Đầu tư cho văn hóa và phát triển du lịch

Nhà hát nghệ thuật Phương Nam đang tích cực hoàn chỉnh vở múa rối bóng 'Sự tích con muỗi' để đưa vào phục vụ khán giả trong dịp Tết Trung thu sắp tới.

Việc dựng mới vở rối bóng cùng với biểu diễn thường xuyên của những vở rối nước, cho thấy Nhà hát nghệ thuật Phương Nam đang nỗ lực đưa văn hóa Việt Nam đến với công chúng trẻ, nhất là khán giả nước ngoài. Đáng tiếc lâu nay nghệ thuật truyền thống rối bóng cho dù hấp dẫn, được nhiều người hâm mộ, nhất là khách nước ngoài, tuy nhiên ít được các đơn vị nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh dàn dựng với nhiều lý do.

Trong các loại hình du lịch, du lịch văn hóa luôn là kênh nhanh nhất để quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè các nước. Chính vì thế, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực đưa nghệ thuật truyền thống đến với khán giả nước ngoài. Các buổi diễn của Nhà hát nghệ thuật Hát bội thành phố tại phố đi bộ Bùi Viện, những đêm nhạc đường phố vào dịp cuối tuần ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, hay các đêm biểu diễn rối nước tại khách sạn Rex,… mang lại sự thích thú cho du khách quốc tế. Bên cạnh đó, là một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, TP Hồ Chí Minh luôn có nhiều đơn vị tư nhân tổ chức các chương trình nghệ thuật biểu diễn tại các sân khấu trong thành phố với nội dung và hình thức đa dạng.

Đánh giá một cách công bằng, dù có nhiều nỗ lực, du lịch văn hóa ở TP Hồ Chí Minh vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa có sự kết nối giữa ngành du lịch và các đơn vị tổ chức biểu diễn. Nhiều hoạt động nghệ thuật truyền thống như hát bội, cải lương, âm nhạc dân gian thu hút sự chú ý của du khách nước ngoài nhưng lại không được tổ chức thường xuyên, thiếu sự đầu tư để nâng cao chất lượng các tiết mục. Là thành phố có hoạt động văn hóa sôi nổi nhất nhì cả nước, nhưng TP Hồ Chí Minh thiếu nhà hát hiện đại để biểu diễn phục vụ khán giả một cách tốt nhất. Được biết, dù xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn nhưng đến nay thành phố vẫn chưa hoàn thành quy hoạch tổng thể ngành du lịch thành phố đến năm 2030. Điều này dẫn đến thành phố chưa có hướng phát triển cụ thể, bền vững cho các loại hình du lịch, trong đó có du lịch văn hóa. Thành phố cũng chưa chọn ra được những chương trình, địa điểm biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu làm sản phẩm du lịch văn hóa để có thể hình thành các tua du lịch cố định trong tuần, tạo điểm nhấn cho du khách nước ngoài đến tham quan, thưởng thức.

Vấn đề đầu tư cho phát triển văn hóa, từ việc đào tạo nguồn nhân lực, hệ thống nhà hát đạt chuẩn quốc tế là điều đáng bàn nhất hiện nay. Trong chương trình đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X đã đề ra, thành phố đã chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống như hát bội, múa rối nước, cũng như tạo điều kiện tuyển chọn, thuê chuyên gia người nước ngoài về huấn luyện, giao lưu biểu diễn ở các đoàn nghệ thuật. Đây là cơ sở để thành phố có được những tác phẩm đỉnh cao phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân địa phương và du khách khi đến thành phố. Để du lịch văn hóa thành phố phát triển, cần có sự bàn bạc cụ thể và sự liên kết chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các ban, ngành liên quan về du lịch,văn hóa, các đơn vị lữ hành với các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, chứ không nên máy móc xem đây là nhiệm vụ của riêng ngành du lịch, hoặc văn hóa. Sự thống nhất, gắn kết chặt chẽ ấy sẽ tạo điều kiện cho thành phố phát triển một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời giúp thành phố quảng bá hiệu quả hơn nữa những tinh hoa của văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Bảo Linh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37267902-dau-tu-cho-van-hoa-va-phat-trien-du-lich.html