Đâu rồi, thục nữ Việt?

Khi thang giá trị xã hội bị thay đổi, phụ nữ ngoan hiền không được khen nhưng phụ nữ giàu, đẹp lại luôn được chú ý.

Vào những ngày cuối năm 2019, dư luận hết sức bàng hoàng trước vụ việc hai nữ sinh lớp 8 đánh tới tấp 4 em học sinh lớp 6 ở Đồng Tháp do mâu thuẫn trên mạng. Trước đó là nữ sinh của trường THCS Hoàng Văn Thụ đánh nhau trước cổng trường, hay nữ sinh đánh bạn phải nhập viện tại Hưng Yên... Không hiếm những vụ việc nữ sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường đã biết dàn trận đánh nhau như dân anh chị.

Nữ diễn viên bị ném đá vì quay clip khoe thân phản cảm ở Hội An. Ảnh: Đời sống Việt Nam

Nữ diễn viên bị ném đá vì quay clip khoe thân phản cảm ở Hội An. Ảnh: Đời sống Việt Nam

Còn trong đời sống thường ngày, cũng không ít những phụ nữ thích gây sự, chửi bới, làm náo loạn cả sân bay. Ở giới showbiz nhiều người mẫu, hoa hậu lại nghiện khoe cơ thể gợi cảm, khoe thân quá đà... Rất nhiều vụ việc, nhiều hình ảnh xấu xí khiến dư luận xã hội băn khoăn, không biết nên nhìn nhận theo cách nào.

Từ quan sát của mình, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành (TP Hồ Chí Minh) cho biết, "tam tòng tứ đức" là tiêu chuẩn đạo đức, ứng xử mà xã hội xưa đã đặt ra cho người phụ nữ.

Với tiêu chuẩn này, một người phụ nữ hiền thục, nết na phải là người biết nhu thuận với cha, chồng, con, thì còn phải là người hội đủ 4 yếu tố là công, dung, ngôn, hạnh mới được đánh giá là người phụ nữ tốt, có giáo dục tốt.

Người xưa đã sử dụng các tiêu chí này để giáo dục đạo đức cho người phụ nữ, tạo ra những người phụ nữ nhẫn nại, hy sinh, tần tảo một nắng hai sương, chịu thương chịu khó; thủy chung son sắt, hết lòng vì chồng vì con; vị tha, nhân hậu, giản dị, trọng nghĩa trọng tình; hiếu thảo; hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích gia đình, dòng tộc.

Tuy nhiên, từ hàng trăm năm trở lại đây, nhất là ở thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế, xã hội trong nước đã mở cửa theo hướng hội nhập, tiêu chí đánh giá về người phụ nữ không còn như xưa nữa. Nữ đã được đi học, được tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội, cũng có nhiều người phụ nữ làm lãnh đạo doanh nghiệp, trong bộ máy quản lý nhà nước tỉ lệ nữ cũng ngày càng tăng lên. Vai trò của người phụ nữ trong xã hội đã có một bước tiến vượt bậc so với trước đây.

Vì thế, tiêu chí đánh giá về một người phụ nữ đẹp, giỏi cũng đã có nhiều thay đổi. Từ sự thay đổi nói trên mà phong cách, ngôn ngữ, các ứng xử của những người phụ nữ được cho là năng động, hiện đại cũng khác xưa rất nhiều.

Theo ông Đực, trong bối cảnh phát triển như hiện nay, đôi khi xã hội phải chấp nhận sự thay đổi đó. Tuy nhiên, thay đổi như thế nào, hội nhập như thế nào, phát triển thế nào để một người phụ nữ không chỉ đảm đang công việc gia đình mà còn tham gia vào công việc xã hội và góp phần vào sự phát triển của xã hội lại là vấn đề khác. Tại các nước phương tây, phụ nữ rất mạnh mẽ, độc lập nhưng cũng rất văn minh, văn hóa.

Nhìn vào hiện thực thời gian qua, ông Đực nói rằng các thang giá trị xã hội về một người phụ nữ Việt đã thay đổi nhưng bên cạnh những mặt tích cực thì thục nữ Việt đang có sự phát triển quá đà theo hướng tiêu cực.

Bằng chứng là, trong gia đình thì vợ chửi chồng hay lại có những người phụ nữ ỉ quyền thế chửi bới, làm loạn ở sân bay, rồi lại có những người thích chém gió, khoe khoang tiền bạc...

Vì có những người phụ nữ như vậy nên mới có những đứa trẻ cũng thích chứng tỏ, thích khoe khoang, bộc lộ thái độ, ngôn từ, phong thái, tính cách như dân anh chị.
Một mặt do ảnh hưởng từ sự giáo dục của người lớn, của nhà trường, mặt khác lại bị ảnh hưởng từ môi trường sống, môi trường học tập đã biến nhiều thục nữ Việt nhưng lại đậm tính đàn ông.

Ông Đực cho biết, thời xưa ở những tỉnh lớn trong nước luôn có những trường tiểu học, trung học dành cho nam, nữ riêng. Lấy ví dụ trong Sài Gòn, ông Đực cho biết có trường Gia Long, Trưng Vương là trường dành cho học sinh nữ; trường Chu Văn An là dành cho học sinh nam. Chính vì phân chia rất rõ như vậy mà tính cách của nữ sinh xưa cũng hiền hòa hơn.

Còn bây giờ, học sinh nam nữ được học cùng nhau, bị ảnh hưởng bởi tính cách, lối sống của nhau vì thế mà nữ sinh bây giờ cũng mạnh mẽ hơn, cũng muốn thể hiện, muốn chứng minh không thua kém gì nam giới. Từ chỗ bị ảnh hưởng, tới chỗ thích thể hiện mà nhiều nữ sinh đã có hành động quá đà, lỗ mãng như các trường hợp dàn trận đánh nhau, lột đồ quay clip, đánh bạn đến nhập viện...

Cùng với xu hướng thích thể hiện thì cái tôi ở người phụ nữ hiện đại cũng trỗi dậy mạnh mẽ hơn, lập dị, khác người hơn. Khi nhỏ, còn là học sinh thì xưng hùng, xưng bá, thích làm đàn anh, đàn chị. Khi lớn lên, trưởng thành hơn lại thích thể hiện cái tôi, muốn thể hiện mình bằng cách khoe thân, khoe da thịt, khoe giàu sang, ngôn từ ứng xử như dân chợ búa, rất thiếu văn minh.

Lý giải cho hiện tượng trên, ông Đực cho rằng, chính từ xu hướng "phát triển" quá đà đã khiến người phụ nữ hiện đại bị vượt khỏi vòng lễ giáo, bị mất dần phần đức, hạnh truyền thống của thời xưa.

Theo ông Đực, đây là một phần khuyết điểm trong vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục từ khi còn là học sinh, còn ngồi trên ghế nhà trường. Tiêu chí dạy làm người đang bị xem nhẹ, thay vào đó lại có rất nhiều sách vở, khóa học được mở ra với mục tiêu dạy làm giàu, dạy làm quan, dạy làm đẹp, dạy trở thành tỉ phú, hoa hậu, người mẫu... Tức là thang giá trị xã hội đã bị thay đổi, không có mấy người khen người phụ nữ này ngoan, hiền mà thay vào đó lại rất ca tụng những người phụ nữ đẹp, giàu có, nhiều tiền.

Khi một xã hội mà ai cũng ham làm giàu nhưng lại làm giàu theo hướng bất chấp, làm giàu bằng cách buôn gian, bán lậu... sẽ có những chuyện còn đi học thì chạy điểm, xin điểm, lớn lên thì chạy làm quan, chạy dự án để kiếm lợi. Những người không có tài năng, không tập trung rèn luyện công, ngôn, hạnh mà lại tập trung sức lực để làm đẹp, dựa vào nhan sắc để kiếm đại gia, sống buông thả, dễ dãi.

Phó giám đốc công ty đất lành cho rằng, không thể cứ ngồi giữ khư khư quá khứ, giữ những tiêu chí xưa cũ một cách tiêu cực nhưng khi tiếp thu cũng phải có chọn lọc, cũng phải biết lựa chọn những phần tích cực, những cái hay, cái tốt để có điều chỉnh cho phù hợp. Không thể chạy theo tiền bạc, sắc đẹp, chức tước mà xem nhẹ đức, hạnh truyền thống của người phụ nữ.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/dau-roi-thuc-nu-viet-3395708/