Đầu tư BOT: Cần giải pháp dài hơi, có lý, có tình...

Từ năm 2019, Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai thêm hàng loạt dự án BOT cho tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Vì vậy, việc đảm bảo tình hình ANTT, ATGT tại các trạm BOT đã xây dựng là điều vô cùng quan trọng

Thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Công an cùng các đơn vị liên quan nỗ lực khắc phục các bất cập phát sinh cũng như đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) tại các trạm thu phí BOT, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông. Về lâu dài, rất cần một hệ thống giải pháp chiến lược, dài hơi, hài hòa các lợi ích cho các dự án giao thông BOT.

“Tích hợp” nhiều giải pháp kỹ thuật

Thực hiện chỉ đạo từ Chính phủ, ngay từ đầu năm 2018, Bộ Công an đã có nhiều giải pháp để lập lại an ninh, trật tự tại các trạm thu phí BOT trên toàn quốc. Đến nay, dù chưa có thống kê chính thức, song đánh giá từ các địa phương cho thấy, công tác an toàn giao thông, an ninh trật tự quanh các trạm thu phí đã có những bước chuyển biến tích cực. Người dân đã bớt có những biểu hiện kích động thái quá và hợp tác, tuân thủ pháp luật.

Trong một diễn biến khác, vào cuối tháng 2 vừa qua, một nhóm người đã dựng lán, đặt ghế vào khu vực “không phận sự cấm vào” và thực hiện “đếm xe” qua trạm BOT Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa. Việc đúng, sai sẽ có các cơ quan chức năng đánh giá, nhưng qua sự việc này thấy rằng, một khi chưa hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp thì trạm BOT vẫn tiềm ẩn phức tạp.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT, trong đó yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần trực tiếp chỉ đạo giải quyết triệt để tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn, lập tức có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, cùng với Bộ Quốc phòng, Công an các địa phương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm, nhất là những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông, phá hoại trang thiết bị tại trạm thu giá; các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, chống phá, phản động. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Thu phí không dừng sẽ góp phần tiết kiệm chi phí cho xã hội và giảm ùn tắc giao thông trên quốc lộ. Ảnh minh họa: CTV

Thu phí không dừng sẽ góp phần tiết kiệm chi phí cho xã hội và giảm ùn tắc giao thông trên quốc lộ. Ảnh minh họa: CTV

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an) cho hay, thời gian qua, ngoài việc liên tục chỉ đạo bằng văn bản, Cục CSGT cũng đã cử cán bộ về các địa phương có diễn biến phức tạp liên quan đến trạm BOT như Tiền Giang, Thừa Thiên - Huế, Hưng Yên, Nam Định…, để phối hợp hướng dẫn về mặt nghiệp vụ nhằm đảm bảo giải quyết các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn giao thông.

Nhắc đến giải pháp lâu dài, Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh cần xử nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, triển khai đồng bộ việc thu phí không dừng. Về quản lý, việc xây dựng BOT trên các tuyến quốc lộ do Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ, Đảng, Nhà nước về hạ tầng giao thông.

Do đó, Bộ GTVT phải đưa ra giải pháp dài hơi chứ không thể giải quyết mang tính tình huống. Ví dụ, các tuyến tránh qua các thành phố qua khảo sát không có dải phân cách giữa, đặc biệt là các thành phố trên quốc lộ 1 hiện nay như Hà Tĩnh. Đây là một trong những nguy cơ khiến TNGT xảy ra.

Trong khi đó, nếu đã làm đường mới phải chuẩn theo quy định. Khi phát hiện ra các vấn đề bất hợp lý thì Bộ GTVT cần phải giải quyết sớm. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Bộ Công an và Bộ GTVT trong việc cung cấp hình ảnh vi phạm hằng ngày.

Tới đây có thể tích hợp hệ thống camera của trạm thu phí về với Cục CSGT, để qua đó, lực lượng CSGT sẽ sớm phát hiện vi phạm từ phía lái xe để đưa ra biện pháp xử lý theo đúng quy định. Thậm chí có thể học hỏi kinh nghiệm của một số nước trong việc lập bốt trực của CSGT ngay tại trạm BOT.

“Từ năm 2019, Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai thêm hàng loạt dự án BOT cho tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Vì vậy, việc đảm bảo tình hình ANTT, ATGT tại các trạm BOT đã xây dựng là điều vô cùng quan trọng...”, Phó Cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh thêm.

Quyền lợi của người dân phải đặt lên hàng đầu

Để việc đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự xung quanh các trạm thu phí không chỉ “trông chờ” vào lực lượng Công an. Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, vấn đề thứ nhất cần xem xét chính là việc đặt trạm BOT phải có điều kiện chứ không thể tràn lan. Bên cạnh đó, các trạm BOT cần được đặt đúng vị trí làm đường.

Vừa qua, tại một số trạm BOT như ở Tiền Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên…, do đặt không đúng vị trí đã bị người dân phản ứng. Phản ứng ở đây là do tâm lý bị “lừa”, tức là người dân có cảm giác bị xem thường, không biết.

Sau đó, một số cá nhân đã lợi dụng sự việc này gây rối trật tự xã hội và tạo hiệu ứng “domino” lan sang các trạm BOT khác. Một vấn đề nữa cần xem xét là giá vé tại các trạm BOT. Các doanh nghiệp khi làm BOT phải đặt vấn đề phục vụ người dân lên hàng đầu, sau đó mới tính đến lợi ích về kinh tế.

Có những trạm BOT hằng ngày có hàng vạn lượt xe đi qua. Vậy nguồn thu này cũng cần phải được giám sát một cách cẩn trọng. Khi người dân phản ứng về việc thu phí qua trạm BOT quá cao, Nhà nước cũng cần phải xem xét việc điều chỉnh giá.

“Đảm bảo được 3 vấn đề trên, tôi nghĩ sẽ giải quyết được vấn đề về trật tự an toàn giao thông tại các trạm BOT”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh. Ở một khía cạnh khác, ông Đỗ Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn từng chia sẻ, hiện tượng gây rối, mất ANTT tại các trạm BOT ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà đầu tư trong quá trình quản lý, vận hành các trạm thu giá để hoàn vốn, tác động trực tiếp đến khả năng thu hồi vốn, phải xả trạm gây thất thoát nguồn thu, kéo dài thời gian thu phí.

“Khi phương án tài chính của dự án không đảm bảo sẽ khiến các nhà đầu tư e ngại, dè dặt tham gia đầu tư vào các dự án cao tốc Bắc - Nam”, ông Nam nhận định.

Hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xử lý nghiêm qua hệ thống camera giám sát đặt tại trạm.

Vào tháng 9-2019, Bộ GTVT sẽ bắt đầu sơ tuyển nhà đầu tư cho 8 dự án BOT đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, liệu với tình hình hiện tại thì các dự án có khả năng thành công?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay: “Chắc chắn là có cơ hội thành công cao. Ở đây là mình làm đường mới, chứ không làm trên đường cũ. Thứ hai là chúng ta có thời gian dài để nghiên cứu xây dựng các phương án hoàn vốn có tính khả thi cao với sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài.

Ba là, đây đều là những dự án có sự tham gia góp vốn của Nhà nước với tỷ lệ khoảng 35%, đây là đòn bẩy tài chính tốt để hỗ trợ các nhà đầu tư. Tại các dự án này, Bộ GTVT sẽ bàn giao mặt bằng sạch để các nhà đầu tư được lựa chọn có thể triển khai ngay khi nhận công trình.

Trong vài tháng tới, Bộ GTVT sẽ mời các nhà đầu tư BOT, các ngân hàng trong và ngoài nước kêu gọi xúc tiến đầu tư vào 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, đồng thời công khai toàn bộ các thông tin để các cơ quan báo chí, người dân có thể cùng tham gia giám sát ngay từ đầu.

“Chúng tôi sẽ công khai tất cả thông tin để người dân, nhà đầu tư tường minhvề tất cả các dự án PPP của ngành, nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất”, ông Nhật khẳng định.

Chống đối, gây rối tại trạm BOT có thể bị tù 7 năm

Thống kê chưa chính thức cho thấy, tính từ năm 2016 đến nay, đã có tới 19 địa phương có đặt trạm BOT liên tiếp xảy ra tình trạng người tham gia giao thông phản đối gây phức tạp về an ninh trật tự, mất ATGT.

Theo một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hành vi gây rối trật tự công cộng được cấu thành nếu gây hậu quả nghiêm trọng như: cản trở giao thông, ùn tắc giao thông trong nhiều giờ đồng hồ; Cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội…; thiệt hại về tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên.

Khi tham gia giao thông qua các trạm BOT, nếu các tài xế không bằng lòng với mức thu hoặc bức xúc vấn đề gì thì cần đưa ra kiến nghị, đề xuất theo quy định của pháp luật để các cơ quan chức năng giải quyết.

Lái xe không mua vé, đâm gãy barie tại trạm BOT, nếu tài sản này có giá trị trên 2 triệu đồng thì người gây ra hành vi này có dấu hiệu của tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178, Bộ luật Hình sự. Hành vi này bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu thuộc các trường hợp: Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà tái vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Còn đối với việc tụ tập, dừng xe tại trạm không di chuyển gây ùn tắc giao thông, người gây ra hành vi này có thể bị xem xét xử lý theo Điều 261, Bộ luật Hình sự về tội “Cản trở giao thông đường bộ”. Nếu hành vi này gây thiệt hại tài sản lớn (từ 100 triệu đồng trở lên), người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Phạm Huyền - Nguyễn Hương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/dau-tu-bot-can-giai-phap-dai-hoi-co-ly-co-tinh-535588/