Đầu tư bài bản, hiệu quả bền vững

Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam) là một trong số ít doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ những năm 90 của thế kỷ 20. Đến nay, sau một phần tư thế kỷ, C.P. Việt Nam đang trở thành nhà cung cấp, sản xuất khép kín, an toàn từ thức ăn chăn nuôi, đến trang trại và bàn ăn.

Dây chuyền pha, lóc thịt gà tại Nhà máy chế biến thực phẩm C.P. tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Ảnh: LÊ HÒA

Dây chuyền pha, lóc thịt gà tại Nhà máy chế biến thực phẩm C.P. tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Ảnh: LÊ HÒA

Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam) là một trong số ít doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ những năm 90 của thế kỷ 20. Đến nay, sau một phần tư thế kỷ, C.P. Việt Nam đang trở thành nhà cung cấp, sản xuất khép kín, an toàn từ thức ăn chăn nuôi, đến trang trại và bàn ăn.

Chỉ sau hai năm khi Việt Nam đổi mới, mở cửa, năm 1988, Tập đoàn Charoen Pokphand (Thái-lan) đã mở văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu thị trường nhằm đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, vốn là thế mạnh truyền thống của Tập đoàn C.P. và đến năm 1993, Công ty TNHH Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã ra đời và triển khai ngay việc xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai.

Ðến nay, C.P. Việt Nam có bảy nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, được đặt tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Bình Ðịnh, Bình Dương, Ðồng Nai, Tiền Giang, ba nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản (Ðồng Nai, Bến Tre, Cần Thơ), với tổng công suất sản xuất là 4,2 triệu tấn/năm và một nhà máy sấy ngô tại Ðác Lắc. Ngoài ra, còn có hai nhà máy chế biến thủy sản tại Thừa Thiên - Huế, Bến Tre và ba nhà máy chế biến thịt tại Hà Nội, Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh… tạo nên chuỗi sản xuất khép kín từ thức ăn chăn nuôi, đến trang trại và thực phẩm (Feed-Farm-Food control).

Ngay từ đầu quá trình phát triển sản xuất tại Việt Nam, C.P. Việt Nam đã tập trung đầu tư khá bài bản các nhà máy thức ăn chăn nuôi bằng các thiết bị và giải pháp công nghệ thế hệ mới, hiện đại như: máy nghiền cám công nghệ Pháp; máy nén viên công nghệ Mỹ, Thái-lan; công nghệ lấy nước nóng từ bồn sấy ở áp lực cao để bơm vào nồi hơi để tiết kiệm nước và nhiên liệu; xử lý mùi bằng công nghệ SIMATEX… giúp quá trình phối trộn, diệt khuẩn, ép viên và đóng gói tạo thành hệ thống hoàn chỉnh. Nguồn nguyên liệu đầu vào cũng được kiểm soát chặt chẽ, bằng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005, sử dụng rô-bốt lấy mẫu tự động để lấy được mẫu đại diện ở tất cả các vị trí của lô hàng nhập vào công ty, đến việc kiểm tra chất lượng nguyên liệu lưu trữ trong kho và các giai đoạn trong suốt quá trình sản xuất, nhằm bảo đảm chất lượng thành phẩm đạt tiêu chuẩn quy định hệ thống an toàn thực phẩm GMP&HACCP, ISO 22000 và hệ thống an toàn nông nghiệp quốc tế GLOBAL G.A.P… giúp kiểm soát tốt giá trị dinh dưỡng và tồn dư chất cấm có trong nguyên liệu, bảo đảm thức ăn chăn nuôi luôn đạt chất lượng, giúp nâng cao hiệu quả chuyển hóa thức ăn của con vật, giảm thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường.

Không chỉ sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản đạt chất lượng cao, nguồn gien để tạo lập quần thể giống vật nuôi của C.P. Việt Nam cũng được nhập khẩu từ những công ty uy tín nhất trên thế giới. Trong quá trình chăn nuôi, C.P. Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của Nhà nước về vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật và an toàn thực phẩm.

Chuỗi sản xuất thực phẩm của C.P. Việt Nam từ thức ăn chăn nuôi, đến trại chăn nuôi, chế biến và phân phối thực phẩm đến tay người tiêu dùng trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả bền vững cho cả "ba nhà": Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Ðó là hiệu quả về bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi bền vững cho doanh nghiệp, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Trong quá trình nuôi, C.P. Việt Nam đã ứng dụng giải pháp tấm phủ ni-lông (Lagoon cover) trong xử lý chất thải chăn nuôi, vừa sản xuất bi-ô-ga chạy máy phát điện giúp tiết kiệm điện năng, vừa giảm ô nhiễm môi trường. Chất thải sau khi xử lý là nguồn phân hữu cơ quan trọng cho cây trồng và cải tạo đất, giúp tăng năng suất cây trồng, gia tăng giá trị nông nghiệp trên một đơn vị đất sản xuất, đồng thời góp phần tạo nên hệ thống cây trồng, vật nuôi mới đối với những vùng đất nghèo dinh dưỡng.

Hằng năm, C.P. Việt Nam cung cấp cho thị trường với số lượng hơn năm triệu con lợn, hơn 200 triệu quả trứng gà, hơn 80 nghìn tấn gà thịt và xuất khẩu hơn 20 nghìn tấn thực phẩm chế biến thủy sản sang thị trường các nước như Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu…, với doanh thu mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Với tổng thuế nộp ngân sách Nhà nước 25 năm qua (từ năm 1994 đến năm 2018) là 8.300 tỷ đồng, nhờ vậy liên tục trong nhiều năm, C.P.Việt Nam là doanh nghiệp xuất sắc trong thanh toán thuế nhà nước.

Quan trọng hơn, với chuỗi sản xuất khép kín, C.P. Việt Nam đã tạo hiệu quả xã hội to lớn, khi tạo ra một khối lượng lớn việc làm cho người dân, cả về đội ngũ cán bộ kỹ thuật qua đào tạo và lao động phổ thông. Với tổng số hơn 158 nghìn người lao động Việt Nam (trong đó nhân viên của C.P. là gần 20 nghìn người) tham gia làm việc trong chuỗi sản phẩm và dịch vụ của C.P. không những đã góp phần ổn định đời sống cho người dân địa phương, mà còn góp phần quan trọng trong việc giảm bớt áp lực di dân vào thành phố, tạo sự ổn định về kinh tế - xã hội của đất nước. Người lao động tham gia vào hệ thống sản xuất của C.P. có nguồn thu nhập ổn định, bền vững, được trả công trực tiếp từ C.P. chi trả, hoặc khách hàng (người chăn nuôi gia công, đại lý...) hợp tác sản xuất kinh doanh với C.P. và thu nhập của người lao động khác trong chuỗi giá trị sản phẩm của C.P.

Gần đây nhất, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Phước, ngày 20-8 vừa qua, C.P. Việt Nam đã được trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy giết mổ, chế biến gà xuất khẩu vào Khu công nghiệp Becamex, tỉnh Bình Phước. Ðây là dự án được xây dựng và phát triển như một tổ hợp chăn nuôi, giết mổ, đến chế biến gà xuất khẩu hiện đại nhất Ðông-Nam Á, có tổng nguồn vốn đầu tư lên tới 200 triệu USD, sau khi hoàn thành vào năm 2020 có thể giết mổ, chế biến một triệu con/tuần, tương đương 50 triệu con/năm. Qua đó, doanh nghiệp sẽ góp phần tăng thêm sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trên thị trường quốc tế, nhất là khi Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) mà Việt Nam là thành viên có hiệu lực. Ðồng thời tạo cơ hội việc làm cho hơn 3.000 lao động tại địa phương, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia sản xuất thực phẩm quan trọng trong nền công nghiệp thực phẩm thế giới.

QUANG MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38459302-dau-tu-bai-ban-hieu-qua-ben-vung.html