Đầu tư công: Tránh dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả

Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp, nhiều công trình dự án lớn đã được phê duyệt nhưng nhiều năm chưa triển khai, thực hiện, hoặc chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo gây lãng phí thất thoát, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Tỷ lệ giải ngân thấp, nhiều công trình chậm tiến độ

Chiều 27/7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn TP. Hà Nội cho biết, Luật Đầu tư công năm 2019 đã được sửa đổi theo hướng đổi mới, tăng cường phân cấp cho các địa phương. Hiện từ khâu đề xuất dự án đến phân bổ nguồn lực về căn bản được giao cho các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương thực hiện nghiêm túc thì vẫn còn những nơi chưa thực hiện đúng quy trình chưa tuân thủ đúng trật tự ưu tiên.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

Lấy dẫn chứng, bà Vũ Thị Lưu Mai cho hay, vào tháng 2/2020, một số dự án đã được phân bổ nguồn lực dự phòng với lý do cấp bách. Nhưng cũng chính các dự án đó chỉ sau 6 tháng khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn thì đã không còn là cấp bách nữa. "Nhiều khi việc xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, mà xuất phát từ ý muốn chủ quan" - bà Vũ Thị Lưu Mai nói.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới, có 3.476 dự án thuộc diện chuyển tiếp. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 2.731 dự án có phương án bố trí vốn, còn lại hơn 1.000 dự án chưa có phương án phân bổ cụ thể. "Điều này có thể dẫn đến hệ lụy, đó là lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm và đặc biệt là tạo áp lực ngân sách cho giai đoạn tiếp theo, khi rất nhiều dự án mới được bổ sung" - bà Vũ Thị Lưu Mai nêu.

Theo bà Vũ Thị Lưu Mai: Vốn đầu tư công cần được hiểu đó là tiền thuế của nhân dân; kể cả vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là nhân dân. Đó không phải là sở hữu bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, trong quá trình phân bổ nguồn lực, đã có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đã tự cho mình cái gọi là quyền ban phát. Câu chuyện về cơ chế xin - cho không biết khi nào mới kết thúc.

"Cần đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện các kế hoạch đầu tư công. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ trong việc triển khai thực hiện" - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội kiến nghị.

Đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn Trà Vinh nhận định: Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp, nhiều công trình dự án lớn đã được phê duyệt nhưng nhiều năm chưa triển khai, thực hiện, hoặc chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo gây lãng phí thất thoát, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách, nhất là nơi có số thu ngân sách nhà nước khó khăn như nguồn thu thấp, việc chi thường xuyên tương đối cao, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển rất hạn chế, vẫn còn tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công chưa đúng quy định của pháp luật, gây lãng phí ngân sách.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Trà Vinh thảo luận tại nghị trường

Vì vậy, theo ông Bình, siết chặt kỷ luật ngân sách không chỉ là quản lý chặt thu chi, mà cần nhấn mạnh đến kỷ luật, thời gian, tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, đảm bảo chất lượng hiệu quả, chống lãng phí thất thoát. Xử lý nghiêm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu gây khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp, minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công, thực hiện phân cấp, giao quyền, đảm bảo trách nhiệm người đứng đầu.

Quốc hội cần tăng cường giám sát các dự án đầu tư nguồn vốn nhà nước, các dự án trọng điểm quốc gia. Đặc biệt là các dự án hạ tầng, giao thông. "Mặc dù đầu tư công đã bàn rất nhiều năm nhưng thực tế việc đầu tư vẫn dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả và có thể lặp lại trong nhiều năm" - đại biểu đoàn Trà Vinh thẳng thắn.

Khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế trong khâu bố trí vốn

Theo ông Thạch Phước Bình, tỷ lệ giải ngân vốn giai đoạn 2016-2020 lần lượt là 80,3%; 73,3%; 66,87% và 67,46%…Thực trạng chậm giao vốn, giao nhiều lần, chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA vẫn chưa được khắc phục, thủ tục giao vốn vẫn còn phức tạp, chưa xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, khiến nhiều dự án quan trọng tác động đến phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai, dở dang, kéo dài.

Ông Dương Khắc Mai, đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông nhìn nhận: Việc xây dựng đầu tư công trung hạn cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn các danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư công và khả năng huy động vốn khác để thực hiện.

“Đề nghị các cơ quan cần nghiêm túc thực hiện đúng nguyên tắc tiêu chí phân bổ, được Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội quy định, khắc phục triệt để tồn tại hạn chế trong khâu bố trí vốn khi thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước” - ông Dương Khắc Mai nói.

Đại biểu Đắk Nông cũng cho hay, trong thời gian qua, việc liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo một phần do hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ chưa thực sự thuận lợi để tạo điều kiện kết nối vùng, làm cho vùng chưa phát huy được lợi thế.

Đại biểu Dương Khắc Mai - đoàn Đắk Nông phát biểu

Do đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cần đẩy mạnh xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Ông Dương Khắc Mai cho rằng, hiện nay liên kết vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ còn lỏng lẻo với thế độc đạo là quốc lộ 14 nay là đường Hồ Chí Minh. Việc xây dựng tuyến đường kết nối duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tạo sức lan tỏa rộng lớn cũng như tạo điều kiện để các vùng phát huy được tiềm năng thế mạnh, tăng cường thu hút đầu tư, tạo sự đột phá trong tăng trưởng kinh tế đồng thời đảm bảo quốc phòng an ninh, an sinh xã hội và đảm bảo đời sống nhân dân.

Đối với số vốn chưa trình phương án phân bổ và số vốn dự kiến phân bổ cho các dự án chưa có quyết định chủ trường đầu tư, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, vấn đề này chưa tuân thủ đúng quy định theo Luật đầu tư công.

Để đảm bảo chặt chẽ, đại biểu Đắk Nông đề nghị giao cho Chính phủ rà soát, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đối với dự án chưa quyết định chủ trương đầu tư; đối với số vốn chưa có phương án phân bổ bổ sung danh mục dự án, mức vốn, bố trí cụ thể trên từng dự án theo quy định Luật Đầu tư công báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến trước tháng ngày 30/10/2021.

“Trường hợp chưa hoàn thiện thủ tục đề nghị kiên quyết thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công, không bố trí kế hoạch vốn đối với số vốn này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025” - đại biểu Dương Khắc Mai chia sẻ.

Đỗ Nga - Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-tu-cong-tranh-dan-trai-phan-tan-lang-phi-kem-hieu-qua-161324.html