Đầu tư 600 nhà chờ xe buýt, 1.200 biển quảng cáo 1.000 tỷ cho 20 năm, đắt hay rẻ?

Cuối năm 2019, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án 'Xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận theo hình thức đối tác công tư', giá trị dự kiến 1.000 tỷ đồng. Liên quan đến vấn đề này, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ quản lý đô thị Phan Trường Thành.

 Ông Phan Trường Thành

Ông Phan Trường Thành

Theo ông, vì sao phải đầu tư xây dựng 600 nhà chờ xe buýt và biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận?

- Tại 12 quận của Hà Nội hiện có hơn 1.000 điểm dừng đón trả khách cho xe buýt, nhưng chỉ trên 300 nhà chờ có mái che, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả khai thác của vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Mặt khác, 300 nhà chờ này đều được đầu tư theo hình thức nhỏ lẻ, dẫn đến không đồng bộ về mẫu mã thiết kế; công tác quản lý, duy tu chưa được thực hiện thường xuyên; hình thức quảng cáo chưa có sự thống nhất; dữ liệu thông tin, tiện ích phục vụ hành khách tại các nhà chờ chưa đồng bộ, hiện đại. Không những vậy, các loại biển quảng cáo trên dải phân cách thuộc phân cấp quản lý của TP, cho nhiều đơn vị khai thác, quản lý chưa chặt chẽ, để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép, không đồng bộ và chất lượng không đảm bảo…

Vì vậy, việc xây dựng đồng bộ hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP theo tiêu chuẩn quốc tế góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hệ thống VTHKCC bằng xe buýt và cảnh quan đô thị văn minh là hết sức cần thiết.

Đồng thời, để tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP, xây dựng đô thị văn minh thì việc đầu tư đồng bộ biển thông tin, quảng cáo trên dải phân cách giữa các tuyến đường thuộc 12 quận trong giai đoạn trước mắt là rất cần thiết.

Có ý kiến lo ngại chi phí đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng cho dự án là quá lớn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Sở dĩ có lo ngại đó là do chưa hiểu đầy đủ về nội hàm của khoản chi phí đầu tư mà thôi. Theo tôi được biết, khoảng gần 1.000 tỷ đồng ở đây là tổng vốn đầu tư phục vụ cho toàn bộ thời gian hoạt động của dự án, dự kiến kéo dài 20 năm. Chi phí ban đầu để xây dựng cho 600 nhà chờ xe buýt và 1.200 biển thông tin đô thị mới chỉ hết gần 300 tỷ đồng.

Khoảng 700 tỷ đồng là kinh phí phục vụ công tác duy tu, duy trì, quản lý, khai thác, vận hành toàn bộ 600 nhà chờ xe buýt và 1.200 biển thông tin đô thị trong khoảng thời gian 20 năm. Hơn nữa, đây mới là dự kiến ban đầu; số liệu chính xác phải đợi sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, đàm phán và ký kết hợp đồng mới xác định được.

Việc đầu tư dự án theo hình thức PPP, cụ thể là loại hợp đồng BOO, có hợp lý không, thưa ông?

- Trong điều kiện ngân sách TP còn hạn chế như hiện nay, việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là phù hợp nhất. Bởi qua đó huy động được các nguồn lực ngoài xã hội vào việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của TP. Nó sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà cả nước ngoài với công nghệ hiện đại. Việc nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm thực hiện quản lý, bảo trì bảo dưỡng thường xuyên sẽ tăng cường hiệu quả và cung cấp kịp thời dịch vụ quản lý đối với cơ sở hạ tầng của TP. Ngoài ra, loại hình đầu tư PPP còn là một động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Điểm trung chuyển xe buýt Long Biên. Ảnh: Thanh Hải

Còn loại hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh), thực tế đã được áp dụng, triển khai có hiệu quả ở nhiều nơi trên thế giới. Với dự án này, tôi thấy việc lựa chon loại hợp đồng BOO là phù hợp nhất. Nhà đầu tư sẽ tự xây dựng, tự duy tu, duy trì, vận hành và kinh doanh 600 nhà chờ, 1.200 biển quảng cáo ( nhà đầu tư chỉ được khai thác một mặt), trong thời hạn nhất định, ở đây là 20 năm. Nhà đầu tư được đảm bảo quyền khai thác, kinh doanh lâu dài, không nơm nớp lo sẽ bị “thay ngựa giữa dòng”, đầu tư ra chưa kịp thu hồi vốn đã phải bàn giao lại. Còn TP sẽ được một hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ do chỉ có một nhà đầu tư, một kịch bản thiết kế, không còn manh mún như hiện nay.

Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021). Tôi đã nghiên cứu và đánh giá rất cao nội dung Luật này. Các quy định của Luật đã hướng dẫn rất rõ ràng trình tự, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình thực hiện, tiệm cận với xu thế chung của nhiều nước trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Do đó, không có gì phải lo về dự án này khi thực hiện theo hình thức BOO.

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của dự án?

- Chắc chắn dự án sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực đối với bộ mặt đô thị của TP. Đầu tư xây dựng đồng bộ, tăng cường hệ thống nhà chờ cho xe buýt theo hướng hiện đại, tiêu chuẩn châu Âu sẽ đáp ứng các yêu cầu về mỹ quan đô thị; tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt. Cùng với đó, Hà Nội sẽ khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong quản lý, đầu tư để có một hệ thống nhà chờ xe buýt cũng như biển quảng cáo ngoài trời được sắp xếp một cách khoa học, đồng bộ, văn minh.

Mặt khác, thời gian qua, TP đã phải chi không ít tiền phục vụ công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa... của Đảng, Nhà nước. Khi xã hội hóa đầu tư 1.200 biển quảng cáo như nêu trên, nhà đầu tư sẽ chỉ được khai thác một mặt biển, mặt còn lại sẽ phục vụ công tác tuyên truyền thường xuyên, góp phần giảm đáng kể kinh phí cho ngân sách.

Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này cần lưu ý điều gì, thưa ông?

- Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện trên cơ sở đấu thầu rộng rãi, bao gồm cả đấu thầu quốc tế. Tôi tin rằng việc tổ chức lựa chọn nhà thầu sẽ đảm bảo công khai, minh bạch; đạt được mục tiêu cuối cùng là lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án với hiệu quả cao nhất.

Xin cảm ơn ông!

Các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã hướng dẫn rất rõ ràng trình tự, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình thực hiện, tiệm cận với xu thế chung của nhiều nước trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Do đó, không có gì phải lo về dự án này khi thực hiện theo hình thức BOO.

Thạc sỹ quản lý đô thị Phan Trường Thành

Minh Tường thực hiện

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dau-tu-600-nha-cho-xe-buyt-1200-bien-quang-cao-1000-ty-cho-20-nam-dat-hay-re-389052.html