Đầu tư 8.014 tỷ đồng xây sân bay Quảng Trị: 'Không vì 'chạy đua giải ngân' mà làm bừa'

Trao đổi với VietnamFinance, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM cho biết: 'Tôi không đồng ý với đề xuất đầu tư 8.014 tỷ VNĐ xây dựng sân bay Quảng Trị. Đề xuất này là duy ý chí, thiếu tính thực tế'.

Thiếu tính khả thi

Là một người có chuyên môn trong lĩnh vực hàng không, PGS Nguyễn Thiện Tống nêu vấn đề: "Khi làm sân bay cần phải tính tới nhiều yếu tố, trong đó đầu tiên là nhu cầu đi lại đường hàng không của người dân có hay không?"

PGS Nguyễn Thiện Tống khẳng định:Quảng Trị nói riêng và với các sân bay nhỏ ở các địa phương khác nói chung có nhu cầu đi lại đường hàng không rất thấp, thậm chí có thể nói là không có nhu cầu đi lại đường hàng không để xây dựng sân bay".

Ngoài ra, theo PGS cự ly của 2 sân bay quá gần nên khó phát huy hiệu quả, ví dụ, trên thế giới khoảng cách giữa hai sân bay thường là 200 km, thì mới hoạt động hiệu quả.

"Tại Ấn Độ còn quy định khoảng cách đó tối thiểu là 150 km. Từ đó nhìn lại đề xuất của Cục hàng không Việt Nam (HKVN) thì thấy, giữa sân bay Phú Bài tới Đông Hà (Quảng Trị) chỉ khoảng 90 km, với khoảng cách này không nên làm sân bay", ông Tống nói.

Bên cạnh đó, PGS cũng chia sẻ: Tôi đã nhiều lần tự đi xe máy từ Phú Bài ra Đông Hà (Quảng Trị) và nhận thấy đường quốc lộ đi rất tốt (tới đây lại có thêm đường cao tốc nữa). Vì thế, nếu tập trung phát triển đường bộ, đường sắt để kết nối Quảng Trị với sân bay Phú Bài thì hiệu quả hơn rất nhiều.

"Với khoảng cách khoảng 90 km thì chỉ tốn 1,5 đến 2 giờ đồng hồ để đi xe từ Quảng Trị đến sân bay Phú Bài hay ngược lại thì việc gì phải đổ trên 8.000 tỷ VNĐ để xây dựng sân bay mới?", vị PGS nhận định.

Mặt khác, PGS cũng đề cập: "Khi đề xuất làm sân bay Quảng Trị thì Cục Hàng không Việt Nam cần phải tính toán cụ thể số lượng hành khách hàng ngày hay hàng tuần giữa sân bay Quảng Trị với từng sân bay khác trong nước, để xem xét có đủ cho một chuyến bay hay không?".

Nghi ngờ về hiệu quả kinh tế sân bay

Trao đổi với VietnamFinance, một trong những vấn đề PGS Nguyễn Thiện Tống trăn trở đó là việc: "Xây sân bay Quảng Trị trong bối cảnh này có lãng phí không? Hiệu quả kinh tế của sân bay ra sao?"

Ông Tống đánh giá: "Nếu lấy hai đường bay đông khách nhất từ Quảng Trị đi Tân Sơn Nhất (TP.HCM) hoặc từ Quảng Trị đi Nội Bài (Hà Nội), hiện nay tiềm năng cũng rất thấp, khó có thể gom đủ khách cho một chuyến bay/ngày. Các đường bay quốc nội khác thì rất ít khách. Còn hành khách muốn đi quốc tế thì phải đi từ Quảng Trị đến sân bay Phú Bài hay Đà Nẵng rồi mới bay đi được nước khác".

"Trong khi, hành khách tới Quảng Trị cũng còn có nhu cầu đi tới nhiều địa điểm khác với mục đích du lịch, chưa chắc đã lưu trú lại Quảng Trị mà có thể ở lại Huế hoặc Đồng Hới. Như vậy, ngoài lựa chọn sân bay Quảng Trị (nếu có) hành khách còn nhiều phương án lựa chọn sân bay hiện hữu khác mà có nhiều chuyến bay hơn", ông Tống nói.

Từ những nhận định trên, ông Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi, "khi đề xuất làm sân bay Quảng Trị, Cục hàng không đã khảo sát nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ở Quảng Trị chưa? Nhu cầu thực tế như thế nào…?"

Theo PGS, "để khảo sát tỉ lệ người sử dụng sân bay ở Quảng Trị không hề khó, chỉ cần dựa trên số liệu thống kê đi - về từ sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) và sân bay Đà Nẵng là xác định được ngay".

"Như vậy, cũng xác định được ngay tỉ lệ tăng trưởng vận tải của ngành hàng không với khách Quảng Trị trong mấy năm qua như thế nào? Tăng bao nhiêu phần trăm trong một năm và trong 5 năm - 10 năm sẽ dự kiến tăng lên bao nhiêu?"

"Theo quan sát của tôi thì trong khoảng 5 năm tới, mỗi ngày Quảng Trị cũng không có đủ khách để vận chuyển được một chuyến đến một số địa phương khác trong nước", PGS Nguyễn Thiện Tống nói.

Cần công khai số liệu khảo sát suất đầu tư sân bay

Để minh bạch, khách quan và đảm bảo tính giám sát, phản biện, PGS Nguyễn Thiện Tống đề nghị Cục hàng không Việt Nam công khai số liệu khảo sát cũng như kế hoạch xây dựng dự án để chuyên gia phản biện.

"Câu trả lời cần được làm rõ, không phải cứ "bày" ra một dự án với quy mô bao nhiêu nghìn m2, đón bao nhiêu triệu khách và coi đó là đầu bài thu hút đầu tư", ông Tống nói.

PGS Nguyễn Thiện Tống đánh giá, "Khi nguồn lực tài chính còn hạn chế nhưng lại dồn hàng nghìn tỷ đồng đầu tư một dự án mà thấy rõ không có nhu cầu, không có hiệu quả cũng như không có khả năng thu hồi vốn sẽ là lãng phí rất lớn".

"Bởi khi không có nhu cầu sử dụng, sân bay không có khách thì khả năng thu hồi vốn đã không có, nhưng các chi phí cho công tác quản lý, bảo trì, vận hành vẫn phải bỏ ra hàng tháng, tức là sân bay không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi tiền tỉ để duy trì sự tồn tại cho sân bay".

Không vì "chạy đua giải ngân" mà làm bừa

PGS Nguyễn Thiện Tống lo lắng: "Câu chuyện lộ liễu nhất là dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được đầu tư hàng trăm nghìn tỉ vẫn đang bị đắp chiếu. Nguyên nhân cũng bởi vì những tính toán không cẩn trọng ngay từ ban đầu, kể cả khi xác định làm dự án bị lỗ nhưng vẫn quyết tâm làm để bây giờ cả xã hội đang phải gánh nợ thay".

"Một sự lãng phí khủng khiếp như vậy Cục Hàng không cũng như các nhà quy hoạch sân bay có nhìn thấy không hay nhìn thấy nhưng cố tình coi như không thấy thì cũng cần phải được trả lời rõ?"

Cũng từ phân tích như vậy, vị chuyên gia đặt thẳng câu hỏi: "Với một dự án thấy rõ không hiệu quả như vậy chắc chắn dù là tư nhân hay nhà nước đầu tư đều phải đối diện với nguy cơ bị thua lỗ.

"Vậy tại sao biết trước thua lỗ lại vẫn muốn làm? Cần làm rõ mục đích làm sân bay này là có ý đồ gì? Vì mục đích kinh tế hay vì mục đích chính trị?"

"Vấn đề nguồn vốn cũng phải được làm rõ, dự án sẽ sử dụng nguồn lực trong nước, của tư nhân hay thông qua hình thức PPP để cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia rồi nắm quyền điều hành dự án?"

"Trường hợp nhà đầu tư trong nước tham gia, liệu dự án có là cái cớ để các đại gia đổ tiền phát triển địa ốc, nhà cao tầng, khai thác hạ tầng BĐS kiếm lợi hay không? Nếu như vậy thì việc xây dựng dự án là sai mục đích, không nên được đầu tư", PGS Nguyễn Thiện Tống thẳng thắn.

Theo PGS Nguyễn Thiện Tống, một dự án không có hiệu quả tài chính nhưng có thể vẫn được thực hiện trong trường hợp nó mang lại hiệu quả cho xã hội và người dân.

"Ví dụ như các dự án trường học, bệnh viên, để huy động vốn thực hiện các dự án này rất khó vì khó thu hồi vốn, lợi nhuận không cao, tuy nhiên, những dự án này vẫn phải cân nhắc có được thực hiện hay không vì nó mang lại lợi ích cho xã hội, mang lại điều kiện học hành, khám chữa bệnh cho người dân".

Tuy nhiên, với dự án Cảng hàng không Quảng Trị, xét cả về hiệu quả kinh tế, tài chính đều không khả thi, trong khi cũng không mang lại hiệu quả về mặt xã hội, thậm chí còn trở thành gánh nặng cho xã hội, cho địa phương, vì thế, không vì chạy đua giải ngân mà làm bừa.

Tóm lại với dự án này, vị PGS khẳng định không nên thực hiện bởi 3 lý do: Một là không có nhu cầu sử dụng; hai là không hiệu quả về tài chính, kinh tế - xã hội; cuối cùng, khi ngành hàng không đang thiếu vốn triển khai nhiều dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, tại sao phải xé nhỏ nguồn lực thực hiện những dự án chưa cần thiết?

Sân bay Quảng Trị phục vụ nhu cầu "du lịch tâm linh"

Ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, "lý do quan trọng nhất xây dựng sân bay Quảng Trị đó là phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân cả nước".

"Quảng Trị lâu nay vốn là trung tâm tâm linh. Người dân cả nước có sẵn nhu cầu về Quảng Trị viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm các khu di tích hoài niệm như Thành cổ, địa đạo Vịnh Mốc..., nhất là các dịp lễ như 30/4, 27/7, 2/9".

"Ngoài ra, Quảng Trị còn là nơi có trung tâm hành hương Đức mẹ La Vang - một địa chỉ tâm linh lớn của Công giáo. Mỗi năm nơi này đón hàng trăm ngàn lượt người từ khắp cả nước về hành lễ".

"Tổng lượng người đến và lưu trú tại Quảng Trị trong năm 2019 là hơn 2 triệu lượt và con số này tăng lên sau mỗi năm. Nhu cầu đi lại của người dân là có thật và đã được chứng minh bằng những con số", ông Tiến phân tích.

Phối cảnh sân bay Quảng Trị mới

Phối cảnh sân bay Quảng Trị mới

Ngoài ra, ông Tiến cũng cho rằng, việc xây dựng sân bay Quảng Trị sẽ tận dụng được nguồn khách trên hành lang kinh tế Đông - Tây, từ Lào qua đông bắc Thái. Khu vực này không có biển nên nhu cầu về biển sẽ rất lớn.

Ông Tiến cũng chia sẻ, "khi đưa dự án này ra bảo vệ trước Bộ Quốc phòng, đại diện bộ này ban đầu cũng không đồng tình về vị trí giữa hai tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, sau khi tỉnh đứng ra giải thích lý do về sự cần thiết phải xây dựng sân bay Quảng Trị thì đã nhận được sự ủng hộ".

Đức Thọ

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dau-tu-8014-ty-dong-xay-san-bay-quang-tri-khong-vi-chay-dua-giai-ngan-ma-lam-bua-20180504224241522.htm