Đầu tư công: Chuyện dài chậm trễ và đội vốn

Diễn đàn Quốc hội nóng lên với dự luật Đầu tư công (sửa đổi), trong đó ý kiến của ban soạn thảo cho rằng cần phải nâng mức phê duyệt tổng vốn đầu tư toàn bộ các dự án, bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, và phân quyền cho Chính phủ phê duyệt danh mục các dự án đầu tư trung hạn.

Lý do là Quốc hội không có thời gian để phê duyệt hàng ngàn dự án lớn nhỏ, dẫn đến tình trạng các dự án đầu tư bị chậm trễ khi triển khai thực hiện, là nguyên nhân dẫn đến đội vốn khi triển khai dự án. Như vậy, nếu được thông qua tại kỳ họp này như đề xuất của ban soạn thảo thì thẩm quyền của Chính phủ rất lớn.

 Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên đội vốn từ mức dự kiến 17.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng. Ảnh: Thành Hoa

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên đội vốn từ mức dự kiến 17.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng. Ảnh: Thành Hoa

Chậm trễ, đội vốn đâu chỉ tại thời gian phê duyệt

Với mức quy định danh mục dự án quan trọng quốc gia có giá trị 10.000 tỉ đồng trở lên, trong suốt nhiệm kỳ qua, Quốc hội chỉ mới phê duyệt được hai dự án. Như vậy đâu có thể gọi là nhiều? Nếu nâng mức phê duyệt lên 20.000 tỉ đồng thì e rằng trong nhiệm kỳ của mình Quốc hội sẽ không có cơ hội phê duyệt bất kỳ dự án trọng điểm quốc gia nào.

Theo giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với 9.600 dự án triển khai trong nhiệm kỳ qua thì Quốc hội không có thời gian để xem xét thông qua danh mục dự án đầu tư vì mỗi khi có sự thay đổi tên, quy mô dự án đều phải trình và như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian, là nguyên nhân làm cho việc đầu tư công bị chậm trễ.

Thực tế, việc đầu tư công chậm trễ phần lớn có trách nhiệm của các cơ quan tham mưu của Chính phủ và các địa phương. Có thể thấy nguyên nhân đầu tiên là khâu chuẩn bị hồ sơ dự án sơ sài, không tính đúng, tính đủ dẫn đến các dự án bị đội vốn.

Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng chủ đầu tư lách luật, chia nhỏ dự án để việc phê duyệt đầu tư dễ dàng hơn. Nhiều dự án đội vốn đến 2-3 lần, buộc phải trình lại cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điển hình như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn 9.231,6 tỉ đồng, tương đương 205,27%(1). Do quy mô dự án thay đổi rất lớn nên cần có các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi tiếp tục thực hiện.

Dự án bị bế tắc, kéo dài là lẽ đương nhiên. Tương tự, dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên cũng đội vốn 30.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng, so với mức dự kiến đầu tư ban đầu là 17.000 tỉ đồng(2), TPHCM không thể tự quyết định mà cần phải được các cơ quan có thẩm quyết phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư khiến dự án chậm trễ hàng năm trời.

Cần phải có chế tài về tài chính đối với các dự án chậm trễ, đội vốn bằng cách không phân bổ thêm ngân sách cho các địa phương, bộ ngành có dự án chậm trễ, đội vốn gây ra thất thoát, lãng phí.

Tình trạng đăng ký để xí phần dự án của các bộ ngành, địa phương khiến các dự án phải nhiều lần điều chỉnh cũng là nguyên nhân chậm trễ. Nhiều địa phương, bộ ngành tranh thủ đưa dự án vào để được Quốc hội phê duyệt danh mục sau đó tìm cách điều chỉnh sau. Nhiều dự án trình cẩu thả đến mức tên dự án cũng không chính xác và theo luật thì cần phải được phê duyệt lại khi điều chỉnh.

Nguyên nhân chậm trễ khi triển khai dự án cũng đến từ khâu đấu thầu dự án. Việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu không nghiêm túc dẫn đến trình trạng phải hủy thầu, đấu thầu lại hoặc điều chỉnh hồ sơ thầu mất rất nhiều thời gian.

Ngoài ra, dự án đầu tư công chậm trễ còn do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đây là vướng mắc rất lớn hiện nay. Việc không giải phóng được mặt bằng vì địa phương đền bù không thỏa đáng hoặc thiếu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra giám sát dẫn đến tình trạng giá vật tư thiết bị, nguyên vật liệu tăng lên, làm đội vốn ngân sách và tất nhiên lại phải điều chỉnh dự án và chờ phê duyệt.

Rất cần siết chặt kỷ cương

Luật Đầu tư công là công cụ để Quốc hội giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư của Chính phủ nhằm sử dụng ngân sách nhà nước một cách hiệu quả, tránh đầu tư tràn lan, gây thất thoát, lãng phí như trong thời gian qua.

Các dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Vinashin, Vinalines... cần phải được rút ra bài học nghiêm túc về đầu tư công, trong đó việc sửa đổi Luật Đầu tư công là cần thiết. Quốc hội với tư cách là cơ quan giám sát tối cao cần phải được quyền quyết định các dự án quan trọng quốc gia và danh mục đầu tư trung hạn.

Về phía các cơ quan tham mưu của Chính phủ, cần chuẩn bị các báo cáo đầu tư nghiêm túc, đầy đủ, không để tiếp tục xảy ra tình trạng đội vốn mới giải trình là thiếu kinh nghiệm, không dự báo được dẫn đến phải thay đổi thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh dự án làm kéo dài thời gian đầu tư.

Quy trình đầu tư phải được rà soát để rút ngắn trình tự đầu tư, đặc biệt với các khâu gây chậm trễ chủ yếu là giải phóng mặt bằng, đấu thầu dự án... Do Luật Đầu tư công đã cho phép việc giải phóng mặt bằng tách thành một dự án độc lập nên Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ phê duyệt dự án khi đã có mặt bằng sạch, tránh trường hợp đội vốn do giải phóng mặt bằng kéo dài dẫn đến chi phí nguyên vật liệu, thiết bị tăng cao so với lúc lập dự án.

Đồng thời, cần phải điều chỉnh, sửa đổi Luật Đất đai theo hướng giá đền bù công khai, minh bạch, phù hợp giá thị trường để đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng, một trong những khâu gây ách tắc lớn hiện nay, làm chậm trễ và đội vốn dự án.

Bên cạnh đó, Quốc hội cần phải mạnh dạn loại bỏ khỏi danh mục đầu tư trung hạn các dự án không khả thi, không giải trình được hiệu quả để chấm dứt tình trạng xí phần dự án của các địa phương, bộ ngành.

Cuối cùng, cần phải có chế tài về tài chính đối với các dự án chậm trễ, đội vốn bằng cách không phân bổ thêm ngân sách cho các địa phương, bộ ngành có dự án chậm trễ, đội vốn gây ra thất thoát, lãng phí, vì suy cho cùng đó cũng là một giải pháp phân bổ nguồn lực quốc gia một cách hiệu quả. Bộ ngành, địa phương nào sử dụng vốn ngân sách không hiệu quả, kỳ sau sẽ bị giám sát và hạn chế phê duyệt dự án.

(1) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/duong-sat-cat-linh-ha-dong-doi-von-9231-ty-dong-bo-khdt-tran-tinh-ve-oda-trung-quoc-20190529095614018.htm

(2) https://vtc.vn/vi-sao-du-an-metro-ben-thanh--suoi-tien-doi-von-hon-30000-ty-dong-so-voi-du-kien-d447981.html

TS. Võ Duy Nghi

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289957/dau-tu-cong-chuyen-dai-cham-tre-va-doi-von-.html