Đầu tư 300 tỷ USD, Qatar kỳ vọng hưởng lợi 20 tỷ USD từ World Cup 2022

Trong khi Thế vận hội Tokyo 2020 có thể thất bại về mặt tài chính, Qatar đang kỳ vọng giải Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2022 sẽ trở thành một 'cú huých' cho nền kinh tế nước này...

World Cup 2022 được kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Qatar - quốc gia đăng cai tổ chức vào tháng 11-12/2022 - Ảnh: Bloomberg

“Chúng tôi dự báo World Cup 2022 sẽ đóng góp cho nền kinh tế Qatar khoảng 20 tỷ USD”, Hassan Al Thawadi, Tổng thư ký Ủy ban Chuyển giao và Di sản - cơ quan đang đứng sau các dự án hạ tầng phục vụ World Cup 2022 của Qatar, cho biết.

Theo Bloomberg, số tiền này tương đương khoảng 11% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Qatar năm 2019.

Ông Al Thawadi cho biết con số trên được đưa ra dựa trên “một nghiên cứu ở cấp rất cao” và các dự báo chi tiết hơn sẽ được đưa ra sau khi giải đấu chính thức diễn ra vào tháng 11-12/2022.

Ngành xây dựng và du lịch được dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh này, ông Al Thawadi cho biết trong một cuộc phỏng vấn dự kiến được phát tại Diễn đàn Kinh tế Qatar tuần tới.

Theo Bloomberg, Qatar đang cố gắng tận dụng giải đấu để thể hiện sự phát triển nhanh chóng từ một làng chài nhỏ bé trở thành một đô thị lớn và trung tâm trung chuyển vận tải của vùng Vịnh.

Việc xây dựng các sân vận động phục vụ World Cup 2022 chỉ chiếm một phần nhỏ trong chi tiêu cơ sở hạ tầng mà quốc gia này đang thực hiện. Những dự án lớn khác đang được triển khai gồm hệ thống tàu điện ngầm, mở rộng sân bay và xây dựng một thành phố mới. Theo ước tính của Bloomberg Intelligence, tổng chi phí cho tất cả dự án này là khoảng 300 tỷ USD.

“World Cup sẽ đóng vai trò như một động lực thúc đẩy và đẩy nhanh nhiều sáng kiến mà chính phủ Qatar đã cam kết và đã được lên kế hoạch, từ phát triển đô thị cho tới đa dạng hóa nền kinh tế”, ông Al Thawadi, nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Qatar phải đối mặt với một loạt chỉ trích liên quan tới kế hoạch tổ chức World Cup 2022, quan ngại rằng giải đấu sẽ có ít khán giả và người hâm mộ quốc tế không được hưởng trọn vẹn niềm vui khi tới nước này theo dõi giải đấu.

Theo văn hóa Hồi giáo tại Qatar, phụ nữ và nam giới phải mặc quần áo kín vai và đầu gối tại hầu hết nơi công cộng và rượu chỉ được phục vụ tại các khách sạn cao cấp đắt đỏ.

“Khách quốc tế luôn cân nhắc văn hóa và chuẩn mực”, ông Al Thawadi nói về các quốc gia đăng cai World Cup.

Ông cho biết, để giải quyết quan ngại của khách quốc tế, Qatar sẽ cho phép mặc những trang phục như áo ba lỗ, quần đùi và cho phép uống rượu tại một số khu vực dành riêng cho người hâm mộ bóng đá. Ngoài ra, chính phủ Qatar cũng đang cân nhắc các phương án để kiểm soát những hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn như say xỉn và khiếm nhã nơi công cộng, để tránh phải sử dụng hệ thống tòa án.

Với việc Nhật Bản không cho phép người hâm mộ quốc tế tới theo dõi Thế vận hội Olympics mùa hè dự kiến diễn ra vào tháng 7 và sự chưa chắc chắn trong chính sách nhập cảnh ở Thế vận hội mùa đông tại Trung Quốc, một sự kiện toàn cầu có thể thu hút tới 1,5 triệu người như World Cup tại Qatar có sức hút riêng.

“Chúng tôi sẽ tổ chức một giải đầu an toàn và lạc quan rằng đây sẽ là sự kiện thể thao lớn đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát mà tất cả những ai muốn đều có thể tham dự”, ông Al Thawadi khẳng định..

Ngọc Trang -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dau-tu-300-ty-usd-qatar-ky-vong-huong-loi-20-ty-usd-tu-world-cup-2022.htm