Dầu thô thế giới lao dốc xuống vùng giá thấp nhất trong năm 2022

Giá của các mặt hàng dầu thô đều giảm phiên thứ hai liên tiếp, và gần như xóa sạch mọi sự tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay. Diễn biến của phiên ngày 6/12 có phần tương tự với diễn biến của phiên ngày thứ hai khi giá đi ngang trong phần lớn thời gian của ngày và giảm mạnh kể từ phiên tối.

Giá dầu thô WTI tiếp tục giảm 3,48% về 74,25 USD/thùng, giá dầu thô Brent đánh mất mốc 80 USD, giảm 4,05% còn 79,35 USD/thùng

Giá dầu thô WTI tiếp tục giảm 3,48% về 74,25 USD/thùng, giá dầu thô Brent đánh mất mốc 80 USD, giảm 4,05% còn 79,35 USD/thùng

Kết thúc phiên ngày 6/12, giá dầu thô WTI tiếp tục giảm 3,48% về 74,25 USD/thùng, giá dầu thô Brent đánh mất mốc 80 USD, giảm 4,05% còn 79,35 USD/thùng.

Một mặt, giá chịu sức ép bởi các thông tin tiêu cực đến từ báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Cụ thể, sau nhiều tháng cắt giảm, cơ quan này đã nâng dự báo sản lượng dầu vào năm tới, lên mức trung bình 12,34 triệu thùng/ngày, vượt qua cả mức kỷ lục 12,31 triệu thùng/ngày được thiết lập vào năm 2019.

EIA cũng cho biết, dự trữ dầu toàn cầu dù giảm 0,2 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2023 (1H23), nhưng sẽ tăng gần 0,7 triệu thùng/ngày trong 6 tháng cuối năm. Điều này đồng nghĩa với việc, dự trữ dầu toàn cầu vào cuối năm 2023 cao hơn so với so với số liệu của báo cáo STEO tháng 11. EIA cũng ước tính giá dầu thô Brent trong năm tới là 92 USD/thùng, thấp hơn 3 USD/thùng, so với con số của tháng trước .

Dự báo này có thể giúp dập tắt lo ngại rằng sản lượng dầu từ các mỏ đá phiến của Mỹ, một trong số ít các nguồn cung có khả năng tăng trên toàn cầu. Theo số liệu của Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu tăng khoảng 30% từ đầu năm đến nay, khi các nhà sản xuất dầu đá phiến đã mở rộng hoạt động với tốc độ thận trọng.

Báo cáo tháng 12 của EIA cũng nhấn mạnh vào những rủi ro vĩ mô, và cũng là một yếu tố khác thúc đẩy sức bán mạnh trên thị trường dầu trong phiên hôm qua.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu chung một sức ép liên thị trường, khi nhiều tài sản tài chính như chứng khoán, hay cả các mặt hàng kim loại quý đều bị "bán tháo" trước lo ngại về động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các nhà đầu tư tiến hành cắt giảm bớt các vị thế dầu thô để giảm thiểu rủi ro trong danh mục.

Sáng 7/12, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của nước này giảm 6,43 triệu thùng và cũng là tuần thứ tư liên tiếp giảm. Thông tin này có thể hỗ trợ giá phục hồi vào phiên sáng.

Đến ngày 15/11, lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã tăng 10%, giá trị xuất khẩu tăng mạnh 36% so với năm 2021.

Xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Biến động cùng chiều giá cà phê thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng 7/12, giá thu mua cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng 200 đồng/kg, dao động quanh mức 40.700-41.300 đồng/kg.

Theo Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tính trong 15 ngày đầu tháng 11, cả nước xuất khẩu 55.400 tấn cà phê, trị giá 134,4 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê tăng 42% về lượng và tăng 48% về giá trị.

Lũy kế từ đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 1,48 triệu tấn, tương đương kim ngạch 3,4 tỷ USD. Như vậy, đến ngày 15/11, lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã tăng 10%, giá trị xuất khẩu tăng mạnh 36% so với năm 2021.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/dau-tho-the-gioi-lao-doc-xuong-vung-gia-thap-nhat-trong-nam-2022-102221207082315614.htm