Đấu tranh phòng, chống tham nhũng: Không còn chuyện 'hạ cánh an toàn'

Kể cả những trường hợp cán bộ cấp cao đang còn đương chức hay những trường hợp đã nghỉ hưu, nếu có sai phạm cũng đều được đưa ra xem xét một cách cụ thể. Điều này thể hiện rõ việc không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về nhiều vụ việc, xử lý nhiều cán bộ, trong đó có những cán bộ cấp cao.Ảnh: P.V

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về nhiều vụ việc, xử lý nhiều cán bộ, trong đó có những cán bộ cấp cao.Ảnh: P.V

Gần đây, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã có kết luận về nhiều vụ việc, xử lý nhiều cán bộ, trong đó có những cán bộ cấp cao. Hay tại thời điểm này, vụ án thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đang được Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C46) khởi tố, tạm giam hàng loạt các bị can liên quan đến 3 vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tổng Cty Thăm dò và khai thác Dầu khí (PVEP); Cty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) thuộc Tập đoàn Dầu khí VN.

Đó chỉ là một trong những minh chứng thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng (PCTN) của Đảng và Nhà nước.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4: Không có vùng tối để trốn tránh

Nhiều vụ việc đã được UBKTTƯ kết luận rõ ràng, công khai cụ thể mọi người cũng đã nắm được. Trong đó có nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo phải xem xét kỷ luật theo kết luận đó. Khi đã có kết luận rồi thì việc xử lý kỷ luật như thế nào thì phải theo Điều lệ của Đảng và theo luật pháp của Nhà nước. Tôi cho rằng sẽ không có sự nhân nhượng nữa, không ai có thể xử lý trái được. Điều này thể hiện sự công minh, đúng với tinh thần xử lý vi phạm không có vùng cấm trong Đảng.

Tôi cho rằng, cuộc vận động, đấu tranh làm trong sạch Đảng đang ngày càng đi đến đỉnh cao hơn, càng ngày càng đi đến quyết liệt hơn, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước. Kể cả những trường hợp cán bộ cấp cao đang còn đương chức hay những trường hợp đã nghỉ hưu, nếu có sai phạm cũng đều được đưa ra xem xét một cách cụ thể. Điều này thể hiện rõ việc không có vùng cấm trong PCTN. Đáng nói đó là không còn chuyện hạ cánh an toàn.

Những vụ việc thời gian gần đây cho thấy, không có chuyện miễn nhiệm trách nhiệm khi đã về hưu. Đó là một trong những biện pháp khá chủ động và tích cực để răn đe, phòng ngừa để chấn chỉnh những người đang còn đương chức, đương quyền không phạm vào các sai lầm, các vi phạm. Việc ngăn ngừa có ý nghĩa rất lớn, có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều. Khi đã có sai phạm xảy ra rồi thì đương nhiên phải xử lý.

GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Phòng, chống tham nhũng không né tránh, không có vùng cấm

Rất nhiều vụ việc thời gian vừa qua đã chứng tỏ thái độ không khoan nhượng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công cuộc PCTN. Có những trường hợp cán bộ ở cấp trung ương, thậm chí ở cấp Ủy viên Bộ Chính trị, hay tướng lĩnh công an có sai phạm cũng đều bị xem xét trách nhiệm và xử lý vi phạm một cách nghiêm khắc. Việc có sai phạm là sẽ phải xem xét xử lý, không né tránh, không có vùng cấm.

Trước đây, người ta vẫn quan niệm chỉ có thể xử lý vi phạm ở dưới, còn ở cấp trên, cấp cao là chỗ khó, vùng cấm không thể xử lý được, nhưng thực tế đã thể hiện rõ quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh này. Thời gian vừa qua cho thấy chúng ta đã xử lý cán bộ ở mức rất cao, có những bản án rất nghiêm khắc. Điều này tạo động lực mới rất mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và PCTN, ngăn ngừa sai phạm. Với thái độ cương quyết như vậy của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì nhân dân rất vui mừng, đồng tình, ủng hộ. Điều này cũng tăng thêm niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) của Đảng và Nhà nước.

Tuy vậy, việc PCTN phải thực hiện, đấu tranh trong diện rộng mới mang lại hiệu quả thực sự. Nếu việc này ở các nơi khác mà không thực hiện đến nơi, đến chốn thì hiệu quả không được như mong muốn. Ở cấp trên, cấp cao nêu gương rồi thì cấp dưới phải làm. Cần phải quét sạch đi những vi phạm, đặc biệt là tệ nạn tham nhũng.

Thời gian tới, việc PCTN và xử lý vi phạm này cần phải được thực hiện ở mọi nơi, mọi cấp, cả trên, cả dưới sẽ tạo thành một luồng khí mới và củng cố niềm tin của nhân dân. Cán bộ thuộc diện quản lý của cấp nào, đơn vị nào thì đơn vị đó phải có những kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Soi chiếu vi phạm để có hình thức kỷ luật phù hợp

Mới đây, kết luận của UBKTTƯ về việc kiểm tra những dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự đảng Bộ TTTT và Đảng ủy Ngân hàng BIDV cũng đã nêu rõ những vi phạm và đánh giá mức độ vi phạm của từng cá nhân liên quan. Trong đó đáng chú ý có những cụm từ đánh giá mức độ vi phạm như nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Như vậy, khi thực hiện việc kiểm tra đã có các tiêu chí để đánh giá như vậy. Vấn đề ở đây cần làm rõ nội hàm về việc vi phạm rất nghiêm trọng và vi phạm nghiêm trọng là như thế nào để có thể đưa ra hình thức kỷ luật cho phù hợp, hợp lý.

Từ kết luận đó, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy và lãnh đạo các cơ quan nêu trên soi chiếu lại để kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm. Với từng mức độ, tính chất sao cho tương xứng. Về hình thức kỷ luật, Quy định 102-QĐ/TW của BCH Trung ương quy định về xử lý đảng viên cũng đã nêu rất rõ có 4 mức kỷ luật, đó là: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Về mặt cơ quan quản lý hành chính nhà nước thì xem xét mức độ vi phạm xử lý theo thẩm quyền của cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Trong trường hợp vi phạm pháp luật thì thẩm quyền thuộc cơ quan tư pháp xem xét, xử lý.

VƯƠNG TRẦN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-khong-con-chuyen-ha-canh-an-toan-614418.ldo