Đau thương nằm lại bản nghèo bị cả vạt đồi san phẳng

Bố mất con, chồng mất vợ, toàn bộ tài sản bị chôn vùi... để lại buồn đau ở bản nghèo thuộc huyện Sìn Hồ (Lai Châu), nơi 5 người thiệt mạng, mất tích do lũ cuốn trôi.

Noong Hẻo ngày cuối tháng 6, những cơn mưa rừng vẫn ầm ầm đổ xuống không ngớt. Xã nghèo có 15 thôn của huyện Sìn Hồ này là nơi vừa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về người và tài sản do trận mưa lũ kéo dài từ ngày 23 đến 25/6 vừa qua.

Tai họa giáng xuống làm một vạt đồi cao hàng chục mét nứt nẻ, ùn ùn đổ xuống, cuốn phăng 3 lán trại của người dân, san phẳng một vùng. 5 người dân đi làm rẫy trú mưa trong lán cũng bị cuốn mất tích, toàn bộ tài sản của họ cũng bị nhấn chìm trong hàng nghìn khối đất đá, bùn lầy.

Bản nghèo tang tóc khi 5 người bị mất tích 5 người thuộc 3 hộ gia đình bản Nậm Há 1 (xã Noong Hẻo, Sìn Hồ, Lai Châu) bị vùi lấp do sạt lở đất. Sau 3 ngày tìm kiếm, chỉ một thi thể được tìm thấy.

3 ngày cô lập do núi sạt lở

Để vào trung tâm xã thuộc phía bắc của huyện Sìn Hồ này chỉ có hai con đường, một từ TP Lai Châu vượt hơn 100 km dọc theo huyện lộ 5 qua Nậm Tăm đi lên. Đường khác, phải đi về Phong Thổ rồi ngược lại Noong Hẻo.

Những ngày mưa lũ cả hai con đường đều bị chia cắt do sạt lở đất. Muốn vào tận bản Nậm Há 1, nơi có 5 người mất tích do lũ cuốn, con đường duy nhất là lội bộ băng rừng hàng giờ.

Phóng viên Zing.vn được ông Lò Văn Bở (54 tuổi), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, dẫn đường. Con đường núi dài hơn 3 km từ trung tâm xã vào tận bản nay nát bấy, trơn trượt, chỉ toàn là bùn đất, ngổn ngang cây cối.

Vừa đi ông Bở vừa thở dài: “Dân đây khổ quá rồi, mưa lũ cuốn cả người lẫn tài sản, không biết rồi sẽ phải sống thế nào nữa”.

Người lính già cho biết hơn 30 năm nay ông mới lại chứng kiến cảnh lũ lụt, sạt lở đất kinh hoàng như vậy. Với ông hình ảnh trận lũ ống và sạt lở đất khiến 5 người trong bản mất tích mãi là nỗi ám ảnh lớn nhất cho đến khi chết.

“5 người mất tích trong 3 gia đình, họ đều là họ hàng ruột thịt và bị nước cuốn khi đi làm rẫy. Gia đình khổ lắm, người mất chưa tìm thấy, lúa thóc, lợn gà, con trâu trên lán cũng bị trôi hết”, ông Bở ngậm ngùi.

Phút sinh tử bố mất con, chồng mất vợ

Giữa bản Nậm Há 1 là ngôi nhà của anh Lò Văn Xanh, người vừa có vợ và đứa con trai 14 tuổi mất tích vì lũ cuốn. Không may mắn như anh trai khi tìm thấy thi thể con, 3 ngày nay dấu tích người vợ tên Lò Thị Đấng và con trai Lò Văn Dũng (14 tuổi) vẫn chưa tìm thấy, liệu rằng có còn nguyên vẹn hay không anh vẫn chưa biết.

Người đàn ông mới ngoài 30 với hai gò má hốc hác, đôi mắt thâm quầng do thiếu ngủ, đôi chân rách tươm vì leo rừng tìm nơi vợ và con nằm lại. Bàn tay chai sạn càng thô ráp, khô cứng hơn vì phải bới móc bùn đất nhiều ngày với một hy vọng mong manh.

Phía góc nhà sàn nơi Xanh đặt bàn thờ tạm cho vợ và đứa con xấu số vẫn nghi ngút hương khói.

Nhiều ngày nay, người chồng trẻ mất cả vợ và con trai lại mang chiếc túi có chăn, tấm bạt mỏng, chai nước, tay cầm hai thanh tre nhỏ lội khắp bãi bùn đất do núi lở ném que cầu mong thần linh chỉ cho vị trí vợ và con anh đang nằm để anh có thể đưa họ về nhà. Nhưng cả một ngày, đôi tay thanh niên này đã mỏi, đôi chân rã rời nhưng vẫn không có kết quả.

Hôm vợ và con lên rẫy làm việc thì bị lũ cuốn, lúc ấy anh đi làm đất gieo mạ ở cánh đồng khác. 14h20 ngày 24/6, hai vợ chồng còn gọi điện cho nhau, nghe vợ bảo mưa lớn, bùn đất từ trên núi sạt xuống làm tắc đường mương dẫn vào ruộng nên hai mẹ con ra đào thông bãi đất chèn vào ruộng.

“Mình bảo vợ mưa lớn thì vào lán trại tránh đi, sau rồi làm. Một tiếng sau gọi lại cho vợ thì không được. Nghe tin vợ con bị lũ cuốn, ban đầu tôi không tin. Tôi chạy về nhưng nước suối dâng cao, chảy xiết nên không qua được”, giọng anh Xanh chùng xuống, nấc nghẹn.

Con suối Khu Huối Muông thường ngày hiền hòa nay trở nên hung dữ, nước đổ ầm ầm. Ngày mai, anh Xanh lại vào khu vực này lật từng viên đá, đào từng mét đất, bãi bùn mong tìm tung tích người xấu số đang nằm một góc nào đó trong bãi bùn đất rộng hàng chục mét, dài hàng cây số.

Mất chồng, mất bố, mất em vì lở đất

Hơn 30 năm dân bản Nậm Há 1 mới lại chua xót về những cái chết đầy ám ảnh, họ đau xót cho gia đình anh Thâng, anh Xanh mất con, mất vợ do lũ bao nhiêu thì xót xa hơn cho số phận chị Lò Thị Tươm (24 tuổi) hơn gấp ngàn lần.

Cô gái 24 tuổi này vừa mất đi bố cùng cô em gái 10 tuổi trong đợt lũ vừa xảy ra và có một hoàn cảnh khi nhắc đến ai cũng không thể kìm lòng.

Lúc sinh con, chị Tươm gọi điện thông báo cho chồng nhưng điện thoại không liên lạc được. Chồng chị đã mất ít phút trước do sạt lở đất khi khai thác vàng ở Quảng Nam.

Lúc sinh con, chị Tươm gọi điện thông báo cho chồng nhưng điện thoại không liên lạc được. Chồng chị đã mất ít phút trước do sạt lở đất khi khai thác vàng ở Quảng Nam.

Tươm, ông cậu và bà nội thất thần trong căn nhà rách nát.

Căn nhà nhỏ cuối bản Nậm Há 1, từng là tổ ấm đầy đặn của gia đình Tươm, nhưng nay chỉ còn Tươm và đứa con trai 7 tháng tuổi. Ngày con chào đời cũng là lúc chồng chị bị núi lở vùi lấp khi làm phu vàng tận Quảng Nam. Ngày con chào đời cũng là lúc thi thể bố nó được đưa từ nơi đất khách quê người về Noong Hẻo chôn cất.

Mất chồng chưa lâu mẹ Tươm lại đi tù vì bị người lạ lừa vận chuyển thuốc lá nhưng bên trong lại là ma túy. Em trai Lò Văn Tươi kể chị cũng đi tù 7 năm vì lỡ tay đánh chết người.

Và khi con trai mới 7 tháng tuổi, bố Tươm là Lò Văn Phin (50 tuổi) cùng em gái 10 tuổi Lò Thị Tăm lại bị núi lở chôn vùi dưới bùn đất nhiều ngày vẫn chưa tìm thấy.

“Sáng 24/6, mình cùng bố và em gái vào rẫy cấy lúa. Đến trưa thì về trước vì có con nhỏ, khoảng 14h30 bố điện bảo mưa lớn làm núi lở mạnh lắm nên chưa thể về và không biết chạy đi đâu. Đang nói rồi máy bố tắt, chị gọi lại thì không được”, chị Tươm nhớ lại.

Khoảng 15h, nghe mọi người báo bố và em gái bị lũ cuốn mất tích, chị ngất đi và như thể không còn sống nổi.

Tươm trở thành người chịu bất hạnh lớn nhất của cả làng.

'Tôi cố gọi nhưng con không trả lời'

Mấy ngày nay, căn nhà sàn nằm giữa bản Nậm Há của anh Lò Văn Thâng (36 tuổi) trở nên đông hơn vì sự có mặt đầy đủ của người thân, họ hàng, chòm xóm đến thăm hỏi. Họ đến hỏi thăm, chia buồn vì con trai Lò Văn Kiếm (15 tuổi) mất tích do sạt lở đất.

Trên khuôn mặt đen sạm, đôi mắt thâm quầng do thiếu ngủ, anh Thâng không giấu nổi giọt nước mắt. Anh trách bản thân đã không thể cứu con trai khi lũ tràn về.

6 năm trước, vợ chồng anh vào rừng dựng lán, phớ đất làm trang trại. Chiếc lán đơn sơ giữa rừng cách chân núi chừng 100 m, bên dưới là con suối Khu Huôi Móng hiền hòa. Anh Thâng cùng vợ và các con làm ruộng, nuôi trâu bò, lợn gà.

Nhắc đến đứa con trai xấu số, hai dòng nước mắt anh Thâng cứ lã chả rơi. "Trưa 24/6, tôi bảo Kiếm đi chăn trâu. Khoảng 14h, nó gọi điện bảo bố núi lở làm sạt hết vào ruộng lúa bảo tôi qua xem. Tới nơi thấy con dính mưa ướt nhẹp, tôi bảo đi tắm, thay quần áo nhưng đừng có ngủ vì nếu sạt lở nhiều thì còn gọi bố", anh nhớ lại.

Biết vợ và con bị lũ cuốn nhưng nước suối to không về được "Nghe tin vợ và con trai bị núi sạt lở, nước lũ cuốn mất tích, tôi chạy về nhưng nước suối dâng cao, chảy xiết nên không làm sao về được", anh Xanh nhớ lại.

Nói rồi người bố đi ra cách đó khoảng 500 m để tìm cách khơi mương nước bị đất sạt vào. Được một lúc, một tiếng nổ lớn đánh ầm một cái rồi nửa quả núi đổ ầm ầm về phía lán.

Trong tích tắc, dòng bùn đất khổng lồ đổ xuống san phẳng hết cả một khu rộng lớn.

“Tôi gọi lớn để xem con có thoát ra được không nhưng tất cả đều lặng im, không có tiếng động gì. Biết không thể nào cứu được nữa nên tôi chạy về nhà gọi anh em, họ hàng ra tìm kiếm”, anh chùng giọng.

Khơi suối, mở đường tìm người bị vùi lấp

Hiện trường nơi 5 nạn nhân bị bùn đất vùi lấp do sạt lở núi, phải đi bộ băng rừng nhiều giờ liền. Ông Lò Văn Bở chuẩn bị cho phóng viên Zing.vn đôi ủng cao đến đầu gối rồi dẫn vào tận nơi vì không thể đi dép hay chân đất.

"Đường rừng khó đi, trơn lắm nên phải đeo ủng vào cho đỡ ngã. Không được đi xa tôi quá kẻo lạc, dưới có vực sâu nên phải cẩn thận", ông Bở căn dặn trước khi đi.

Con đường rừng vượt từng quả đồi đã khó đi nay càng khó hơn khi cơn mưa rừng ào ào đổ xuống khiến chúng càng trơn trượt.

Leo qua 3 ngọn đồi dựng đứng nhóm phóng viên Zing.vn mới đến được chân núi nơi vừa sạt lở chôn vùi 5 nạn nhân. Suối Khu Huối Muống nay chỉ là bùn đất và những tảng đá to bằng nửa gian nhà nằm chênh vênh bên bờ suối.

Thiếu tá Nguyễn Anh Sơn, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 880, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu cho biết đã huy động hơn 30 chiến sĩ phối hợp cùng lực lượng công an, cảnh sát cơ động và địa phương cứu hộ, tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

"Lượng đất đá do sạt lở núi quá lớn, bùn lại nhão do mưa nữa nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Khu vực sạt lở có bùn sâu từ 3-5 m, rộng hơn 40 m và dài hàng cây số nên cơ hội tìm thấy là rất mong manh", thiếu tá Sơn nói.

Hơn hai ngày tìm kiếm không phát hiện được gì, đến ngày thứ ba, linh tính người bố giúp anh Lò Văn Thâng tìm thấy con trai (Lò Văn Kiếm) dưới lớp bùn non sâu hơn 50 cm. Thi thể nạn nhân bị vùi lấp dưới lớp đất đá ngay cạnh con suối, cách lán trại gia đình chừng 200 m.

4 người khiêng thi thể phải hỗ trợ lẫn nhau vì bãi bùn non liên tục sụt lún, kéo chân người đi xuống tận bắp đùi.

Sáng 28/6, một ngày sau khi thi thể được tìm thấy, anh Lò Văn Thâng cùng người thân, chòm xóm đưa linh cữu con trai Lò Văn Kiếm (15 tuổi) về với đất mẹ. Con đường từ nhà tới nghĩa trang chỉ chừng 2 km trở nên dài hơn bao giờ hết.

Chiếc quan tài nhỏ bằng gỗ được đóng vội được người dân khiêng trên vai dọc theo con đường bê tông quanh bản vừa bị lũ cuốn chỗ đứt, chỗ lành. Đoàn người đi băng qua con suối nước đến đầu gối, đục ngầu, ầm ầm đổ xuống tưởng như không thể qua.

Con đường từ nhà về bãi nghĩa trang của bản giờ cũng dài và lạnh lẽo, đau thương như lúc Kiếm được tìm thấy và đưa từ rừng, nơi cậu thiếu niên bị đất đá vùi lấp mất tích nhiều ngày.

Những thủ tục ma chay được anh Thâng cùng bà con chòm xóm lo liệu đầy đủ cho người xấu số. Họ tự nhủ Kiếm rồi sẽ lại ra đời, sống cuộc sống tốt hơn, khỏe mạnh hơn ở một nơi khác.

Việt Hùng - Phạm Trường

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dau-thuong-nam-lai-ban-ngheo-bi-ca-vat-doi-san-phang-post855510.html