Đầu tư BOT: Cần quản lý chặt về tổng mức đầu tư

Thời gian vừa qua, một số dự án BOT có những bất cập, gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế đầu tư dự án BOT theo hướng thực hiện đấu thầu rộng rãi, cạnh tranh minh bạch, không thực hiện chỉ định thầu; Từ đó, quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư ngay từ đầu, quản lý giá thành, giá hợp đồng.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đóng góp ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14.

Cần thiết đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Nhấn mạnh về sự cần thiết đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam, Đại biểu Đỗ Trọng Hưng cho rằng - hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng như mạch máu, như hệ thống dây thần kinh trong cơ thể kinh tế - xã hội của đất nước.

Thời gian qua chúng ta đã quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đã đạt được kết quả nhất định, xong vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển tuyến đường bộ cao tốc trên trục Bắc - Nam, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm là tuyến giao thông huyết mạch nhất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Riêng đoạn Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh đi qua 20 tỉnh, thành phố tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Mặc dù tuyến Quốc lộ 1A mới được nâng cấp nhưng vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc do đi qua nhiều khu vực đông dân cư, thành phần tham gia hỗn hợp, các nút giao chủ yếu là cùng mức nên rất hạn chế đến tốc độ lưu thông. Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Thanh Hóa dài 98km, lưu lượng khoảng 25.000 xe/ngày đêm, vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc cục bộ tại các thị trấn, thị tứ, vị trí vào các nhà máy, trường học, các khu công nghiệp, nhất là khu kinh tế Nghi Sơn.

Đặc biệt, đầu năm 2018 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ sản xuất và lưu thông một khối lượng lớn sản phẩm xăng dầu. Nghị quyết 13 của Trung ương khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã xác định phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành khoảng 600km và đến năm 2020 hoàn thành đi vào sử dụng khoảng 2000km đường cao tốc.

Tuy nhiên, đến nay mới đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác được 223km đang đầu tư và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư 364 km, còn lại 1372km trên đoạn Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh và 150km đoạn Cần Thơ, Cà Mau chưa được đầu tư.

Vì vậy, tôi thống nhất cao việc ưu tiên đầu tư xây dựng trước một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 như tờ trình của Chính phủ để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về phạm vi và quy mô đầu tư. Tôi thống nhất với phương án phân kỳ đầu tư. Theo đó giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020 ưu tiên đầu tư và đưa vào khai thác 654km như tờ trình của Chính phủ và dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Đây là các đoạn cấp bách về nhu cầu vận tải, đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực và hiệu quả đầu tư.

Về quy mô đầu tư trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công khó khăn, tôi thống nhất với điều kiện đề xuất của Chính phủ phân kỳ đầu tư quy mô cơ bản là 4 làn xe, với bề rộng nền đường từ 17-25m. Tuy nhiên, để đảm bảo tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai đề nghị những đoạn có dự báo lưu lượng lớn cần quy hoạch rộng hơn và tiến hành ngay việc cắm mốc theo quy hoạch để quản lý.

Ảnh minh họa

Quản lý chặt về tổng mức đầu tư

Theo Báo cáo có 11 dự án thành phần đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, trong đó 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư loại hợp đồng BOT, 3 dự án theo hình thức đầu tư công. Tôi cho rằng, hiện tại ngân sách nhà nước còn khó khăn, trong khi yêu cầu phát triển giao thông lại rất lớn.

Do vậy, BOT là hình thức đầu tư phù hợp, nhằm giảm áp lực nợ công, tiết kiệm chi phí vận hành, khai thác.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, một số dự án BOT có những bất cập, gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế đầu tư dự án BOT theo hướng thực hiện đấu thầu rộng rãi, cạnh tranh minh bạch, không thực hiện chỉ định thầu như đối với một số dự án BOT trong thời gian qua; quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư ngay từ đầu, quản lý chặt giá thành, giá hợp đồng, không để như ở một số dự án vừa qua.

Khi thanh tra, kiểm toán công trình, thì tổng mức đầu tư, thời gian thu phí giảm nhiều so với hợp đồng ban đầu, khắc phục bất cập về đặt trạm thu phí, đề nghị áp dụng hình thức thu phí kín, mức phí tính theo chiều dài quãng đường sử dụng, hệ thống thu phí tự động và hệ thống giám sát trực tuyến về lưu lượng xe để công khai số liệu thu phí, đảm bảo tính minh bạch, có cơ chế miễn, giảm phí cho người dân sống xung quanh trạm thu phí.

Đặc biệt, quan tâm đến việc xây dựng các đường tránh, đường gom, bổ sung các nút giao để thực hiện kết nối đường cao tốc với các trung tâm kinh tế, không để xảy ra tình trạng đường cũ vẫn tắc, đường mới không ai đi.

Đề nghị tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, yêu cầu tối thiểu hiện nay Chính phủ đang đề nghị từ 15-20%, tôi đề nghị từ 20-25% hoặc cao hơn để đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, đồng thời khắc phục tình trạng thời gian qua việc áp dụng mức vốn tối thiểu chỉ từ 10-15% như Nghị định số 15 của Chính phủ nên có nhà đầu tư không huy động vốn chủ sở hữu hoặc huy động rất ít, vốn chủ yếu từ vay ngân hàng, nhà đầu tư được hưởng lợi đơn, lợi kép, khi vừa là nhà thầu, vừa là nhà đầu tư mà không phải đấu thầu, vốn đầu tư công trình chủ yếu là vốn vay ngân hàng và được tính lãi vay cho nhà đầu tư.

Đối với 3 dự án, đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, từ ngân sách nhà nước, tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc, tính toán, so sánh kỹ dưới hình thức đầu tư công và hình thức BOT với mục tiêu giảm vốn ngân sách nhà nước.

Vì vậy, cần nghiên cứu thêm hình thức BOT nhưng có điều chỉnh các tiêu chí hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án như: điều chỉnh mức thu phí, cơ chế lãi và lợi nhuận cho nhà đầu tư, điều chỉnh mức vốn chủ sở hữu, điều chỉnh mức tăng vốn hỗ trợ của nhà nước tham gia dự án.

Về nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng vốn đầu tư các dự án giai đoạn 2017-2020 khoảng 118.000 tỷ đồng. Bên cạnh vốn nhà nước hỗ trợ, nhà đầu tư huy động khoảng 63.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 13.000 tỷ đồng, vốn huy động từ các tổ chức tín dụng 50.000 tỷ đồng.

Tôi cho rằng, việc huy động vốn trong nước từ các tổ chức tín dụng, khoảng 50.000 tỷ đồng là có tính khả thi và đáp ứng được yêu cầu của dự án, bởi dự án triển khai đầu tư trong 3 - 4 năm. Như vậy, mỗi năm huy động vốn tín dụng từ 12.000 -17.000 tỷ đồng thì có thể đáp ứng được.

Chính phủ cần bảo đảm công khai, minh bạch, xác định rõ phương án tài chính, tổ chức đấu thầu nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để ngân hàng có thể đặt niềm tin và cung cấp tín dụng.

Trường hợp nếu vẫn gặp khó khăn về vốn, Chính phủ tăng tỉ lệ vốn chủ sở hữu lên 20 đến 25% hoặc cao hơn để vừa lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính, vừa giảm tỉ lệ vốn huy động từ các tổ chức tính dụng. Đối với nguồn vốn đầu tư các giai đoạn đường cao tốc Bắc - Nam sau năm 2020 Chính phủ cần triển khai xây dựng các cơ chế phù hợp để có thể huy động nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Về cơ chế thuộc cơ chế thẩm quyền Quốc hội, để nhanh chóng triển khai dự án tôi thống nhất với Chính phủ, Quốc hội giao Chính phủ báo cáo UBTVQH cho phép sử dựng phần vốn còn lại để tiếp tục đầu tư một số đoạn có nhu cầu cấp bách và điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án - Đại biểu Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh.

Lê Nguyễn (ghi)

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//dau-tu-bot-can-quan-ly-chat-ve-tong-muc-dau-tu_n32889.html