Đầu tư công nghệ quản lý tín dụng

Sau giai đoạn tái cơ cấu, ổn định hoạt động, các NHTM bắt đầu đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào công nghệ để quản lý các khoản vay.

Trong xu hướng thị trường tài chính đang chuyển hướng gắn với tương tác kỹ thuật số, các khoản đầu tư này sẽ mang lại lợi ích lớn cho NH khi thực hiện nghiệp vụ cho vay, nhất là cho vay tiêu dùng.

Tăng cường công nghệ mới

Giữa tháng 1, Maritime Bank và Công ty TNHH Infosys Việt Nam (Infosys), Công ty TNHH Tích hợp hệ thống CMC Sài Gòn (CMC SISG) đã ký kết hợp đồng mua sắm và triển khai hệ thống khởi tạo và quản lý khoản vay (Loan Origination System - LOS). Đây là một trong những dự án trọng điểm nhằm hiện thực hóa mục tiêu mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng khi giao dịch với NH.

Thông qua hệ thống LOS, nhân viên kinh doanh dễ dàng tra cứu thông tin của khách hàng, tư vấn và trả lời trực tiếp nhanh chóng, chính xác về các khoản vay cũng như lộ trình thực hiện khi khách hàng có nhu cầu. Qua đó, các hồ sơ vay sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng, thông suốt.

Maritime Bank kỳ vọng việc đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống này sẽ rút ngắn 50% thời gian phục vụ khách hàng, đồng thời luôn cập nhật chính xác tình trạng xử lý hồ sơ ở từng thời điểm để khách hàng có kế hoạch chủ động tương ứng.

Trước đó, Sacombank cũng ký kết hợp đồng liên danh Aurionpro - Integro xây dựng hệ thống LOS với tổng giá trị đầu tư hơn 100 tỷ đồng (ảnh). Hệ thống LOS bao gồm 3 hệ thống chính, là khởi tạo hồ sơ tín dụng, quản lý hạn mức, quản lý tài sản đảm bảo, giúp NH quản lý xuyên suốt toàn bộ quy trình, tác nghiệp, từ khâu tạo hồ sơ khách hàng, xét duyệt khoản vay, đến triển khai phán quyết.

Theo các chuyên gia tài chính, hiện nay tín dụng đang có xu hướng tăng trưởng tốt, lượng khách hàng ngày càng tăng, nên để cạnh tranh trong tín dụng, các NH phải đầu tư công nghệ để nâng cao hiệu quả. Tại VietBank, ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc NH, cho biết sẽ đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đổi mới công nghệ trong năm 2018, với mục tiêu hướng tới sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ cho vay, nhất là vay tiêu dùng, nhằm dần thay thế các phương thức cho vay truyền thống.

Tương tự, các NH như NCB, ABBank cũng đầu tư mạnh để ứng dụng các phần mềm mới, hình thành cơ sở dữ liệu về thông tin khách hàng để nhân viên thực hiện nhanh việc tư vấn, trả lời về khoản vay. Hiện NCB đang áp dụng phiên bản NCB Smart 3.0 với giao diện thiết kế hiện đại.

Theo đó, ngoài những chức năng cơ bản như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm online, chủ tài khoản có thể tự chủ động đóng và mở chức năng mua hàng hóa qua mạng, qua thẻ. Đồng thời, thanh toán các khoản vay như vay mua ô tô, mua nhà, vay tiêu dùng, thẻ tín dụng… cũng được thao tác qua mạng thay vì phải đến phòng giao dịch của NH.

Tấm đệm “tấn công” cho vay tiêu dùng
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Ban dự án LOS Sacombank, cho biết nằm trong số 10 NH được NHNN giao thí điểm triển khai quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel II, NH đang nghiên cứu, áp dụng những giải pháp mới, đặc biệt là những giải pháp vận dụng công nghệ thông tin vào số hóa các quy trình, tác nghiệp, đảm bảo an toàn hệ thống dữ liệu và hạn chế mọi sai sót do cảm tính của con người…

Những công nghệ mới này nhằm nâng cao công tác quản trị rủi ro của NH nói chung và trong quản lý tín dụng nói riêng. Hệ thống LOS còn nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí vận hành, rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ tín dụng, hỗ trợ phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ mới cho khách hàng, tăng cường khả năng quản trị rủi ro tín dụng, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, đồng thời nâng cao tính minh bạch và bảo mật thông tin cho NH.

Không chỉ vài NH, hiện nay nhiều NH khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ đối với lĩnh vực tín dụng, nhằm mục đích đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong thời gian tới. Bởi khi đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, các NH sẽ phân tán được rủi ro và lãi suất cho vay tiêu dùng hấp dẫn hơn so với các lĩnh vực khác.

Muốn vậy, NH rất cần hệ thống hỗ trợ để khởi tạo và quản lý khoản vay như các công ty tài chính để có thể nhận hàng ngàn hồ sơ vay mỗi ngày với thời gian thẩm định hồ sơ tính bằng phút dựa trên hệ thống Big Data.

Trong báo cáo chuyên đề về tín dụng tiêu dùng đưa ra mới đây, Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, việc dịch chuyển dòng vốn tín dụng sang khu vực hộ gia đình như một lời giải phù hợp trong trung hạn cho bài toán duy trì tăng trưởng kinh tế.

Theo ước tính của Rồng Việt, tín dụng tiêu dùng tăng trên 60% trong năm 2017 và dự đoán sẽ tăng trưởng trung bình 30% trong 3 năm tới. Tính tới cuối năm 2017, quy mô tín dụng tiêu dùng/GDP đạt khoảng 19%.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Trường đại học Fulbright Việt Nam, nhận định xu thế tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới là đúng quy luật chuyển dịch của nền kinh tế. Vấn đề là các NH phải có đủ năng lực kiểm soát rủi ro ở lĩnh vực này.

Hiện nay giải pháp thanh toán di động, hình thức cho vay ngang hàng (peer-to-peer) - một mô hình dịch vụ tín dụng mới kết nối trực tiếp người cho vay và người đi vay, xử lý toàn bộ quá trình cho vay thông qua các nền tảng trực tuyến - đã xuất hiện. Phương thức này sẽ là thử thách đối với các TCTD truyền thống, buộc các TCTD phải có sự đầu tư chuyển hóa kỹ thuật số, nhằm cung cấp cho khách hàng dịch vụ phản hồi tức thì.

Bảo Tùng

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/tai-chinh/dau-tu-cong-nghe-quan-ly-tin-dung-54398.html