Đầu tư cho lực lượng chữa cháy chuyên ngành

Ngoài việc thường trực, sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị, lực lượng chữa cháy chuyên ngành đã tham gia tích cực vào công tác PCCC&CNCH trên địa bàn, trở thành 'cánh tay nối dài' của Cảnh sát PCCC&CNCH.

Đội chữa cháy chuyên ngành (Xí nghiệp Kho vận Xăng dầu K130) tập luyện nghiệp vụ với sự hướng dẫn của Cảnh sát PCCC.

Đội chữa cháy chuyên ngành (Xí nghiệp Kho vận Xăng dầu K130) tập luyện nghiệp vụ với sự hướng dẫn của Cảnh sát PCCC.

Theo quy định tại Điều 44, Luật PCCC sửa đổi năm 2003, Đội PCCC chuyên ngành là đội PCCC cơ sở, được tổ chức để đáp ứng yêu cầu hoạt động đặc thù của cơ sở, do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thành lập, quản lý. Trong đó, những cơ sở bắt buộc phải thành lập đội PCCC chuyên ngành gồm: Cảng hàng không, cảng biển; cơ sở khai thác và chế biến dầu mỏ, khí đốt; cơ sở khai thác than; cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ...

Được thành lập năm 2015, tiền thân là đội PCCC chuyên trách (năm 2009), đội PCCC-CNCH cơ sở (năm 2014), Đội chữa cháy chuyên ngành Xí nghiệp Kho vận Xăng dầu K130 (Công ty Xăng dầu B12) hiện có 32 thành viên, với 25% là thành viên nòng cốt từ những ngày đầu thành lập.

Xác định PCCC là yếu tố sống còn, quyết định sự an toàn trong sản xuất và kinh doanh xăng dầu, hằng năm, Xí nghiệp Kho vận Xăng dầu K130 đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác này. Không chỉ thành lập, duy trì, đơn vị ngày càng chuyên nghiệp hóa lực lượng chữa cháy chuyên ngành (4/32 người đã qua đào tạo Trung cấp PCCC), phương tiện chữa cháy cũng được trang bị đầy đủ, gồm: 2 xe chữa cháy; 1 máy bơm V82 và các trang thiết bị đi kèm.

Sơ đồ công nghệ chữa cháy kho xăng dầu K130 đều được các đội viên nắm chắc.

Ông Đỗ Phúc Thành, Phó Giám đốc Xí nghiệp Kho vận Xăng dầu K130 cho biết: Năm 2020, chúng tôi xây dựng kế hoạch đầu tư trên 5,3 tỷ đồng cho công tác PCCC, tương đương 27% kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất toàn xí nghiệp, bao gồm đầu tư mới thay thế 1 xe cứu hỏa, trang bị thêm một số trang thiết bị PCCC, phát quang ngăn cháy tại các khu vực có nguy cơ cháy nổ...

Giống như lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, các CBCS đội chữa cháy chuyên ngành đều phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về nghiệp vụ. Công tác kiểm tra và tự kiểm tra lực lượng, phương tiện được thực hiện nghiêm túc. Công tác huấn luyện và thực tập phương án chữa cháy, CNCH được thực hiện thường xuyên, đặc biệt tăng cường vào các đợt kiểm tra nghiệp vụ của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh).

Ông Đào Văn Vang, Đội phó Đội chữa cháy chuyên ngành, cho biết: Đội thực hiện nhiệm vụ 24/24h, ngày chia 3 ca, trước mỗi ca làm việc, cán bộ nhân viên của đội đều tiến hành kiểm tra trang thiết bị PCCC. Đội vận hành theo nguyên tắc tuyệt đối tuân thủ mọi điều động của Cảnh sát PCCC, thường xuyên thông tin, sẵn sàng phối hợp với các đơn vị khác trong công tác PCCC&CNCH.

Cán bộ đội viên Trạm Cấp cứu mỏ Hạ Long (Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin) luyện tập nghiệp vụ.

Cũng giống như kinh doanh xăng dầu, đối với nhiệm vụ mang tính đặc thù như khai thác và chế biến than, PCCC&CNCH là một trong những công tác được hết sức chú trọng đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Hiện tại, Trạm Cấp cứu mỏ Hạ Long trực thuộc Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin đang sở hữu hệ thống trang thiết bị hiện đại, gồm 1 xe CNCH; 2 xe chữa cháy; 2 xuồng CNCH; 3 xe chở CBCS.

Lực lượng và phương tiện Trạm Cấp cứu mỏ Hạ Long tham gia thực tập phương án chữa cháy phối hợp nhiều lực lượng do UBND TP Hạ Long tổ chức, ngày 2/10/2020.

Với 61 CBCS, chia thành 8 tổ, trong đó có 5 tiểu đội tác chiến, Trạm Cấp cứu mỏ Hạ Long hoạt động như một đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp. Theo Trạm trưởng Trần Mạnh Thắng, các cán bộ đội viên được đào tạo bài bản, 3 năm kiện toàn lại một lần để lựa chọn nhân lực đảm bảo yêu cầu ngày càng cao về kỹ thuật, nghiệp vụ. Những cán bộ sau khi trở về vị trí làm việc tại hầm lò, tiếp tục trở thành hạt nhân, nòng cốt trong đảm bảo an toàn tại nơi sản xuất.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 850 đội dân phòng tại 100% phường, xã, thị trấn; 4.426 đội PCCC cơ sở tại 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; 14 đội chữa cháy chuyên ngành với tổng cộng 24 xe chữa cháy; 1 xe và 2 xuồng CNCH; 6 máy bơm chữa cháy; 3 xe chở CBCS.

Thượng tá Mai Văn Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) cho biết: Thời gian qua, các đơn vị có đội PCCC chuyên ngành đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy. Lực lượng công an đã huy động nhiều lượt người, phương tiện của các cơ quan, tổ chức ngoài ngành tham gia các hoạt động chữa cháy, CNCH, nhất là các vụ cháy rừng, cứu người bị nạn trong các vụ lũ lụt, sạt lở đất. Qua thực tế, các lực lượng PCCC tại chỗ đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác PCCC&CNCH, xử lý có hiệu quả gần 70% vụ cháy xảy ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại tài sản cho nhà nước và nhân dân.

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202010/dau-tu-cho-luc-luong-chua-chay-chuyen-nganh-2503334/