Đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tích cực kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất cho người dân.

Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) được đầu tư hệ thống kênh mương, đường điện cao thế... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất.

Thực hiện Chương trình phát triển thủy sản bền vững tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh đã huy động được 120,107 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và 14,453 tỷ đồng ngân sách đối ứng của tỉnh, thực hiện đầu tư 10 vùng NTTS nước lợ, đó là: Vùng NTTS tập trung ở các xã Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn); Xuân Lộc (Hậu Lộc); Hoằng Đạt, Hoằng Thắng, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Phong (Hoằng Hóa); Quảng Chính, Quảng Khê (Quảng Xương); Đông – Phong - Ngọc (Hà Trung)... Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Thanh Hóa được tham gia Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD)” do Ngân hàng Thế giới tài trợ đầu tư các vùng NTTS an toàn sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng NTTS tập trung đã góp phần hạn chế, giảm thiểu dịch bệnh, nâng cao hiệu quả NTTS. Đây cũng là điều kiện cho việc các tổ chức, cá nhân đầu tư áp dụng các hình thức NTTS công nghiệp công nghệ cao, giảm thiểu dịch bệnh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các vùng NTTS được đầu tư cơ sở hạ tầng năng suất nuôi tăng lên 2 lần, hiệu quả kinh tế tăng lên 30 - 50% so với khi chưa nâng cấp; tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động trực tiếp cũng như gián tiếp trong NTTS. Nhờ được đầu tư cơ sở hạ tầng, tại các vùng NTTS trong tỉnh đã hình thành những mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi công nghệ cao...

Hiện toàn tỉnh có 19.500 ha NTTS; trong đó, nước ngọt 14.110 ha, nước mặn, lợ 5.350 ha... tập trung chủ yếu ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn... Thực tế điều kiện cơ sở hạ tầng các vùng NTTS trên địa bàn tỉnh phần lớn chỉ đáp ứng cho hình thức nuôi quảng canh với năng suất thấp do hệ thống cấp thoát nước chung nhau, giao thông không thuận lợi, không có điện cho vùng nuôi,... nên gặp khó khăn khi phát triển nuôi thâm canh. Để thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, một số vùng trồng lúa bị nhiễm mặn, trồng cói kém hiệu quả đã lập dự án chuyển đổi sang nuôi tôm nước lợ nhưng hiện tại thiếu nguồn vốn đầu tư để đầu tư hạ tầng thiết yếu. Nhằm mục tiêu xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức sản xuất tốt theo hướng nâng cao giá trị, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã xây dựng Dự án “Phát triển thủy sản bền vững”, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian thực hiện từ năm 2021-2026. Dự án triển khai thực hiện đầu tư hợp phần nâng cấp, phát triển hạ tầng khai thác thủy sản và hạ tầng NTTS tập trung trên địa bàn các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn và Quảng Xương. Trong đó, dự án tập trung đầu tư nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng 7 vùng NTTS nước lợ, với 1.346 ha, tập trung ở các huyện Nga Sơn 285 ha, Hoằng Hóa 825 ha, Hậu Lộc 64 ha, Quảng Xương 172 ha... Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu dịch bệnh. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ NTTS có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản. Góp phần thúc đẩy hiệu quả NTTS đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, từng bước hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái. Tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào NTTS, kiểm soát tốt chất lượng môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nuôi trồng.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/dau-tu-co-so-ha-tang-nuoi-trong-thuy-san/148768.htm