'Đấu trí' Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ : S-400 đã đến như 'chiếc ô' cứu tinh của ông Putin?

Nga với vai trò là nhà cung cấp chủ quyền - đang cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tách khỏi sự phụ thuộc an ninh đến từ Mỹ. Nói một cách ẩn dụ, Moscow đang phân phát chiếc ô cho những ai đang cần giữa trời mưa.

S-400 giúp ông Erdogan thành công trong việc thống nhất quốc gia.

S-400 giúp ông Erdogan thành công trong việc thống nhất quốc gia.

Quyết định thông qua thỏa thuận S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đã khiến nhiều quốc gia phương Tây cau mày.

Trong khi đó, một số quan điểm ở Nga lại hy vọng rằng, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm chia tay dứt điểm với Mỹ và sớm hoàn tất thỏa thuận mua hệ thống phòng không - bất chấp mọi cảnh báo, bất chấp mọi tổn thất từ các lệnh trừng phạt và áp lực chính trị.

Chuyên gia Andrey Sushentsov từ Valdai Club cho rằng, Mỹ đã đón nhận cú sốc sau khi tin tưởng áp lực kinh tế và việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình sản xuất máy bay chiến đấu F-35 sẽ đủ để chế ngự sự khao khát của nước này trong hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga.

Chiến thắng cho ai?

Thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã được hoàn tất và các thành phần đầu tiên của hệ thống phòng không Nga được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ là một chiến thắng chính sách lớn trong nước cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Sau một loạt thất bại bầu cử tại các thành phố lớn, bao gồm Istanbul, nơi các nhà lãnh đạo phe đối lập lên nắm quyền, với S-400 - ông Erdogan một lần nữa thành công trong việc thống nhất quốc gia dưới khẩu hiệu “Bảo vệ Tổ quốc”.

Rất hiếm hoi người ta mới được thấy truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ lại có sự đồng lòng như vậy, khi gần như nhất trí ủng hộ việc triển khai các hệ thống phòng không mới của Nga, với một số ấn phẩm còn công khai chỉ trích mối quan hệ với NATO và Mỹ.

Các hình ảnh và infographic thể hiện khả năng của hệ thống Nga trước máy bay Mỹ và châu Âu cũng là một gợi ý rõ ràng về việc Thổ Nhĩ Kỳ đang lo ngại một cuộc tấn công đến từ đâu.

Từ quan điểm chiến lược, ông Erdogan đã củng cố chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, có được một trong những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất trên thế giới – điều sẽ bảo đảm một phần không gian quan trọng của nước này được bảo vệ trước máy bay thù địch.

Theo các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống phòng thủ này sẽ mang lại lợi ích cho đất nước nhiều hơn là các hệ thống tấn công tiên tiến nhất thế giới, bao gồm cả máy bay F-35 đa năng.

Do đó - Nga với vai trò là nhà cung cấp chủ quyền - đang cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tách khỏi sự phụ thuộc an ninh đến từ Mỹ. Nói một cách ẩn dụ, Moscow đang phân phát chiếc ô cho những ai đang cần giữa trời mưa, chuyên gia Sushentsov nêu quan điểm.

Tầm quan trọng chiến lược của thương vụ này lớn hơn nhiều so với hiệu quả tích cực của nó đối với quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày càng có nhiều quốc gia tìm cách đảm bảo chủ quyền trong các vấn đề quốc tế sẽ tìm đến Nga với tư cách là nhà cung cấp chủ quyền như vậy.

Tuy nhiên, từ góc độ chính sách khu vực, tình hình không hề đơn giản. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có sự khác biệt về chính sách tương lai ở Syria. Trục Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran vẫn chỉ mang tính chiến thuật, mặc dù nó đang có xu hướng mở rộng sang các khu vực liên quan.

Trong khi đó, Hy Lạp lại bất ngờ trở thành quốc gia hưởng lợi trong những tranh cãi S-400 vừa qua khi những lập luận chống lại Thổ Nhĩ Kỳ của họ trong NATO đột nhiên nhận được ủng hộ nhiều hơn.

Việc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập đồng thời vào NATO năm 1952 đã tạm thời hạ nhiệt sự đối đầu giữa hai quốc gia. Nhưng sự điều chỉnh này giờ đây đã không hoạt động.

Và, mặc dù NATO không phải là một tổ chức đưa ra các quyết định nghiêm khắc liên quan đến các thành viên của mình, nhưng các nỗ lực chống Thổ Nhĩ Kỳ về mặt ngoại giao của Hy Lạp có thể tạo ra động lực mới cho cuộc tranh luận về việc trục xuất Ankara.

S-400 là mối đe dọa với chính Nga?

Mỹ không muốn mất đồng minh giá trị như Thổ Nhĩ Kỳ.

Thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ mang đến một tiền lệ quan trọng cho sự hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga với một quốc gia hàng đầu của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai trong liên minh và có sự độc lập khá lớn so với ảnh hưởng của Mỹ.

Mặc dù gây ra tổn hại phần nào đó đối với sự thống nhất của NATO, thương vụ S-400 không đồng nghĩa với việc nó sẽ mang đến sự ổn định trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong quá khứ, cả hai vẫn được biết đến là đôi khi có xu hướng đối đầu nhau, với lần mâu thuẫn cuối cùng là vụ bắn hạ máy bay Nga xảy ra vào năm 2015. Do đó, các bên sẽ không tránh khỏi những cuộc đụng độ như vậy trong tương lai.

Cho đến hôm nay, có thể nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang được hưởng lợi từ những diễn biến gần đây. Bất chấp áp lực kinh tế và chính trị của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã củng cố được tính chủ quyền của mình và chứng minh được điều đó với người dân trong nước.

Hiện tại, quả bóng đang nằm trong chân người Mỹ và họ đang bị buộc phải thay đổi trò chơi của mình và từ bỏ những lời lẽ khắc nghiệt.

Rõ ràng, với việc giảm bớt áp lực này, người Mỹ không muốn thúc đẩy một cuộc đối đầu. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đồng minh có giá trị trong khu vực. Vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai trên lãnh thổ nước này và đây là nguồn thông tin quý giá về các mạng lưới khủng bố ở Trung Đông. Người Mỹ sẽ không hy sinh một đồng minh có giá trị như vậy.

Có thể thấy rằng, thương vụ S-400 là một dấu hiệu khác cho thấy sự xuất hiện của một hệ thống thế giới đa cực, trong đó mỗi quốc gia theo đuổi lợi ích riêng của mình, ít dựa vào sự bảo đảm của một cường quốc nào đó hay liên minh đa phương.

Hệ thống này đang dần thay thế với sự thống trị lưỡng cực hoặc hay đơn cực của Mỹ. Nó cũng mở ra những cơ hội quan trọng cho chính sách đối ngoại của Nga.

Nhưng đồng thời - với tính chất ngày càng phức tạp như vậy - nó cũng đặt ra một vấn đề khác với Nga khi mọi đối tác đều có thể là đối thủ tiềm năng.

Các hệ thống phòng thủ mà Nga cung cấp cho Ankara cũng đang đặt ra những hạn chế đáng kể đối với năng lực của chính Moscow. Hay nói cách khác, S-400 có thể củng cố chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ ở nhiều khía cạnh.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dau-tri-my-tho-nhi-ky-s-400-da-den-nhu-chiec-o-cuu-tinh-cua-ong-putin-a445404.html