Đấu thầu qua mạng: Vì sao vẫn tắc?

Tại Diễn đàn Đấu thầu qua mạng sáng 8/8, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, dù triển khai đấu thầu qua mạng (ĐTQM) mang lại nhiều lợi ích về kinh tế song đến nay mới chỉ có 18% gói đấu thầu được thực hiện qua mạng.

Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn.

Tiến tới 100% đấu thầu qua mạng

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được tích hợp tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn/. Đến nay đã có 23.000 bên mời thầu và 72.000 nhà thầu đăng ký trên hệ thống. Riêng 7 tháng đầu năm 2018, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng là 8.900 gói, hơn cả số lượng gói thầu điện tử trong cả năm 2017 là 8.200 gói. Các tỉnh đi đầu trong thực hiện là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Sơn La.

Đối với các dự án của WB, 80% vốn các dự án chúng tôi tài trợ là áp dụng đấu thầu cạnh tranh trong nước. Chúng tôi khuyến khích các DN của Việt Nam tham gia Hệ thống và tìm cơ hội tham gia các gói thầu của chúng tôi. WB sẽ hỗ trợ Bộ KH&ĐT nâng cấp hệ thống và cần có chế độ khuyến khích để hỗ trợ nhà thầu tham gia vào hệ thống này, có phương thức giới thiệu, giải thích để nhà thầu làm quen và sử dụng hệ thống ĐTQM.
Chuyên gia WB tại Việt Nam Adu Gyamfi Abunyewa

Dù vậy, kết quả đạt được so với mục tiêu đặt ra vẫn rất khiêm tốn. Đến nay mới chỉ có 18% gói thầu được thực hiện qua mạng trong khi Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, 70% số lượng gói thầu trong phạm vi Luật Đấu thầu phải thực hiện thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; 100% các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng và 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện thông qua hệ thống. Số liệu của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), qua 3 năm triển khai ĐTQM, theo lộ trình quy định trong số 119 cơ quan thực hiện công tác đấu thầu thì còn 41 cơ quan chưa thực hiện gói thầu ĐTQM nào.
ĐTQM mang lại cơ hội kinh doanh không giới hạn; Đơn giản và thuận tiện; Tiết kiệm chi phí, nhân sự, thời gian…. “Nhà thầu có thể giảm các chi phí ít nhất 3 - 5% tùy mỗi gói thầu khi tham gia ĐTQM” - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế tạo Điện cơ Hà Nội Hà Tiến Lực chia sẻ về những lợi ích mà ĐTQM mang lại. Còn Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La Hà Ngọc Châu cho hay, có những gói ĐTQM giảm đến 9,5% mà hiệu quả chất lượng công trình vẫn đảm bảo tốt. Trong khi tại Hà Nội nhờ triển khai mua sắm tập trung tiết kiệm gần 400 tỷ đồng.
“Giá trị lợi ích rõ ràng thế mà các bên lại không chịu tham gia. Rất nhiều địa phương quan ngại khó, nhưng một tỉnh miền núi như Sơn La còn làm tốt thì các tỉnh khác phải đặt câu hỏi tại sao lại không tham gia?”- Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu Nguyễn Đăng Trương đặt vấn đề. Vì vậy, thay đổi nhận thức là rất quan trọng.
Làm sao ứng dụng minh bạch nhất
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng Trần Văn Sơn, Đà Nẵng đưa ra danh mục và yêu cầu bắt buộc ĐTQM trong thời gian qua, đặt mục tiêu thực hiện cao hơn con số Thủ tướng yêu cầu. Sắp tới, Đà Nẵng hy vọng rút ngắn được thời gian thực hiện so với lộ trình được đưa ra. Tuy vậy, ông Sơn cũng kiến nghị Hệ thống đấu thầu nên mở rộng các hình thức mới để tăng cường minh bạch, loại bỏ các tiêu cực để việc thực hiện không phải là hình thức.
Đồng quan điểm, Chuyên gia Đấu thầu Cao cấp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Alexander Fox cho rằng, cần mở với nhiều lĩnh vực, nhiều mặt hàng và mở rộng ra phạm vi ngoài nước. Bên cạnh đó, nâng trách nhiệm giải trình cho các bên liên quan, trong hệ thống ĐTQM, tất cả các hành động đều được ghi lại theo dõi minh bạch. Giảm được những thông tin không chính xác, hồ sơ giả….
Ông Nguyễn Đăng Trương cho hay, tới đây việc thực hiện sẽ không chỉ là đưa thông tin thuần túy lên mạng mà sẽ thông tin chiều sâu hơn, tốt hơn. Ví dụ như thông tin dữ liệu về nhà thầu, lịch sử quá trình thực hiện hợp đồng như thế nào, năng lực tài chính… phải khai đúng, khai đủ để có thể chấm thầu ngay trên môi trường mạng. Và sẽ có cơ quan giám sát là Bộ KH&ĐT trên phạm vi toàn quốc, còn tại các địa phương là Sở KH&ĐT. “Nếu DN nào khai man thì sẽ bị các nhà thầu cạnh tranh khác bóc trần với cơ quan chức năng, rồi các hiệp hội, các bên liên quan sẽ giám sát lẫn nhau. Khi thông tin công khai minh bạch các nhà thầu sẽ đỡ khiếu nại” - ông Trương nói.
Bên cạnh xây dựng môi trường, khuôn khổ pháp lý, Cục Quản lý Đấu thầu đang xây dựng, phát triển hệ thống mới bổ sung nhiều tính năng. Công nghệ hiện tại đang sử dụng ngoài lưu trữ phần cứng tiến tới sẽ quản lý trên Icloud (dịch vụ lưu trữ và điện toán đám mây), làm sao để ứng dụng đấu thầu qua mạng minh bạch nhất.

Chính phủ có rất nhiều chính sách phát triển ứng dụng thương mại điện tử trong đó có ĐTQM. Cục Tin học hóa đang phát triển về mặt ứng dụng công nghệ thông tin. Sắp tới, DN chỉ cần gõ mã số đăng ký kinh doanh lên mạng sẽ có đầy đủ bộ hồ sơ thông tin về DN mà không cần phải in ấn nhiều.

Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT Nguyễn Hữu Hạnh

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dau-thau-qua-mang-vi-sao-van-tac-322682.html