Đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được khoảng 95.998 tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khu trồng hoa tại xã Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa) được người dân đầu tư để sản xuất theo hướng công nghệ cao. Ảnh: Hương Thơm

Đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành nông nghiệp bao gồm các hạng mục, như: Đầu tư cho thủy lợi, đê điều, hệ thống điện, đường giao thông nội đồng, kho tàng, bến bãi... Việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp được xem là có tác động kép, không chỉ là động lực để chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, tập trung, quy mô lớn, mà còn kéo theo sự thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế cho thấy, những địa phương nào mà cơ sở hạ tầng yếu kém thì khó thu hút các nhà đầu tư, ngược lại, những địa phương, khu vực nào có hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ thì sẽ thu hút được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất.

Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm, chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... để đầu tư xây dựng hệ thống hồ đập, kiên cố hóa giao thông, kênh mương nội đồng. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để vận động, thu hút các nguồn vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ. Mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính lớn như WB, ADB, Keximbank, JICA, KOICA,... nhằm thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng các hình thức hợp tác công tư trong phát triển sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng. Thu hút các nguồn lực khác trong Nhân dân, các doanh nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp.

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá cửa sông Lý tại xã Quảng Thạch (Quảng Xương).

Thông qua giải pháp huy động nguồn lực, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được khoảng 95.998 tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ nguồn vốn huy động được, những năm qua, tỉnh ta đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp được 83 hồ chứa nước, 122 đập dâng, 63 trạm bơm tưới, tiêu các loại; kiên cố được 1.025 km kênh mương, nâng tổng chiều dài kênh mương được kiên cố hóa lên 7.826 km/15.556 km, đạt 50%. Tu bổ, nâng cấp được 175,2 km đê; sửa chữa, xây dựng mới 101 cống dưới đê; trồng mới 26,12 ha cây chắn sóng. Nâng cấp hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung; xây dựng khu neo đậu và tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá cửa sông Lý (Quảng Xương); xử lý khẩn cấp nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn); cảng cá Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), cảng cá Hải Châu (thị xã Nghi Sơn);... Đầu tư làm 133,3 km đường ranh cản lửa, 12 km đường tuần tra, kiểm tra rừng, tu sửa 34 trạm bảo vệ rừng, lắp đặt 7 trạm quan trắc tự động cập nhật số liệu thời tiết phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp, với tỷ lệ cơ giới hóa trong trồng trọt đạt 89,7% khâu làm đất, 15,4% gieo trồng, 55,7% thu hoạch, 78,2% khâu vận chuyển và 50% chế biến. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng chính là nền tảng để toàn tỉnh xây dựng, phát triển được vùng sản xuất lúa thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, quy mô 158.158 ha gieo trồng/năm; vùng rau an toàn tập trung 12.560 ha gieo trồng. Xây dựng được 32 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung. Đầu tư xây dựng 9 vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, quy mô 1.200 ha tại 4 huyện, gồm: Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn và thị xã Nghi Sơn. Cùng với đó, thực hiện nâng cấp các cống, bờ bao, kênh cấp, thoát, bảo đảm ổn định việc cấp thoát nước cho hơn 700 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp thoát nước trên địa bàn tỉnh lên gần 6.000 ha. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng đã tạo điều kiện để tỉnh thu hút được 807 doanh nghiệp, 640 HTX, 1.106 tổ hợp tác đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Những kết quả trên cho thấy, việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp. Vì vậy, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp thông qua việc ban hành thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo động lực để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn và huy động nguồn lực từ xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp. Tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ Trung ương, vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ. Mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính lớn, nhằm thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường huy động nguồn vốn qua kênh tín dụng; vốn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực dân cư và các thành phần kinh tế khác để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/dau-tu-co-so-ha-tang-phat-trien-nong-nghiep/128300.htm