Đầu tư cho trường học công lập: Thiếu vốn và quỹ đất

Nhờ tăng cường đầu tư cho các trường học công lập và xây trường tại các khu đô thị đã giúp TP Hà Nội cơ bản không còn bị thiếu trường, thiếu lớp.

Tuy nhiên, thực tế khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP mới đây cho thấy, vẫn còn tình trạng quá tải ở nhiều trường học khu vực nội đô, trong khi nhiều trường tại ngoại thành, cơ sở vật chất (CSVC) chưa được quan tâm đầu tư đủ…

Quận, huyện đều gặp khó

Dù toàn TP có sĩ số bình quân 34 học sinh (HS)/lớp, song qua khảo sát cho thấy, tại nhiều phường có chỉ tiêu sĩ số, số lớp/trường, số HS/lớp cao hơn nhiều so với quy định. Một số dự án xây trường trong quy hoạch lại chưa được triển khai hoặc chưa xong, khiến nhiều phường vẫn thiếu trường công lập.

 Tiết học thể dục của các em học sinh trường Tiểu học Quang Minh B (huyện Mê Linh).

Tiết học thể dục của các em học sinh trường Tiểu học Quang Minh B (huyện Mê Linh).

Tại không ít phường ở 4 quận cũ, do hạn chế đất nên không đảm bảo có ít nhất một trường công lập ở 3 cấp học. Đặc biệt về chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia, trong khi các huyện khó khăn về kinh phí đầu tư, tại các quận lại rất hạn chế về đất mở rộng trường do số HS tăng nhanh.

Tại Thanh Xuân, dù chất lượng giáo dục được đánh giá đứng đầu TP, song thực tế sĩ số cấp mầm non lên tới 54 HS/lớp, cấp tiểu học 51 HS/lớp, thậm chí một số trường trên 60 HS/lớp. Diện tích sử dụng/HS trung bình tại trường tiểu học chỉ đạt 4,9m2, kém xa chuẩn. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang, nhiều cư dân chuyển đến chung cư trên địa bàn nên số HS các cấp tăng, đã tạo áp lực tuyển sinh cho nhiều trường công lập.

Tại quận Hai Bà Trưng, Trưởng phòng GD&ĐT Trần Lưu Hoa chia sẻ, do thiếu quỹ đất nên nhiều trường mầm non, tiểu học có địa điểm lẻ chung với nhà dân từ nhiều năm nhưng quận không có điều kiện chuyển đổi vào một điểm. Quận còn tới 8 trường mầm non công lập có địa điểm lẻ, phân tán nên quản lý đội ngũ rất khó khăn, đầu tư tốn kém. Đây chính là bất cập lớn nhất để đầu tư CSVC nhằm xây dựng trường chuẩn.

Trong khi đó, tại một số huyện, do nguồn đầu tư từ ngân sách TP và huyện cho giáo dục đào tạo thấp nên CSVC, trang thiết bị dạy học rất hạn chế, nhiều trường quy mô nhỏ. Việc đầu tư CSVC khối tiểu học mới chủ yếu tập trung cho điểm trường chính, còn các điểm lẻ nhiều khó khăn. Một số trường được công nhận chuẩn quốc gia đã quá 5 năm nhưng chưa có kinh phí đầu tư để công nhận lại.

"Liên quan việc mua sắm tập trung cho giáo dục, năm nay Sở Tài chính đã có văn bản tham mưu UBND TP cho tổ chức mua sắm theo tháng để kịp đáp ứng nhu cầu của các đơn vị. Về danh mục công trình cải tạo sửa chữa, Sở GD&ĐT cần khẩn trương triển khai thủ tục đầu tư, bởi quy định danh mục này phải có các hồ sơ quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật thì mới bố trí được kinh phí." - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài chính - Hành chính sự nghiệp (Sở Tài chính)
Trần Văn Dũng

Điển hình trường Tiểu học Quang Minh B (Mê Linh), một số phòng học tường vôi ẩm mốc, thiếu ánh sáng do chưa thay bóng đèn hỏng; nhà vệ sinh ở ngoài trời... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, huyện có nhiều trường đến hạn, quá hạn công nhận lại chuẩn nhưng để đầu tư cần vốn rất lớn. Một số trường có sĩ số vượt quy định hoặc rất khó mở rộng quỹ đất do vướng quy hoạch nên không đủ điều kiện công nhận mới, công nhận lại. Nguyên nhân chính là ngân sách huyện có hạn trong khi xã hội hóa giáo dục gặp rất nhiều rào cản. Hay ở Ứng Hòa, nhiều trường thiếu nhiều phòng học, thiết bị, đồ dùng; hạn chế về hạ tầng CNTT, nhất là một số trường mầm non, tiểu học do địa bàn rộng phải chia nhiều điểm trường.

Bà Tưởng Thị Liên - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tảo Dương Văn cho biết: Trường vẫn phải chia làm 3 điểm lẻ ở 3 thôn rất xa nhau, khiến việc tổ chức hoạt động ngoại khóa gặp nhiều khó khăn. Trong đó, 2 điểm trường xây từ năm 1997 đã rất xuống cấp.

Đáng chú ý tại nhiều khu đô thị, một số dự án xây trường chưa triển khai khiến nhiều khu đất bị bỏ hoang. Đặc biệt, ở các quận lõi, nhiều dự án được chủ đầu tư nhượng lại cho nhà đầu tư thứ cấp nhưng các nhà đầu tư này chậm triển khai hoặc chủ yếu xây trường tư thục, gây quá tải cho các trường công lập do thêm HS từ khu đô thị.

Ưu tiên quỹ đất, khuyến khích đầu tư

Từ thực tế ghi nhận được, đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ cho phép HĐND TP hỗ trợ các địa phương chi ngân sách hiệu quả hơn về an sinh xã hội, y tế, giáo dục. Các cơ quan T.Ư sau di dời trụ sở cần bàn giao quỹ đất cho Hà Nội để bổ sung xây trường học. Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cũng đề nghị T.Ư hoàn thiện văn bản chính sách liên quan xã hội hóa giáo dục để tạo hành lang pháp lý thuận lợi khuyến khích nhà đầu tư phát triển giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, HĐND TP hàng năm dành ngân sách thỏa đáng đầu tư tăng cường CSVC, trang thiết bị trường học và tăng giám sát công tác này để kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm.

Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Quang Thắng cho rằng, TP nên khuyến khích xây trường chất lượng cao quy mô lớn theo hình thức xã hội hóa nhằm giảm tải cho nội đô, ưu tiên kinh phí xây trường chuẩn quốc gia cấp THPT - cấp có tỷ lệ đạt chuẩn thấp. Đặc biệt, cần đôn đốc chủ đầu tư dự án khu đô thị trước khi thực hiện dự án mới phải cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng đủ trường học đáp ứng nhu cầu học của con em trong dự án. "Nếu chủ đầu tư trì hoãn, cần thu hồi dự án. Thực tế nhiều quận, huyện rất bức xúc vì thiếu đất xây trường, trong khi các chủ đầu tư cố tình chậm trễ” - ông Thắng nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị, với những thiết bị dạy học đặc thù không có sẵn trên thị trường, nhỏ lẻ thì không mua sắm tập trung TP mà cần giao các trường tổ chức mua sắm, sẽ thiết thực hơn. Về phía quận, huyện, cần dành kinh phí và quỹ đất để xây mới, mở rộng một số trường đã có sĩ số HS quá lớn, cùng với đẩy nhanh đấu giá quyền sử dụng đất và phối hợp với các sở, ngành đôn đốc sử dụng đất vào các dự án để tạo nguồn thu đầu tư cho CSVC trường học.

Về việc xây dựng, công nhận lại trường chuẩn quốc gia, Hiệu trưởng trường THCS Liên Bạt (huyện Ứng Hòa) Trần Hữu Đạt chia sẻ: Từ năm 2017, trường được đầu tư xây mới đạt chuẩn, thầy trò rất phấn khởi. Song để giữ vững danh hiệu này, khó khăn nhất chính là làm sao đào tạo đội ngũ giáo viên biết sử dụng một số trang thiết bị dạy học hiện đại, như bảng tích hợp thông minh trong phòng học tiếng Anh. Do đó TP, huyện cần cập nhật thêm các kiến thức nghiệp vụ này cho giáo viên. Lãnh đạo nhiều huyện cũng đề nghị TP hỗ trợ kinh phí cho các địa phương đầu tư xây những trường đã quá hạn công nhận lại, chỉ đạo tích cực triển khai đề án chiếu sáng học đường, công trình nước sạch, nhà vệ sinh thiếu trong trường, đồng thời tạo điều kiện tiếp tục quy hoạch mạng lưới trường lớp...

"Sở GD&ĐT cần định hướng cho các quận, huyện đầu tư những loại thiết bị nào để thiết thực cho công tác dạy - học. TP cũng cần rà soát các tiêu chí trường chuẩn quốc gia, trong đó chú trọng chất lượng giáo viên và kết quả giáo dục, với tiêu chí chất lượng của Hà Nội phải cao hơn các địa phương khác." - Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng

"Nên đa dạng hóa hình thức hợp tác công - tư trong giáo dục. Có nhà đầu tư không có nhiều vốn đầu tư ban đầu và không chấp nhận được rủi ro vay, nhưng có khả năng quản trị trường học rất tốt. Do đó, TP có thể đầu tư xây trường rồi giao họ khai thác vận hành, để tận dụng được chỗ học cho HS mà chất lượng vẫn tốt, nhà đầu tư không gặp quá nhiều rủi ro." - Đại biểu HĐND TP Lê Thùy Dương

Linh Chi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dau-tu-cho-truong-hoc-cong-lap-thieu-von-va-quy-dat-343648.html