Đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng: Phát huy sức mạnh các mũi giáp công

Thời gian qua, tại các địa phương, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn. Thực trạng này đã gióng lên nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán đang đến gần. Đây cũng là thời điểm nhu cầu mua sắm, tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao.

Diễn biến phức tạp

Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, thời gian nghỉ Tết kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước với hàng triệu lượt khách tham dự. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát…

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu của mình. Song, vì lợi nhuận trước mắt, nhiều hộ kinh doanh đã lựa chọn buôn bán thực phẩm bẩn, bất chấp sự an toàn của người tiêu dùng.

Tăng cường kiểm tra đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng

Tăng cường kiểm tra đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 tháng năm 2019, số vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức cao, số tiền phạt các vi phạm liên quan đến lĩnh vực thực phẩm lên tới hơn 6,1 tỷ đồng. Cùng với việc xử phạt, hàng trăm cơ sở, công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm sai phạm nghiêm trọng cũng bị Cục An toàn thực phẩm ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh.

Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhưng tình trạng vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn vẫn chưa có dấu hiệu “nguội” đi. Điển hình, như vụ vận chuyển tóp mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa được phòng Cảnh sát Cơ động (Công an thành phố Hà Nội) phát hiện mới đây.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, chiều ngày 4/11/2019, tổ công tác Đội Cảnh sát Giao thông Đường sắt - Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an thành phố Hà Nội) làm nhiệm vụ tuần tra trên tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển thì phát hiện xe tải BKS 29H-099.01 di chuyển trên đường Ngọc Hồi hướng đi Thường Tín có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác phối hợp với Đội Cảnh sát Giao thông trật tự - Công an huyện Thanh Trì tiến hành dừng xe để kiểm tra. Lực lượng chức năng phát hiện trên thùng xe có nhiều bao tải chứa tóp mỡ động vật.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng trên.Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản bàn giao vụ việc cùng số hàng hóa trên về Công an huyện Thanh Trì để tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào tháng 2, trinh sát Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Đội quản lý Thị trường số 17 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) và Công an huyện Đông Anh tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh, chế biến sản phẩm động vật của ông Nguyễn Hữu Doanh (SN 1968, ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh). Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện cơ sở này đang hoạt động bình thường và các công nhân tại cơ sở đang ngâm tẩm ô-xi già (dùng để vệ sinh dụng cụ y tế) vào hàng tạ thịt, tai lợn để chế biến bán ra thị trường.

Làm việc với lực lượng chức năng, ông Doanh khai nhận số thịt, tai lợn trên được cơ sở thu mua tại các lò mổ trên địa bàn huyện, sau đó mang về ngâm ô-xi già rồi tiếp tục quay vòng, đem đến các chợ trên địa bàn bán lẻ và bán sỉ cho ra tỉnh lân cận. Quá trình kiểm tra, cơ sở này không có giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Mặc dù vậy, cơ sở này hoạt động đã được 5 năm và mỗi ngày ông Doanh “chế biến” hàng tạ sản phẩm động vật bán ra thị trường mà không bị cơ quan chức năng “hỏi thăm”.

Cách đó không lâu, vào đầu tháng 1/2019, lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an thành phố Hà Nội, kiểm tra kho hàng ở số nhà 11, ngách 9, ngõ 178 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, phát hiện hàng trăm hộp bánh, kẹo, thực phẩm đông lạnh do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Qua đấu tranh bước đầu, chủ hàng khai nhận mua toàn bộ số hàng trôi nổi trên thị trường. Cách đó không lâu, lực lượng liên ngành (Phòng An ninh kinh tế, Đội Cảnh sát Giao thông số 14 và Đội Quản lý thị trường số 11) phối hợp kiểm tra một xe tải trên địa bàn huyện Sóc Sơn, phát hiện chở hơn 2,3 tấn bánh kẹo do nước ngoài sản xuất không rõ chất lượng, được cất giấu lẫn vào lô hàng thiết bị vệ sinh.

Những vụ việc và con số trên là minh chứng rõ nét về tình hình vi phạm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, dịp cuối năm, nhu cầu người tiêu dùng tăng cao, thị trường cũng đẩy mạnh nguồn cung thực phẩm, và đây cũng là “cơ hội” để các sản phẩm nhập lậu gia tăng.

Tăng cường quản lý

Có thể thấy, vào dịp cuối năm, tình trạng thực phẩm bẩn thừa dịp trà trộn, len lỏi được đưa vào thị trường bán cho người tiêu dùng. Trước sự “đổ bộ” của những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, khiến cho nhiều người tiêu dùng vô cùng e ngại về vấn đề vệ sinh, an toàn. Đây cũng là thời điểm vàng và trở thành mảnh đất màu mỡ cho lĩnh vực kinh doanh thực phẩm sạch lên ngôi. Tuy nhiên, thực phẩm gọi là sạch nhưng thực sự sạch chưa thì chỉ có người bán mới biết.

Theo cơ quan công an, đến hẹn lại lên, vào những tháng cuối cùng của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội, trong 9 tháng năm 2019, toàn thành phố đã thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Đoàn đã thực hiện kiểm tra 102.595 lượt cơ sở, tiến hành xử phạt 5.819 cơ sở với số tiền hơn 23 tỷ đồng. Cùng với đó, công an Thành phố Hà Nội đã phát hiện 2.485 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính 2.485 vụ, thu nộp ngân sách hơn 8,2 tỷ đồng, đồng thời khởi tố 3 vụ với 5 đối tượng sản xuất hàng giả, kém chất lượng.

Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội, trong 9 tháng năm 2019, toàn thành phố đã thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Đoàn đã thực hiện kiểm tra 102.595 lượt cơ sở, tiến hành xử phạt 5.819 cơ sở với số tiền hơn 23 tỷ đồng. Cùng với đó, công an Thành phố Hà Nội đã phát hiện 2.485 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính 2.485 vụ, thu nộp ngân sách hơn 8,2 tỷ đồng, đồng thời khởi tố 3 vụ với 5 đối tượng sản xuất hàng giả, kém chất lượng.

Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, thành phố cũng tăng cường công tác xét nghiệm, kiểm tra chất lượng thực phẩm an toàn. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2019, thành phố đã lấy 3.829 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại labo xét nghiệm. Kết quả, có 3.586 mẫu thực phẩm đạt tiêu chuẩn chiếm 93,7%. Qua kiểm tra cho thấy điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thủ đô đã được các ngành, các quận, huyện, thị xã quản lý tương đối tốt.

Tuy nhiên, đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ vẫn khó để đạt yêu cầu theo quy định. Bên cạnh đó còn tồn tại một bộ phận người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận đã vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ…

Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, thành phố luôn xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nội dung tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt đối với cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Thông tin kịp thời về thực trạng an toàn thực phẩm, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hệ thống phát hiện, điều tra, giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn. Khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm... ưu tiên nhập và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dau-tranh-chong-hang-gia-hang-kem-chat-luong-phat-huy-suc-manh-cac-mui-giap-cong-99605.html