Đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ

Giao thông vận tải phải đi trước sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, hạ tầng giao thông không theo kịp đã cản trở tăng trưởng, thậm chí kìm hãm sự phát triển chung, nhất là khu vực Nam Bộ. Cần có các giải pháp khả thi để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và đồng bằng sông Cửu Long.

Chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương

Lấy TP Hồ Chí Minh làm trung tâm thì hiện nay, sự kết nối giữa thành phố và vùng Tây Nam Bộ có tuyến đường N1 (dài 235 km) chạy dọc biên giới Cam-pu-chia từ Đức Huệ (Long An) đến Hà Tiên (Kiên Giang); tuyến đường N2 (dài 440 km) từ Chơn Thành (Bình Dương) đến Vàm Rầy (Kiên Giang) đã đầu tư xong các cầu Vàm Cống, Cao Lãnh và một số đoạn nhưng vẫn chưa thông xe toàn tuyến; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ - Cà Mau nhưng đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ “dự kiến” thông xe vào cuối năm 2020 và đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ “dự kiến” thông xe vào năm 2022, còn đoạn Cần Thơ - Cà Mau “dự kiến đầu tư” sau 2030. Còn quốc lộ (QL) 1A (dài 334 km) đang quá tải…

Phần kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ có QL 22 hiện chưa đầu tư theo đúng quy hoạch, còn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), dài 55 km “đang nghiên cứu” đầu tư giai đoạn sau năm 2020. Từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đông Nam Bộ, miền trung và Tây Nguyên còn có QL 13 mới chỉ cơ bản hoàn thành cải tạo theo quy hoạch 13,5 km; 74,18 km còn lại vẫn chưa được đầu tư. QL 20 đã nâng cấp và tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt hiện chỉ khai thác đoạn Liên Khương - Đà Lạt, các đoạn còn lại “đang nghiên cứu”. QL 51 (dài 79 km) từ Biên Hòa (Đồng Nai) đến Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng. QL 1A và cao tốc bắc - nam chỉ mới đưa vào khai thác đoạn TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và đang triển khai đoạn Bến Lức - Long Thành, riêng đoạn Dầu Giây - Phan Thiết chưa triển khai.

Đại diện UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các tuyến QL đi và đến thành phố thường xuyên quá tải và thường xảy ra ùn tắc kéo dài trong các dịp lễ, Tết. Các tuyến hỗ trợ QL 1A cũng chưa hoàn thiện như tuyến N1, tuyến N2, QL 50, QL 60 và vào các dịp cao điểm thường xuyên ùn tắc.

Theo nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, phía nam có sân bay Cần Thơ (công suất ba triệu khách/năm), Phú Quốc (bốn triệu khách/năm), Rạch Giá (300 nghìn khách/năm), Cà Mau (300 nghìn khách/năm) hiện khai thác rất hạn chế, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) thì quá tải cả trên không, dưới bộ, trong và ngoài sân bay.

Về đường thủy nội địa, kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ thông qua năm tuyến chính: Vũng Tàu - Thị Vải - Sài Gòn; Sài Gòn - Bến Súc; Sài Gòn - Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông); Sài Gòn - Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây); Sài Gòn - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai) đã cơ bản được đầu tư theo đúng quy hoạch. Tuy nhiên, một số cầu trên các tuyến nêu trên lại không đạt tiêu chuẩn về tĩnh không và khoang thông thuyền; một số luồng cần tăng cường duy tu, nạo vét…

Giải pháp trước mắt và lâu dài

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết, tỉnh đề xuất cơ chế đầu tư cấp bách tuyến đường kết nối từ đường Phạm Hùng (TP Hồ Chí Minh) đi qua tỉnh Long An đến ngã ba Trung Lương (Tiền Giang) với tổng chiều dài toàn tuyến gần 60 km, mặt cắt ngang rộng 40 m nhằm giảm áp lực cho QL 1A và QL 50. Kiến nghị Chính phủ cho bổ sung dự án này vào quy hoạch hệ thống giao thông quốc gia, giao thông vùng; đồng thời kiến nghị đầu tư từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ xây dựng các cầu lớn trên tuyến theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Còn UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị, đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, để giải quyết giao thông kết nối, cần bổ sung quy hoạch một số tuyến đường bộ và đầu tư ngay; đồng thời xem xét đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tuyến giao thông huyết mạch liên vùng để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng như: Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Kéo dài tuyến đường sắt đô thị từ quận 9 (TP Hồ Chí Minh) đến tỉnh Bình Dương và TP Biên Hòa.

UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất, Chính phủ đầu tư dự án đường hành lang ven biển phía nam (giai đoạn 2 và Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên) theo tiêu chuẩn đường cao tốc; xây dựng hoàn thành đường Hồ Chí Minh (đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) và triển khai xây dựng đoạn Rạch Sỏi - Cà Mau nhằm phát huy hiệu quả cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh. Nâng cấp và mở rộng QL 30 (đoạn Cao Lãnh - An Hữu) kết nối vào tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Nâng cấp, mở rộng đường N1 (qua các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Long An và kết nối với TP Hồ Chí Minh).

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tâm (Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh) cho rằng, với 18 triệu dân, hằng năm, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Do vậy, cần phát triển đường sắt ở khu vực này. Tiến sĩ Dương Như Hùng (Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: Nhu cầu hành khách hàng không đi và đến khu vực dự kiến đạt 71 triệu vào năm 2024 và khoảng 130 đến 170 triệu vào năm 2035. Nếu giới hạn công suất sân bay Tân Sơn Nhất ở mức 45 triệu hành khách/năm thì tổng thiệt hại kinh tế Việt Nam khoảng 8,7 tỷ USD tính đến năm 2025 và khoảng 16 tỷ USD tính đến năm 2027 (nếu sân bay Long Thành chưa hoạt động). Vì vậy, sân bay Tân Sơn Nhất cần được cấp bách mở rộng khi tàu hỏa cao tốc chưa phát triển.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, để giải quyết các “nút thắt” về hạ tầng tương xứng vai trò TP Hồ Chí Minh là cầu nối liên kết giữa khu vực kinh tế phát triển nhất cả nước (Vùng Ðông Nam Bộ) và khu vực sản xuất lúa gạo, thủy sản trọng điểm quốc gia (Vùng Tây Nam Bộ), UBND thành phố và các tỉnh, thành phố khác cần kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép tiếp tục sử dụng các quy hoạch liên quan ngành giao thông vận tải đã phê duyệt trong giai đoạn trước đây để triển khai công tác quản lý nhà nước về quy hoạch và đề xuất các dự án đầu tư của ngành giao thông vận tải. Bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông vận tải kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với các vùng. Chấp thuận chủ trương bổ sung vào quy hoạch một số dự án nhằm tăng cường và hỗ trợ kết nối như: Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, cao tốc Chơn Thành - Hoa Lư, cao tốc Trung Lương - Bến Tre; cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/40802202-dau-tu-cai-thien-ha-tang-giao-thong-khu-vuc-nam-bo.html