Đấu tranh với tín dụng đen online: Cảnh giác và sẵn sàng tố giác

Thời gian qua có nhiều người dân trong tỉnh bị kẻ xấu gọi điện, nhắn tin mời chào cho vay tiền không cần tài sản thế chấp, rồi từng bước lừa đảo, uy hiếm chiếm đoạt tài sản. Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã liên tục phát đi các cảnh báo thủ đoạn cho vay nặng lãi không cần tài sản thế chấp thông qua trang web, ứng dụng trên điện thoai thông minh (app) nhưng vẫn tiếp tục có trường hợp bị vướng vào 'bẫy' tín dụng đen, rơi vào cảnh khốn cùng. Thực tế này đòi hỏi những giải pháp quyết liệt hơn nữa...

Công an triệu tập các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi liên tỉnh với sự tham gia của trên 300 đối tượng (ảnh CTV).

Công an triệu tập các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi liên tỉnh với sự tham gia của trên 300 đối tượng (ảnh CTV).

Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP. Hà Nội) đã phối hợp với công an một số địa phương triệt phá đường dây cho vay nặng lãi qua app và đòi nợ dưới hình thức tín dụng đen với gần 300 đối tượng.

Theo các nguồn tin của chúng tôi, riêng địa bàn tỉnh Thái Nguyên, lực lượng chức năng đã phát hiện 65 đối tượng tham gia đường dây phạm pháp này, thu giữ hàng chục bộ máy tính và nhiều tang vật liên quan. Cơ quan công an đã triệu tập 60 đối tượng có hộ khẩu thường trú, tạm trú ở TP. Phổ Yên để điều tra (5 đối tượng do đang mang thai, nuôi con nhỏ nên được ở tại tư gia nhưng phải chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng).

Qua xác minh, người điều hành chính hệ thống cho vay nặng lãi, đòi nợ liên tỉnh này là Nguyễn Quang Vũ (sinh năm 1987, trú tại Hà Nội); quản lý phụ trách toàn bộ hệ thống đòi nợ tại Việt Nam là Zhang Min (sinh năm 1986, người Trung Quốc).

Để hợp thức hóa việc cho vay lãi nặng và đòi nợ, các đối tượng thành lập công ty cầm đồ, lập 3 app cho vay là: Cashvn, vaynhanhpro và ovay; lãi suất lên tới 1.570%-2.190%/năm. Tổng số có gần 1 triệu khách hàng qua các app, với số tiền giải ngân mỗi tháng khoảng 100 tỷ đồng.

Người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2-30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ giấy tờ vay nợ nào. Các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này.

Thực tế, thủ đoạn cho vay nặng lãi qua trang web và app đã nở rộ từ lâu, nạn nhân chủ yếu là những người có thu nhập thấp, có nhu cầu vay tiền để trang trải cuộc sống.

Theo đánh giá của cơ quan công an, các tội danh liên quan tới hoạt động tín dụng đen là giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở của người khác, cướp tài sản, bắt cóc, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, hủy hoại tài sản…

Mới đây, Công an TP. Thái Nguyên đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can là: Hoàng Trung Hiếu, sinh năm 2000; Hoàng Minh Văn và Lý Trung Lâm, cùng sinh năm 2002 (ở xóm Bình Minh, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) và Hoàng Anh Tuấn, sinh năm 2000 (ở tổ 8, phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên), về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các đối tượng này làm công việc hỗ trợ cho vay online trên các app như: FE Credit, EasyCredit, McCredit... Trong quá trình hỗ trợ chị V.T.P. (sinh năm 1994, ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) vay tiền, nhóm đối tượng đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt 20 triệu đồng. Sau nhiều lần liên lạc nhưng không lấy lại được số tiền nói trên, chị P. đã trình báo cơ quan công an.

Tín dụng đen online gây ra những hệ lụy rất lớn cho xã hội khi người vay không thanh toán được, các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ được phân cấp khác nhau nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ “con nợ” đến người thân và toàn bộ mối quan hệ trong danh bạ điện thoại người vay.

Thậm chí, chúng còn cắt ghép hình ảnh rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, hạ danh dự, làm nhục để thúc ép người vay hoặc người nhà phải trả tiền, gây bức xúc trong dư luận.

Chị N.T.T, giáo viên một trường THPT trên địa bàn tỉnh chia sẻ: Vì có người quen vay tiền qua app chưa trả kịp khi đến hạn nên tôi liên tục bị gọi điện dọa nạt, đăng hình ảnh phản cảm trên Facebook cá nhân và bạn bè, đồng nghiệp. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín và cuộc sống của tôi.

Với những rủi ro về an ninh trật tự liên quan đến tín dụng đen, nhất là thủ đoạn cho vay online, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã giao cho các phòng nghiệp vụ, Công an 9 huyện, thành, thị của tỉnh liên tục phát đi cảnh báo để người dân nắm bắt được vấn nạn này.

Chính quyền các cấp trong tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp về tín dụng đen online để người dân không vay mượn tiền của các đối tượng cho vay qua số điện thoại được treo, dán trên cột điện, tờ rơi hoặc các app vay tiền không rõ nguồn gốc, từ các tổ chức, cá nhân không được cấp phép.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân khi phát hiện những hành vi vi phạm liên quan đến tín dụng đen online nên báo ngay cho cơ quan công an để được can thiệp và bảo vệ kịp thời.

Điều đáng tiếc hiện nay là các vụ việc cho vay nặng lãi online chỉ bị phát hiện khi có nhiều bị hại hoặc phạm vi hoạt động đã rất rộng gây bức xúc trong dư luận. Do vậy, khi người dân nhận được cuộc gọi, tin nhắn hoặc các hình thức thông tin về cho vay qua app nên nhanh chóng báo với cơ quan công an.

Đối với những trường hợp nhẹ dạ đã vay mượn online rồi bị kẻ xấu đòi thúc, uy hiếp về tinh thần, mất khoản tiền lớn mà vẫn chưa thoát khỏi “ma trận” này càng cần đến cơ quan chức năng để tố giác. Chỉ có như vậy thì “vòi bạch tuộc” của những đối tượng kinh doanh tín dung đen online mới bị cắt đứt, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhóm P.V Nội chính

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/phap-luat/dau-tranh-voi-tin-dung-den-online-canh-giac-va-san-sang-to-giac-302069-101.html