Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của địch trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Đất nước đang náo nức đón chào sự kiện chính trị trọng đại - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp diễn ra vào những ngày đầu Xuân Tân Sửu 2021. Thế nhưng, đi ngược với không khí sôi nổi ấy là sự chống phá, tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch, đưa những thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo, chống phá Ðảng, Nhà nước, hòng phủ nhận những thành quả cách mạng mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong 91 năm qua.

Pa nô chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN

Pa nô chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN

Mục đích của chúng không có gì khác là nhằm gây hoang mang trong dư luận, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng và cái đích cuối cùng là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ chính trị mà nhân dân ta đã lựa chọn.

Thủ đoạn của chúng vẫn là “bình mới, rượu cũ”: Sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện đại như: Internet, phát thanh, truyền hình, in ấn tài liệu, tờ rơi... kết hợp trong và ngoài nước, tập trung tác động vào nhận thức, tâm lý, tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bôi đen hình ảnh, thành tựu của đất nước, hình ảnh của lãnh tụ.

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực phản động, thù địch chống phá Đảng ngày càng có hệ thống, tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn rất tinh vi, chống phá toàn diện trên nhiều phạm vi, lĩnh vực, không chỉ đơn thuần về lý luận mà còn bao hàm cả các vấn đề thực tiễn. Chúng đang triệt để sử dụng mạng xã hội, hệ thống phương tiện thông tin từ bên ngoài, kết hợp với một số phần tử phản động, bất mãn trong nước xuyên tạc sự thật, đưa tin thất thiệt, trong đó, tập trung vào hai vấn đề chính là “Dự thảo văn kiện Đại hội” và vấn đề “nhân sự” Đại hội.

Nguy hiểm hơn, chúng vu cáo, xuyên tạc rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không còn kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin trên con đường đổi mới đi lên CNXH. Vậy, thực chất những luận điệu đó là gì? Có phản ánh đúng đời sống chính trị xã hội của đất nước Việt Nam hiện nay không?

Trước hết, cần khẳng định rằng, từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định lập trường, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, “kim chỉ nam” cho mọi hành động. Vậy mà, không biết chúng không hiểu hay cố tình không hiểu sự thật hiển nhiên: Từ ngày có Đảng, dân tộc Việt Nam từ một nước nô lệ, không có tên trên bản đồ thế giới, đã trở thành một đất nước hòa bình, ổn định và đang trên đường phát triển.

Để chuẩn bị cho một sự kiện chính trị trọng đại, quyết định vận mệnh dân tộc trong một giai đoạn lịch sử, Đảng ta luôn coi trọng việc xem xét, vận dụng lý luận phù hợp với tình hình thực tiễn của từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; gắn kết giữa phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại. Đây là điều mà các đối tượng phản động không mong muốn, chính vì vậy, chúng đã và đang tìm mọi cách chống phá.

Để giữ vững lập trường cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động và thù địch trước thềm Đại hội Đảng, chúng ta cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, mỗi đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở đảng phải giữ vững ý chí, lập trường tư tưởng cách mạng, nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động và thù địch. Trong đó, đáng chú ý là phải phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, cơ quan chức năng các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nắm, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, dẫn dắt quần chúng trong mọi hoạt động. Trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ, đảng viên không những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời sống cá nhân trong sáng, mà còn phải là tấm gương để nhân dân noi theo, làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.

Hai là, phát huy vai trò của cơ quan truyền thông các cấp trong việc định hướng dư luận, nhận thức tư tưởng và hành động, đấu tranh, vạch mặt âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Thường xuyên bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, tạo thế chủ động trong mặt trận đấu tranh trên internet, mạng xã hội. Với phương châm chỉ đạo công tác tư tưởng phải đi trước, đón đầu; không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá. Duy trì, tổ chức thực hiện tốt việc đấu tranh trên các phương tiện thông tin đại chúng, lấy các cơ quan báo chí làm nòng cốt để vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, đồng thời, định hướng dư luận xã hội.

Ba là, tiếp tục cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí và tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.

Từ thực trạng đó, trong thời gian qua, công tác đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, với sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, sự cố gắng của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể và nhất là vai trò của quần chúng, nhân dân. Do đó, cán bộ, đảng viên cơ bản có ý thức tự rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững phẩm chất, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh.

Bốn là, tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với dân, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tiếp tục xây dựng và tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn dân.

Nâng cao cảnh giác, đấu tranh, phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt những vấn đề cơ bản trên sẽ góp phần ngăn chặn có hiệu quả, giảm tác hại từ những luận điệu xuyên tạc, hành động của các thế lực thù địch, phản động trên các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Đảng ta chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII vào những ngày đầu Xuân Tân Sửu 2021.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đăng Hiến

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dau-tranh-lam-that-bai-moi-am-muu-chong-pha-cua-dich-truoc-them-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-post436804.html