Đấu sĩ nhí Muay Thái: Miếng ăn đổi bằng máu và nước mắt

Nằm trên chiếu tre, Supattra Inthirat mắt nhắm nghiền để bố xoa dầu và bạc hà lên hai cánh tay 'cứng như đá' vì khổ luyện. Cô gái 12 tuổi chuẩn bị cho lần thượng đài thứ 15. Supattra Inthirat chăm chú lắng nghe những lời cầu nguyện mà bố em đang thì thầm vào tai.

Trẻ em nhỏ tuổi thi đấu Muay Thái không mang các thiết bị bảo hộ và có thể gặp những chấn thương nguy hiểm

Trẻ em nhỏ tuổi thi đấu Muay Thái không mang các thiết bị bảo hộ và có thể gặp những chấn thương nguy hiểm

Đánh đổi tuổi trẻ và sức khỏe

"Con bé sẽ trở thành nhà vô địch. Nó phải tập luyện từ sớm để phát triển xương cốt", ông chia sẻ.

Đón chờ đấu sĩ nhí mang biệt danh "Bánh kếp" sẽ là võ đài được bao quanh bởi hơn 400 khán giả đầy phấn khích, ánh đèn halogen rực rỡ, và quan trọng nhất là giải thưởng tương đương 60 USD. Chỉ cần một trận đấu, em có thể mang về cho gia đình số tiền bằng nửa thu nhập cả tháng của người dân tại vùng quê nghèo.

Khắp xứ sở chùa Vàng, muay Thái trở thành "động lực phát triển" đối với mọi thành phần xã hội, bất kể giàu nghèo.

Supattra Inthirat, nữ đấu sĩ 12 tuổi, đang dồn đối thủ vào góc võ đài

Đối với những gia đình nghèo như trường hợp của Inthirat, môn võ cổ truyền là công cụ giúp họ leo đến những bậc thang cao hơn của xã hội. Hàng nghìn đấu sĩ nhí đánh đổi tuổi trẻ và sức khỏe mỗi ngày, đổ mồ hôi và máu trên võ đài, ước mơ đưa gia đình mình vào tầng lớp trung lưu với một cuộc sống khấm khá hơn.

Còn đối với giới nhà giàu, sàn đấu được biến thành sòng bạc để họ kiếm thêm hoặc nướng sạch hàng nghìn USD mỗi đêm.

Một ngày giữa tháng 11/2018, hai nửa thế giới lại gặp nhau ở phía nam Bangkok, để rồi bi kịch xảy đến. Anucha Tasako, đấu sĩ nhí 13 tuổi, gục ngã trên võ đài sau một pha knock-out. Em bị xuất huyết não và tử vong hai ngày sau dù đã được đưa ngay đến bệnh viện địa phương để điều trị.

Video ghi lại trận đấu cho thấy Anucha nhận ít nhất năm cú đánh hiểm hóc vào đầu. Em không đội mũ bảo hiểm. Trọng tài cố dừng đối thủ của em trong men say bạo lực. Nhưng mọi việc đã quá muộn. Những hé lộ về sự nghiệp của Anucha sau đó khiến cả Thái Lan bàng hoàng. Đấu sĩ nhí thượng đài từ năm tám tuổi. Sau gần năm năm, em thi đấu 174 trận.

Xứ sở chùa Vàng giờ đây đứng trước câu hỏi lương tri: Liệu họ nên cấm các trận đấu muay Thái với đấu sĩ là trẻ em, và cùng với đó là "ngành công nghiệp" đánh bạc tồn tại ngầm hàng chục năm qua, hay không?

Ông Adisak Plitponkarnpim, giám đốc Trung tâm Chống chấn thương và Thúc đẩy an toàn cho trẻ em, bệnh viện Ramathibodi, cho biết trung bình mỗi trận đấu các đấu sĩ nhí chịu ít nhất 40 chấn động nguy hiểm vào đầu.

"Đây là hình thức xâm hại và bóc lột lao động trẻ em", tiến sĩ Jiraporn Laothamatas, bác sĩ thần kinh học dẫn đầu chiến dịch kêu gọi cấm tổ chức thi đấu kickboxing trẻ em, nhấn mạnh.

Hồi tháng 11/2018, Laothamatas công bố một nghiên cứu kéo dài bảy năm cho thấy tác động của các trận đấu muay Thái lên não bộ của trẻ em. Chỉ số IQ (chỉ số thông minh) và các chức năng hoạt động não bộ của các đấu sĩ nhí giảm dần theo thời gian thi đấu.

Nghiên cứu công bố hồi tháng 10/2018 của bác sĩ Witaya Sungkarat, làm việc tại bệnh viện Ramathibodi, Bangkok, cũng cho thấy những đấu sĩ nhí thường gặp các chấn thương não không thể hồi phục được.

"Những đứa trẻ này đang phải lao động kiếm tiền. Các em phải nuôi sống gia đình và cả những ông bầu bằng từng trận thắng. Chúng ta đang hủy hoại con trẻ để giải trí", bà Laothamatas lên án.

Có nên cấm trẻ dưới 12 tuổi?

Cái chết của Anucha Tasako đã làm rúng động cả nước. Những nhà lập pháp hàng đầu Thái Lan đề xuất chính phủ thông qua những giới hạn nghiêm ngặt hơn nữa trong thi đấu muay Thái, đồng thời cấm tổ chức thi đấu chính thức cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Quốc hội Thái Lan trong năm nay đang cân nhắc một dự luật cấm trẻ em dưới độ tuổi trên tham gia thi đấu, được đệ trình bởi Cơ quan Thể thao Thái Lan (SAT).

Tuy nhiên sau cái chết gây tranh cãi của Anucha, Bộ trưởng Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan Weerasak Kowsurat ngày 18/11 cho biết chính phủ và quốc hội cùng chia sẻ quan điểm cần hạ thấp hơn nữa độ tuổi tối thiểu cho thi đấu muay Thái. Ông tự tin rằng dự luật sẽ được thống nhất nhanh chóng và phê duyệt trong tháng 12/2018.

"Điều này có thể hủy diệt muay Thái. Chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào các biện pháp phòng ngừa (tổn thương) thay vì đẩy trẻ em ra khỏi môi trường luyện tập. Chúng đang thi đấu cho chính cuộc đời của mình", Sudhichai Chokekijchai, một bác sĩ chuyên điều trị cho các đấu sĩ ở Bangkok và ủng hộ thi đấu muay Thái, lại “phản pháo” những ý định trên.

Tại Thái Lan, võ sĩ muay Thái trên 15 tuổi mới được phép đăng ký thi đấu chính thức. Tuy nhiên, với những đấu sĩ dưới giới hạn tuổi này, các quy định vẫn còn mơ hồ và chỉ yêu cầu có sự cho phép của phụ huynh. Hệ thống pháp luật cũng có rất ít các quy định về hoạt động đánh bạc phát sinh và các chỉ dẫn an toàn thi đấu.

Thi đấu muay Thái chuyên nghiệp trở thành phương tiện đổi đời cho người nghèo và cả người giàu

Phần lớn những trận đấu diễn ra không chính thức. Theo một trung tâm báo chí điều tra của Thái Lan, số võ sĩ nhí đăng ký từ năm 2010-2017 chỉ có 10.373 trường hợp. Trong khi đó, những người làm việc trong giới thể thao này cho biết có hơn 200.000 trẻ dưới 15 tuổi tham gia thi đấu thường xuyên.

Các hoạt động thi đấu muay Thái tránh được sự quản lý của các bộ luật bảo vệ trẻ em và người lao động. Những điều luật chỉ cấm hình thức lao động trẻ em có xuất hiện yếu tố tiền lương. Trong khi đó, tiền được sử dụng trong các trận đấu muay Thái được xem là giải thưởng và có thể tồn tại hợp pháp.

Đối với những vùng quê hẻo lánh hoặc các cộng đồng dân nghèo, đấu muay Thái trẻ em thu hút sự quan tâm rất lớn. Số tiền từ những giải thưởng mang lại có thể là chiếc phao cứu sinh cho nhiều gia đình.

Sự chênh lệch là rất lớn. Giả sử cả nhà đều làm nông, mỗi tháng họ chỉ kiếm trung bình 200 USD. Tuy nhiên, chỉ với một trận thắng trên võ đài, đứa trẻ có thể mang về từ 60 - 600 USD. Mức thưởng dành cho một trận hạ knock-out đối thủ thậm chí còn cao hơn.

Tại nhà thi đấu Rajadamnern nổi tiếng của Bangkok, những trận tỉ thí muay Thái được tổ chức mỗi tuần bốn lần. Người Thái lẫn khách du lịch đổ về chật kín các khán đài, say men bia và máu bài bạc, sẵn sàng đánh cược từ 50 - 500 USD mỗi trận.

Đối với những võ sĩ muay Thái chuyên nghiệp ở "xứ sở Chùa Vàng", cuộc sống gắn liền với kỷ luật tập luyện và quyết tâm giành chiến thắng khởi đầu từ rất sớm. Từ những sàn tập nhỏ và xập xệ ở vùng quê nghèo, những đứa trẻ mới vào cấp tiểu học đã rèn luyện mỗi ngày với găng tay và bao cát được các nhà hảo tâm quyên góp, mua tặng.

"Bạn muốn chúng chơi golf chắc? Tất cả những võ sĩ chuyên nghiệp và nổi tiếng đều bắt đầu luyện tập trễ nhất là từ năm bảy tuổi", Sukit Parekrithawet, một luật sư chuyên bảo vệ quyền lợi của vận động viên muay Thái, đưa ra ý kiến.

Những đứa trẻ xuất sắc nhất khi được phát hiện sẽ được tuyển về các phòng tập ở Bangkok. Những cơ sở này được tổ chức như mô hình trường nội trú. Các em chạy hàng cây số từ rạng sáng, rèn sức đến 7h rồi vội đến trường.

Trở về những phòng nghỉ tập thể sau giờ học, các em tiếp tục tập luyện đến khi mặt trời khuất bóng. Tất cả đều chiến đấu cho giấc mơ lên chuyên nghiệp.

"Đam mê chiến đấu đã ăn vào máu của chúng ta. Những điều luật mới khiến mọi người rời xa môn võ này chứ không giúp nó an toàn hơn", bác sĩ Sudhichai chia sẻ.

"Những đứa trẻ (thi đấu) đều sống lành mạnh. Chúng tránh xa ma túy và tội phạm. Chính phủ tính làm gì để hỗ trợ bọn trẻ, khi giờ đây chúng không thể tiếp tục chiến đấu?".

Ngày 10/11, truyền thông Thái Lan đưa tin Anucha Tasako, một đấu sĩ Muay Thái 13 tuổi, ngã gục sau khi bị đối thủ tấn công liên tiếp vào đầu trong trận đấu tại tỉnh Samut Prakan, gần thủ đô Bangkok.

Đoạn clip quay bằng điện thoại ghi lại khoảnh khắc cậu bé Anucha đập đầu xuống sàn đấu và các phụ tá ngay lập tức lao tới trợ giúp. Theo cảnh sát Thái Lan, Anucha sau đó đã qua đời vì xuất huyết não. Cậu bé không đội mũ bảo hiểm vùng đầu khi thi đấu.

Đối thủ của Anucha, Nitikron Sonde, cũng chỉ bằng tuổi cậu bé. Nitikron sau đó đã viết trên Facebook cá nhân: “Tôi rất hối hận, nhưng tôi buộc phải cố gắng chiến thắng mới có thể kiếm đủ tiền trang trải cho việc học của mình”.

Nhiều người Thái bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của Anucha. Một số người cho rằng lỗi thuộc về trọng tài vì không can thiệp sớm để kết thúc trận đấu. “Cậu bé phải gắng gượng mới có thể đứng vững. Tại sao trọng tài không kết thúc trận đấu mà lại để cho cậu bé tiếp tục bị đánh cho tới khi bị hạ đo ván”, một người dùng Facebook nói.

Kiên Giang (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/the-gioi-sao/dau-si-nhi-muay-thai-mieng-an-doi-bang-mau-va-nuoc-mat-432490.html