt đầu câu chuyện với cái tên “vua rác” mà mọi người đặt cho ông. Ông nói rằng, “vua gì cũng sang nhưng nghe đến vua rác là có vẻ kém sang trọng. Thế nhưng, tôi nghĩ qua tên gọi này người dân hiểu được công việc chúng tôi đang làm”.

Một trong những điểm nhấn của VWS trong năm 2018 là công ty đã tặng 6 trong 8 chiếc xe thu gom rác thân thiện với môi trường cho ba địa phương là TPHCM, Long An và Kiên Giang. Bên cạnh hoạt động chính là xử lý rác thải, thì hỗ trợ các địa phương trong quá trình thu gom và vận chuyển rác để hoạt động này ngày càng trở nên thân thiện với môi trường là một hoạt động mới mà VWS sẽ theo đuổi.

Ông kể, từ năm 2003, khi có đoàn của TPHCM sang thăm nhà máy xử lý rác ở Mỹ và thấy có loại xe chở rác giúp thu gom vận chuyển không có mùi hôi, lãnh đạo thành phố đã đặt vấn đề nếu có những loại xe này ở Việt Nam thì sẽ cải thiện được môi trường rất nhiều. Từ đó, ông đã lên ý tưởng tặng xe thu gom rác thân thiện với môi trường cho TPHCM và một số địa phương. Năm 2016, VWS đưa một số chuyên gia của công ty sản xuất xe rác từ Mỹ sang Việt Nam để nghiên cứu để từ đó sản xuất được loại xe phù hợp với môi trường, khí hậu và loại rác ở Việt Nam. Đến tháng 11-2018, VWS đã tặng cho TPHCM, Long An, Kiên Giang, mỗi tỉnh, thành 2 chiếc xe chở rác chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG). Mỗi chiếc trị giá khoảng 500.000 đô la Mỹ, với nhiều tính năng như có bộ phận ép rác và thu gom nước rỉ ngay trên xe. Xe còn có hệ thống phun sương tự động khử mùi hôi, giúp người đi đường không còn cảm giác khó chịu.

Do phải thiết kế riêng phù hợp với Việt Nam nên giá xe khá cao, nhưng theo ông Dương nếu Việt Nam đặt công ty trong nước chế tạo theo công nghệ này và với số lượng sản xuất nhiều sẽ có giá thành rẻ hơn.

Sau chương trình tặng xe chở rác thân thiện với môi trường, ông chia sẻ rằng sắp tới VWS sẽ có dự án tặng thùng rác thân thiện cho TPHCM, góp phần hưởng ứng nỗ lực kêu gọi người dân không xả rác của thành phố. Cũng giống như xe chở rác phải có thiết kế phù hợp tại Việt Nam nên VWS sẽ đưa các chuyên gia về nghiên cứu để sản xuất các thùng rác phù hợp tại TPHCM. “Sau khi nghiên cứu, VWS sẽ tặng TPHCM một số lượng thùng rác. Số lượng bao nhiêu hiện tại chúng tôi chưa tính được nhưng tối thiểu sẽ phủ được ở khu trung tâm”, ông Dương cho biết.

...Đến nhà máy xử lý rác thành nhiên liệu phát điện

Bên cạnh khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước ở huyện Bình Chánh, TPHCM, sắp tới VWS sẽ đầu tư thêm hàng trăm triệu đô la nữa để xây nhà máy xử lý rác lấy nhiên liệu phát điện tại Long An.

Chia sẻ về kế hoạch năm 2019, ông Dương cho biết, năm tới là năm mà VWS đổi mới công nghệ từ chôn lấp rác sang công nghệ mới. Một dự án mới công suất 2.000 tấn/ngày với vốn đầu tư khoảng 400 triệu đô la Mỹ tại Đa Phước đã được nộp lên chính quyền TPHCM vào tháng 7-2018, nếu được chấp thuận thì trong một năm sẽ hoàn thành đưa nhà máy vào vận hành. Thông thường thì phải cần hai năm mới đưa nhà máy vào hoạt động, nhưng công ty đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ nên chỉ cần 12 tháng xây dựng là đưa vào vận hành.

Cùng với dự án ở TPHCM, VWS cũng sẽ đẩy nhanh dự án Khu công nghệ môi trường xanh trên diện tích 1.760 héc ta ở tỉnh Long An. Dự án này sẽ xử lý rác lấy gas để phát điện và sản xuất ra khí hóa lỏng để cung cấp cho xe buýt, xe đi thu gom vận chuyển rác. Đây sẽ là khu xử lý rác sử dụng công nghệ tiên tiến từ khâu thu gom đến xử lý, tái chế rác thải, tạo ra nhiều sản phẩm mới cho cho cả TPHCM, Long An và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Dương cho hay, hiện tại dự án này mới xây dựng được 2 cây cầu, và một đoạn đường và đang chờ điều chỉnh quy hoạch. Dù hơi chậm so với mong muốn nhưng nhà đầu tư cố gắng xong phần thủ tục của mình, sau đó phải chờ phê duyệt của cơ quan nhà nước.

Chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, ông David Dương thẳng thắn nhận xét, môi trường đầu tư ở hai nước rất khác nhau. Ông kể rằng lúc khởi đầu ở Việt Nam có lúc ông cảm thấy rất mệt mỏi vì chờ đợi. Ở Mỹ mỗi ngày ông có thể giải quyết 8-9 công việc trôi chảy. Thế nhưng, khi về Việt Nam công việc ngoài phạm vi ở khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước thì phải chờ, muốn đẩy công việc nhanh hơn cũng không được. “Đầu tư ở đâu cũng có cái khó, ở Việt Nam đầu tư ngắn hạn theo kiểu mì ăn liền thì khả năng thành công cao, còn đầu tư lâu dài thì rất khó khăn”, ông Dương tâm sự.

Lê Anh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/284413/dau-tu-dai-han-thi-rat-kho-khan.html