Đầu tư BT xứng đáng bị 'khai tử'?

Toàn bộ nội dung liên quan đến hình thức đầu tư BT (xây dựng – chuyển giao) đã được đưa ra khỏi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, đầu tư BT sẽ chính thức bị dừng hoàn toàn từ ngày 1/1/2021, khi Luật PPP có hiệu lực. Vì sao đầu tư BT lại bị dừng triển khai và liệu có nên quy định hình thức đầu tư này ở một văn bản pháp luật khác?

Nhiều dự án BT gây thất thoát tài sản, nguồn lực của Nhà nước. Ảnh: S.T

Nhiều dự án BT gây thất thoát tài sản, nguồn lực của Nhà nước. Ảnh: S.T

Nhiều bất cập

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho biết, có nhiều lí do cho việc sẽ dừng hoàn toàn đầu tư BT từ sau 1/1/2021. Trong đó, về mặt khoa học, qua nghiên cứu cũng như tiếp thu ý kiến của các chuyên gia quốc tế, loại hợp đồng BT của Việt Nam không hoàn toàn đúng bản chất của dự án PPP.

"Các dự án BT đã thực hiện thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc như xác định chưa chính xác giá trị công trình BT, giá trị quỹ đất thanh toán gây thất thoát lớn, chưa bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, đồng thời cũng không gắn trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc bảo trì dài hạn, hỗ trợ tổ chức, đơn vị vận hành công trình”.

Phó Chủ tịch Quốc hội
PHÙNG QUỐC HIỂN

”Bản chất của PPP là phải có sự hợp tác dài hạn giữa nhà nước và tư nhân, nhưng dự án BT của Việt Nam sau khi nhà đầu tư làm xong, chuyển giao cho Nhà nước và được nhận lại dự án đối ứng, đất đai, tài sản hoặc tiền là xong, sau đó nhà đầu tư không có trách nhiệm lâu dài với dự án đó. Còn về thực tiễn, quá trình thực hiện các dự án BT cho thấy các dự án BT có nhiều tác dụng, huy động được nguồn lực và thay đổi diện mạo của địa phương, tuy nhiên, có nhiều quan ngại với loại hình đầu tư này như tổng mức đầu tư của các dự án BT tăng, không được kiểm soát chặt chẽ, đất đối ứng được xác định giá trị thấp... Do đó, Luật PPP đã chấm dứt dự án BT”, ông Nguyễn Đăng Trương nói.

Liên quan đến vấn đề này, theo các cơ quan chức năng, qua 20 năm triển khai đầu tư BT cho thấy hình thức đầu tư này có nhiều bất cập, lỗ hổng, việc triển khai đầu tư BT có nhiều sai phạm, trục lợi chính sách dẫn đến thất thoát lớn tài sản, nguồn lực của Nhà nước như không lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu vì lợi ích nhóm, nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực; dự án chậm tiến độ, định giá đất đai thiếu chính xác dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước... Thực tế cho thấy, BT là phương thức chủ yếu, chiếm hơn 50% tổng số dự án PPP thời gian qua, với tỷ lệ này, tài sản nhà nước thất thoát có thể sẽ rất lớn.

Mới đây, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán 28 dự án BT tại các địa phương cũng chỉ ra nhiều vi phạm và kiến nghị xử lý 5.058,4 tỷ đồng, trong đó, tăng thu ngân sách nhà nước 112,4 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 1.260,2 tỷ đồng; xử lý khác 1.316,1 tỷ đồng; thu hồi nộp ngân sách nhà nước thanh toán vượt giá trị dự án BT 355,5 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng BT 2.014,2 tỷ đồng. Theo Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư, có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án, các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư, chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ sử dụng vốn ngân sách nhà nước sang PPP và dự án do nhà đầu tư đề xuất không lấy ý kiến các bộ, ngành theo quy định.

Thực tế từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực; dẫn đến việc đàm phán ký kết nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng, giám sát quản lý thực hiện hợp đồng, quản lý vốn đầu tư hết sức phức tạp, nhiều bất cập sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện các dự án cũng như chủ trương đầu tư chung

Thông báo 2222/2017/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ

Trước đó, theo Kết luận thanh tra số 1422/2017/KL-TTCP, 15 dự án BT trên địa bàn Hà Nội, chỉ có 1 dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu, còn lại 14 dự án là chỉ định thầu, thậm chí là đã ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định. Đơn cử, Công ty Cổ phần Tasco, dù năng lực tài chính hạn chế nhưng vẫn được lựa chọn để thực hiện dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương.

Rất ít quốc gia triển khai loại hợp đồng BT

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư, đơn cử như Bắc Ninh có tới 72/83 dự án do nhà đầu tư đề xuất; hầu hết các dự án xác định tổng mức đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế triển khai. Đặc biệt, tại một số dự án nguyên tắc ngang giá đã không được đảm bảo. Cụ thể, tại dự án hệ thống tuyến đường nhánh (giai đoạn 2) khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), quyết định dự kiến giao quỹ đất thanh toán hoàn vốn cho nhà đầu tư với giá trị 1.100 tỷ đồng (tính theo đơn giá 459.000 đồng/m2) để thanh toán cho hợp đồng BT với giá trị 312 tỷ đồng là chưa đảm bảo nguyên tắc ngang giá theo quy định.

Theo Bộ KH&ĐT, một số vi phạm điển hình trong đầu tư BT giai đoạn trước năm 2015 là do sự chưa nghiêm túc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiếp nhận, thẩm định tính phù hợp, hiệu quả đầu tư của dự án BT do nhà đầu tư đề xuất, khiến tổng mức đầu tư công trình BT quá cao. Việc áp dụng chỉ định thầu tràn lan cho thấy còn tình trạng “xin – cho” trong triển khai BT. Bên cạnh đó, việc xác định giá trị quỹ đất đối ứng để thanh toán dự án BT không theo cơ chế cạnh tranh của thị trường. Ngoài ra, tái phân phối giá trị địa tô tăng lên còn chưa thỏa đáng giữa các đối tượng người dân – nhà đầu tư – nhà nước. Trên thực tế, kinh nghiệm quốc tế cho thấy rất ít quốc gia triển khai loại hợp đồng BT, đặc biệt không có quốc gia nào thanh toán dự án BT hoàn toàn bằng quỹ đất hoặc tài sản công như ở Việt Nam. Một số nước có thực hiện dự án BT theo phương thức thanh toán dần bằng tiền (như Philippines). Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều có hình thức khai thác nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng. Với những bất cập dẫn đến thất thoát lớn nguồn lực của Nhà nước như thời gian qua, theo nhiều chuyên gia, việc khai tử BT là điều cần làm.

Nhấn mạnh có quá nhiều bất cập phát sinh từ thực hiện các quy định về đầu tư BT, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết thêm: “Khi tổ chức triển khai Luật Quy hoạch, chúng tôi thấy việc sử dụng quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất đối ứng cho các dự án BT ảnh hưởng lớn, phá vỡ quy hoạch của các địa phương, do vậy, chúng tôi đã báo cáo kiến nghị dừng BT. Vì thế, Quốc hội quyết định dừng hình thức đầu tư này. Tới đây, có chuyển đổi BT sang hình thái khác hay không thì chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Quốc hội”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Đại Thắng nói.

Liên quan đến thời điểm dừng thực hiện đầu tư BT, ngoài việc loại hoàn toàn các điều khoản quy định về đầu tư BT ra khỏi nội dung, Luật PPP có một điều khoản đặc biệt, Điều 101 quy định các hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020, nếu dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư rồi nhưng chưa có thiết kế dự toán, chưa phát hành hồ sơ mời thầu trước 1/1 cũng bị dừng triển khai.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dau-tu-bt-xung-dang-bi-khai-tu-130449-130449.html