Đấu tranh ngăn chặn hoạt động khai thác hải sản trái phép

Thời gian qua, hoạt động khai thác hải sản trái phép trên vùng biển Hà Tĩnh đã giảm xuống đáng kể, tuy nhiên, vì lợi nhuận mang lại trước mắt, nên một số tàu cá vẫn cố tình vi phạm. Các đơn vị BĐBP Hà Tĩnh đã và đang tiếp tục triển khai lực lượng, phương tiện đấu tranh, ngăn chặn, quyết tâm giữ vững an ninh trật tự trên biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường và nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP gặp không ít khó khăn, thách thức.

Tổ công tác của Đồn Biên phòng Lạch Kèn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân hành nghề trên biển. Ảnh: Nguyễn Dũng

Tổ công tác của Đồn Biên phòng Lạch Kèn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân hành nghề trên biển. Ảnh: Nguyễn Dũng

Được thiên nhiên ưu đãi, vùng biển tỉnh Hà Tĩnh vốn giàu nguồn lợi hải sản, đặc biệt ở khu vực biển gần bờ có nguồn tôm, cá dồi dào. Chính vì vậy, cùng với tàu cá của ngư dân địa phương, vùng biển này thường thu hút số lượng lớn phương tiện, lao động của các tỉnh khác tham gia đánh bắt hải sản. Thời gian qua, các đơn vị của BĐBP Hà Tĩnh đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, vừa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, vừa đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Trong đó, các đơn vị đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, kiểm soát, quản lý chặt chẽ phương tiện, lao động hành nghề trên biển bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung sát thực, mang lại hiệu quả cao.

Cùng với đó, các đồn Biên phòng, Hải đội 2, BĐBP Hà Tĩnh cũng thường xuyên tổ chức luyện tập, triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi ngư dân gặp sự cố trong quá trình hành nghề. Nhờ đó, phần lớn bà con ngư dân đều chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm bám biển lao động sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế tại địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận ngư dân vì lợi nhuận trước mắt nên trong quá trình hành nghề trên khu vực biển Hà Tĩnh sử dụng kích điện, cho phương tiện hoạt động không đúng vùng biển, ngành nghề quy định... Điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi hải sản cũng như sinh kế của ngư dân đánh bắt ở vùng biển gần bờ.

Thực tế cho thấy, có nhiều vụ việc tàu giã cào công suất lớn của các tỉnh khác lén lút vào vùng biển gần bờ của Hà Tĩnh hành nghề, gây bức xúc trong nhân dân và tiềm ẩn xung đột, gây mất an ninh trật tự trên biển.

“Một số tàu giã cào công suất lớn của các địa phương khác lợi dụng đêm tối tiến vào vùng biển của xã chúng tôi để khai thác hải sản. Không một loài thủy sinh nào có thể thoát được hệ thống lưới dày đặc này, thuyền nhỏ và ngư lưới cụ của ngư dân địa phương cũng bị cuốn vào hết. Không chỉ thiệt hại về tài sản, tính mạng của chúng tôi cũng bị đe dọa” - Ông Nguyễn Văn Trung, ngư dân xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết.

Trước tình hình trên, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, các đồn Biên phòng, Hải đội 2, BĐBP Hà Tĩnh đã triển khai các biện pháp đấu tranh, xử lý các phương tiện vi phạm. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, Đồn Biên phòng Lạch Kèn đã bắt giữ 6 vụ/10 tàu cá hành nghề giã cào không đúng vùng biển quy định, xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 105 triệu đồng.

Thượng tá Trần Đức Phúc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lạch Kèn cho biết: “Hoạt động khai thác hải sản trái phép, trong đó có tàu giã cào công suất lớn hoạt động sai vùng biển quy định gây bức xúc cho ngư dân. Chúng tôi đã triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, nhưng gặp phải không ít khó khăn. Bởi các phương tiện vi phạm chủ yếu hoạt động vào ban đêm, khi chúng tôi cơ động đến khu vực tàu vi phạm, các đối tượng đã phát hiện, lập tức thay đổi lộ trình để qua mặt lực lượng chức năng. Do vậy, để bắt quả tang các phương tiện vi phạm, đơn vị đã nhiều lần trưng dụng tàu cá của ngư dân địa phương để theo dõi, hành động bất ngờ. Bên cạnh đó, việc xử phạt chủ tàu vi phạm cũng khó thực hiện, đặc biệt là đối với ngư dân địa phương, có điều kiện kinh tế khó khăn. Trong khi đó, kinh phí đảm bảo cho công tác đấu tranh với hoạt động khai thác hải sản trái phép còn hạn chế...”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lạch Kèn kiểm tra, xử lý phương tiện khai thác hải sản trái phép. Ảnh: Nguyễn Dũng

Đồn Biên phòng Cửa Sót cũng là một trong những đơn vị đấu tranh hiệu quả với hoạt động khai thác hải sản trái phép. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Vũ Phong, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót cũng cho rằng, quá trình triển khai nhiệm vụ gặp rất nhiều trở ngại. Bên cạnh những khó khăn chung, các tổ công tác của Đồn Biên phòng Cửa Sót còn đối mặt với sự chống đối quyết liệt của những lao động trên các tàu cá vi phạm. Có trường hợp, chủ tàu cá vẫn cố tình vi phạm, dù mới bị xử lý trước đó chưa lâu.

Điển hình, vào ngày 2-6, Đồn Biên phòng Cửa Sót tổ chức tuần tra trên vùng biển phụ trách, đã phát hiện, tạm giữ tàu giã cào NA90479TS do Phạm Văn Tuấn, sinh năm 1978, ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An làm chủ, đang đánh bắt thủy sản sai vùng quy định. Sau đó, ông Phạm Văn Tuấn bị xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng theo Khoản 3, Điều 21, Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Điều đáng nói là tàu giã cào NA90479TS vừa bị lực lượng liên ngành (gồm Đồn Biên phòng Thiên Cầm, lực lượng kiểm ngư và Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) truy đuổi, tạm giữ khi đang đánh bắt sai vùng biển quy định tại vùng biển Cẩm Xuyên vào ngày 20-5-2021. Chủ tàu Phạm Văn Tuấn cũng vừa thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng cách đó 5 ngày.

Có thể thấy, công tác đấu tranh với hoạt động khai thác hải sản trái phép trên vùng biển tỉnh Hà Tĩnh đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Thiết nghĩ, cùng với BĐBP, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan mới mong đẩy lùi được vấn nạn trên.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dau-tranh-ngan-chan-hoat-dong-khai-thac-hai-san-trai-phep-post440651.html