Đấu trường thể thao- Nơi duy nhất trừng phạt Nga hiệu quả

Nơi đề cao tinh thần thượng võ như những giải đấu thể thao quốc tế lại đang là nơi thể hiện rõ nhất các yếu tố chính trị.

Cơ quan chống doping thế giới (WADA) thông qua lệnh cấm Nga tham gia các giải thể thao tầm thế giới trong bốn năm. Lệnh cấm buộc Nga đứng ngoài ba giải đấu lớn gồm Olympic mùa hè 2020, Olympic mùa đông 2022 và World Cup bóng đá nam 2022.

Nga không được tham dự các giải đấu thế giới.

Nga không được tham dự các giải đấu thế giới.

Lệnh cấm được đưa ra liên quan đến việc cơ quan chống doping Nga (RUSADA) không hợp tác hoàn toàn trong quá trình điều tra gian lận thể thao. Theo báo cáo, dữ liệu về doping Nga đã bị thay đổi ngoài sự kiểm soát của WADA. Cơ quan chống doping thế giới cũng có bằng chứng về việc chính quyền Nga thực hiện một chương trình doping chưa từng có về quy mô và tham vọng.

Gần như ngay khi quyết định được công bố, bà Svetlana Zhurova, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc tế của Duma Quốc gia Nga, đã tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định của WADA: "Hội đồng kiểm soát doping Nga (RUSADA) dự kiến sẽ họp vào ngày 19/12 để xem xét chấp nhận khuyến nghị này như thế nào và xác định làm gì tiếp theo. Sau đó, sẽ đưa kiến nghị lên Tòa án trọng tài thể thao tại Lausanne".

Bà cho rằng, có thể chắc chắn nước Nga sẽ kiện WADA ra tòa vì họ sẽ đấu tranh vì các vận động viên của mình.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng, phán quyết cấm Nga dự World Cup và Olympic trong 4 năm mang động cơ chính trị và "mâu thuẫn với Hiến chương Olympic".

"Không có gì để chê trách Ủy ban Olympic Nga và nếu không có sự chê trách nào đối với cơ quan này, Nga nên tham gia thi đấu dưới lá cờ của chính mình" - Tổng thống Nga nói bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ Normandy ở Paris, Pháp.

Những cuộc điều tra trước đó dẫn tới quyết định của WADA được cho là xuất phát từ “chương trình doping quốc gia của Nga”.

Hồi tháng 9, WADA mở cuộc điều tra về việc các quan chức Nga làm giả kết quả xét nghiệm doping. Tổ chức này có bằng chứng về các chương trình doping quy mô lớn được chính phủ Nga bảo trợ.

Kể từ thành công đặc biệt của đoàn vận động viên Nga tham dự Thế vận hội Sochi năm 2014, Nga đã liên tục bị cấm tham dự các giải đấu quốc tế vì nghi vấn sử dụng doping quy mô lớn trên nhiều vận động viên bao gồm cả bóng đá hay bi đá trên băng - một môn thể thao chỉ cần tới sự tập trung mà không cần tới sự hỗ trợ của doping để duy trì sức bền thể lực.

Bộ Thể thao Nga đã thừa nhận việc có trường hợp quan chức Nga cho phép vận động viên sử dụng doping song nhiều lần nhấn mạnh "không có sự tồn tại của chương trình doping do nhà nước bảo trợ".

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga "không và sẽ không có hệ thống nhà nước ủng hộ doping nào hết".

Sau hàng loạt những thất bại trong các cuộc đấu với Nga, phương Tây đang tự lèo lái những tiêu chuẩn của mình giành cho đối thủ, bên cạnh quân sự, chiến lược, chính trị và bây giờ là thể thao.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước đó đã đề cập đến việc Moscow đang bị "xử tệ" liên quan đến các quan điểm của WADA.

“Có những người muốn đưa Nga vào vị trí phải bào chữa, vị trí của bị cáo. Hơn nữa, Nga bị buộc tội trong mọi lĩnh vực đời sống quốc tế: xung đột, kinh tế, năng lượng, đường ống dẫn khí… Ở khắp mọi nơi Nga đều bị buộc tội vi phạm điều gì đó, hoặc làm điều gì đó bất lợi cho một hoặc một số quốc gia phương Tây” - Ngoại trưởng Nga nói.

Khi đấu trường thể thao phi chính trị đang dần bị chính trị hóa, thao túng cho việc đổ lỗi nhằm vào Nga đã trở thành quan điểm ưu tiên của các nước phương Tây.

Chuyên gia phân tích Patrick Henningsen, quyết định của WADA là động thái làm bẽ mặt nước Nga, làm nản lòng các vận động viên và gây tổn thương cả Putin.

"Đối với mọi lãnh đạo, thể thao luôn gắn kết với niềm tự hào quốc gia" - chuyên gia này nhận định.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dau-truong-the-thao-noi-duy-nhat-trung-phat-nga-hieu-qua-3393030/