Đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa: Để Thủ đô phát triển đồng bộ

Từ nhu cầu thực tiễn và tầm nhìn dài hạn, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, cải tạo hệ thống y tế và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa giai đoạn 2022-2025 nhằm giải quyết căn cơ những tồn tại, bất cập hiện nay. Qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tiếp theo.

Trường Tiểu học Tân Lập B (huyện Đan Phượng) là một trong 1.696 trường công lập đạt chuẩn quốc gia của thành phố Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Trường Tiểu học Tân Lập B (huyện Đan Phượng) là một trong 1.696 trường công lập đạt chuẩn quốc gia của thành phố Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Nhu cầu cấp thiết

Hằng năm, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; trong đó tập trung hỗ trợ công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, cải tạo hệ thống y tế và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên về tổng thể, mức đầu tư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn để phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, thời gian qua, 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn đã được khảo sát, chấm điểm và đạt chuẩn quốc gia về y tế cấp xã. Tuy nhiên, trên thực tế cơ sở vật chất của thiết chế này còn nhiều tồn tại, chưa thực sự đáp ứng tốt công tác chuyên môn, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. “Để nâng cao năng lực y tế các tuyến, đặc biệt là y tế cơ sở cần phải đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị hiện đại hơn”, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết.

Còn theo Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn, toàn thành phố hiện có 5.922 di tích, tuy nhiên, 1/3 số này xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng, cần bảo tồn, tôn tạo. Về vấn đề này, đại biểu chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, thực tế khảo sát tại các địa phương, kinh phí dành cho tu bổ, tôn tạo di tích rất khó khăn. Do công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu những chính sách khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân nên việc tôn tạo, tu bổ ở nhiều nơi chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách địa phương…

Trong khi đó, thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, năm 2021, toàn thành phố có 1.696 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm 77% số trường công lập. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 80-85% trường công lập đạt chuẩn quốc gia…

Là địa bàn có 82% trường công lập đạt chuẩn quốc gia, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, việc xây dựng trường chuẩn ở một số phường gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất xây mới hoặc thiếu quỹ đất để mở rộng trường bảo đảm diện tích đạt chuẩn, trong khi việc nâng tầng phụ thuộc vào quy định giới hạn số tầng đối với từng cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo… Không chỉ Ba Đình gặp phải câu chuyện trên mà đây là vấn đề mà các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng cũng đang đối mặt.

Cải tạo, xây dựng Trạm Y tế xã Liên Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Trọng Hiếu

Sẽ đầu tư bổ sung hơn 13.000 tỷ đồng

Từ thực tiễn này, thực hiện nhiệm vụ “Tăng cường nguồn lực để nâng cấp, xây dựng các trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; đầu tư xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế; đầu tư thiết chế văn hóa, xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích, di sản, lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố” của Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố đã triển khai kế hoạch đến các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã nhằm thực hiện mục tiêu trên.

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, qua rà soát, địa bàn huyện có 86 trường học, 16 cơ sở y tế, 37 di tích cần đầu tư xây dựng, cải tạo, tu bổ… Trên cơ sở thống kê, rà soát của các sở, ngành, địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, tổng hợp lại cho thấy, nhu cầu đầu tư của 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục, văn hóa giai đoạn 2022-2025 của toàn thành phố là 3.385 dự án với tổng kinh phí hơn 98.000 tỷ đồng. Trong đó, cấp thành phố là 236 dự án với tổng kinh phí hơn 27.000 tỷ đồng; cấp quận, huyện, thị xã là 3.149 dự án với tổng kinh phí gần 71.000 tỷ đồng...

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết, yêu cầu cao nhất của kế hoạch là bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch, thiết thực phục vụ nhân dân. Quá trình thực hiện, các đơn vị, địa phương cần rà soát kỹ, đánh giá thực trạng, sự cần thiết, quy mô, lộ trình đầu tư bảo đảm phù hợp với mục tiêu, tiêu chuẩn ngành, lĩnh vực, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tiết kiệm và các nguyên tắc vận hành sau đầu tư. Thành phố sẽ kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù trong thực hiện kế hoạch…

Về nguồn ngân sách nhà nước, dự kiến UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố xem xét bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hơn 13.000 tỷ đồng để xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đầu tư hệ thống hạ tầng y tế và tu bổ di tích tại kỳ họp chuyên đề của HĐND thành phố vào cuối tháng 3-2022. Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cho rằng, kế hoạch cần kết nối đồng bộ với những nhiệm vụ, đề án khác cùng nội dung mà thành phố đang triển khai.

Có thể khẳng định, từ thực tiễn đặt ra, kế hoạch đầu tư xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia, hệ thống hạ tầng y tế và tu bổ di tích giai đoạn 2022-2025 được triển khai sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1027619/dau-tu-cho-giao-duc-y-te-van-hoa-de-thu-do-phat-trien-dong-bo