Đầu tư bất động sản chuyển dịch vào các sản phẩm mới

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, thay vì các nhà đầu tư rót vốn vào nhà ở thương mại như trước đây thì sẽ dịch chuyển sang các dự án mang tính chất xã hội nhiều hơn như: Trung tâm dữ liệu, ký túc xá sinh viên, kho lưu trữ tự quản, trung tâm sức khỏe và nhà dưỡng lão…

Ngoài nhà thương mại, sắp tới doanh nghiệp chuyển sang đầu tư các dự án xã hội khác.

Chuyển hướng thị trường

Bên cạnh các sản phẩm bất động sản cho thuê, nhà ở, hiện bất động sản dịch vụ đang được nhận định nhiều triển vọng về cơ hội kinh doanh và lợi nhuận lâu dài. Dự báo, trong thời gian tới, phân khúc bất động sản dịch vụ sẽ được các nhà đầu tư “o bế” khi thị trường nhà ở đã ổn định về nguồn cung.

Theo các chuyên gia kinh tế nước ngoài, nhu cầu đầu tư trên thị trường bất động sản tại các nước trong khu vực đang dịch chuyển sang những phân khúc sản phẩm hiện ít được chú ý trong thời gian qua. Thay vì nhà ở, mặt bằng văn phòng, trung tâm thương mại, các nhà đầu tư đang chú ý hơn vào các dự án như: Trung tâm dữ liệu, ký túc xá sinh viên, kho lưu trữ tự quản, trung tâm sức khỏe và nhà ở cho người hưu trí.

Nhận định về xu hướng mới này ông Rohit Hemnani - Giám đốc Thị trường vốn thay thế tại châu Á Thái Bình Dương JLL khẳng định, dù các sản phầm đầu tư mới như: Ký túc xá, trung tâm dữ liệu, trung tâm sức khỏe… chưa được đề cập đến nhiều trên thị trường, song những sản phẩm này đang hứa hẹn mang lại lợi nhuận khủng trong lâu dài bởi nhu cầu thực tế không hề nhỏ.

Mặc dù có những rủi ro nhưng lợi nhuận cao và sự phát triển bền vững, nguồn thu ổn định trong dài hạn, vì vậy phân khúc bất động sản thay thế này đang hấp dẫn các nhà đầu tư. Một chuyên gia nước ngoài nhận định, những hợp đồng đầu tư vào các trung tâm dưỡng lão, trường học và trung tâm dữ liệu thường kéo dài hơn 20 ăm, với thời gian ấy sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định và tránh được các tác động của sự biến động thị trường cho nhà đầu tư.

Tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm trường học, nhà dưỡng lão, trung tâm dữ liệu chưa thật sự cởi mở so với sản phẩm khác, tuy nhiên thời gian gần đây những sản phẩm này được các nhà đâu tư chú ý. Đối với trường học thì phần lớn được xây dựng từ kinh phí Nhà nước. Nhìn chung lĩnh vực giáo dục đang được các nhà đầu tư quan tâm nhiều. Bằng chứng, không ít trường học do tư nhân rót vốn xây dựng.

Cụ thể, năm 2017 quỹ đầu tư tư nhân TPG của Mỹ chi 140 triệu USD vào Trường quốc tế Việt Úc, chi nhánh TP HCM. Tương tự, việc đầu tư xây dựng nhà dưỡng lão chỉ còn là thời cơ thích hợp. Qua tìm hiểu, nhiều nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng nên âm thầm chuẩn bị quỹ đất, lên kế hoạch đầu tư. Bên cạnh những sản phẩm bất động sản nêu trên, nhà ở cho thuê dành cho học sinh, sinh viên, công nhân là hướng đầu tư tiềm năng hơn cả.

Tại thành phố đông dân và phát triển như TP HCM, nhà thuê, ký túc xá luôn được chú ý đến. Theo thống kê, TP HCM hiện có khoảng 500.000 sinh viên, trong đó, có khoảng 80% là sinh tiên ngoài tỉnh, tương đương 400.000 sinh viên. Hiện nay phần lớn sinh viên thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập giá rẻ, thiếu tiện ích, thiếu an toàn. Trong khi đó, tại TP HCM chỉ có 6 trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TP HCM giải quyết chỗ ở nội trú tại các ký túc xá cho 25.000 sinh viên.

Kêu gọi dịch chuyển

Không kém phần bức thiết về chỗ ở, nhà thuê cho công nhân, người thu nhập thấp cũng được lãnh đạo khá quan tâm. Bởi vì thành phố có 274.622 công nhân, lao động và có tới 189.489 người, chiếm 69% là người ngoại tỉnh. Trong khi đó, mới chỉ có 16.190 người, chiếm tỷ lệ 8,54% có chỗ ở tại các nhà lưu trú công nhân do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, chủ yếu đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Số còn lại, người lao động phải tự túc tìm chỗ ở.

Dựa trên nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, thành phố kêu gọi nhà đầu tư bằng nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên hiệu quả thực hiện chưa cao. Dự án nhà ở xã hội chậm xây dựng, số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo số liệu tổng hợp của Sở Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội của TP HCM trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 cần khoảng 134.000 căn.

Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cũng đã thực hiện khảo sát mẫu thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, cán bộ công chức là 10.000 người; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo là 39.000; lao động trong khu công nghiệp là 17.000; đa số trong các nhóm đối tượng đã lựa chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%.

Theo kế hoạch, thành phố đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ. Đến năm 2020, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn nhưng bao nhiêu đó cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố.

Bàn về phát triển các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, chính sách và vốn đang cản trở doanh nghiệp tham gia đầu tư các sản phẩm nhà cho thuê, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên. Theo đó, cho phép các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội dở dang thuộc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để hoàn thành dự án, bàn giao nhà ở cho người mua nhà.

Ngoài ra, cần chính sách hỗ trợ người mua nhà bằng cách áp dụng một mức lãi suất ưu đãi 4,8%/năm trong năm 2018 đối với tất cả các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, không phân biệt vay tại ngân hàng nào.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bat-dong-san/dau-tu-bat-dong-san-chuyen-dich-vao-cac-san-pham-moi-tintuc402160