'Đầu ra' có vấn đề, giải quyết thế nào?

Nhiều người mắc phải căn bệnh khó nói ở đầu ra của cơ thể - hậu môn. Trĩ là căn bệnh ở “cửa sau” cơ thể khiến cho cơ quan đầu ra lâm vào tình trạng “đứng ngồi không yên”.

Nhiều người mắc phải căn bệnh khó nói ở đầu ra của cơ thể - hậu môn. Trĩ là căn bệnh ở “cửa sau” cơ thể khiến cho cơ quan đầu ra lâm vào tình trạng “đứng ngồi không yên”. Ít người ngờ được, “đầu ra” có vấn đề lại có sự quan hệ không hề nhẹ với “đầu vào”.

Nguyên nhân nào gây bệnh?

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Chế độ dinh dưỡng đóng góp nhiều đến việc phát sinh bệnh trĩ. Chế độ ăn không hợp lý, mất cân đối trong thời gian kéo dài là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ.

Để dự phòng căn bệnh này, chuyên gia dinh dưỡng khuyên, một chế độ ăn phải quan tâm chọn thực phẩm tự nhiên gồm chất xơ bình thường và nhiều chất xơ hòa tan. Những loại rau chứa nhiều chất xơ hòa tan như mồng tơi, rau đay, đậu bắp. Sử dụng quả chín có tác dụng nhuận tràng như đu đủ chín, chuối chín. Tình trạng táo bón là một trong những nguyên nhân gây bệnh trĩ. Do đó, ăn uống phòng chống táo bón rất quan trọng. Ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, gạo nảy mầm nhiều chất xơ hòa tan, giúp hấp thụ nước trong đường ruột, giúp nhuận tràng, đẩy phân ra ngoài, ngăn ngừa táo bón và hạn chế bệnh trĩ.

Các vi khuẩn probiotic cũng ngăn ngừa táo bón. Và đặc biệt, uống đủ nước cũng là vấn đề cần lưu tâm. Những người lao động ngoài trời, cường độ lao động vất vả, học sinh, sinh viên vận động nhiều cần phải bổ sung thêm nước. Số nước cần uống là từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Một số thảo dược dân gian có tính mát cũng có tác dụng nhuận tràng tốt, chẳng hạn như atiso. Chế độ ăn cần cân đối, hạn chế tình trạng táo bón. Chẳng hạn như khoai lang (cả củ và lá) đều rất tốt cho phòng chống bệnh trĩ.

Những thực phẩm tốt cho việc phòng, chống bệnh trĩ.

Ăn thế nào sau điều trị?

TS. Nguyễn Thị Lâm cho biết, người bị trĩ đã chảy máu thì phải tránh táo bón, bởi táo bón làm chảy máu hơn nữa và làm bệnh nặng hơn. Vì thế, sau điều trị phải tránh những loại quả giàu tannin gây táo bón như ổi, hồng xiêm, sung, dù là khoái khẩu.

Nên ăn rau xanh mềm như mồng tơi, rau đay, mướp, hoa thiên lý, rau khoai lang (nấu canh hay xào đều tốt), củ khoai lang. Các quả chín như quả đu đủ, chuối, hay quả thanh long có nhiều chất xơ, kích thích tiêu hóa, giảm tình trạng táo bón, giúp nhuận tràng. Nên ăn sữa chua chống táo bón. Theo đó, dưa muối chua (giàu probiotic) cũng nên ăn một chút.

Bia, rượu, thuốc lá có hại cho người bệnh trĩ

Nhiều bệnh nhân là nam giới khi khai thác tiền sử bệnh mới thấy rằng, búi trĩ thường có xu hướng to hơn, bệnh nặng hơn sau những đợt nhậu.

Theo TS.BS. Nguyễn Thị Quỹ, nguyên Trưởng phòng Nội soi tiêu hóa, nguyên Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Xanh Pôn, Phó Chủ tịch Hội Tiêu hóa Hà Nội, các món nhậu có chất kích thích không tốt, làm cho thành mạch yếu. Thông thường đối với nam giới, bia rượu rất khó bỏ. Một mặt thì uống thuốc, mặt khác lại vẫn uống bia rượu, ăn nhậu rất nguy hiểm. Nhất là uống rượu có nồng độ cồn cao. Muốn khỏi bệnh và tránh tái phát, phải bỏ bia rượu.

Thuốc dân gian có tác dụng?

Các bài thuốc dân gian để điều trị trĩ, đặc biệt là thể trĩ nội độ 1 - 2 có hiệu quả cao. Một trong số vị thuốc đó là hoa hòe. Theo đông y, hoa hòe vị đắng, tính hàn, có tác dụng kháng khuẩn, giải độc, tiêu viêm. Theo TS.BS. Trần Thái Hà - Trưởng khoa Lão, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, hằng ngày dùng 15g hoa hòe sắc uống rất tốt cho người bị bệnh trĩ. Ngoài ra có người dùng hoa hòe sao lên kết hợp với một số các loại thuốc đông y khác như diếp cá, trinh nữ... sắc uống. Dân gian còn dùng hoa hòe nấu canh cà chua hoặc thịt gà, thịt lợn rất dễ ăn. Khi bị trĩ chảy máu hoặc đau nhiều, có thể dùng bài thuốc 20g hoa hòe, 40g ngải cứu, 40g kinh giới, 20g chỉ xác, 15g phèn phi cho vào nồi đậy kín bằng lá chuối đun lên. Khi sôi, chọc thủng lá chuối xông trực tiếp vào búi trĩ, khi nước nguội dùng bã đắp tại chỗ. Ngoài ra có thể ăn lá lộc vừng, trinh nữ... Đây là những bài thuốc dân gian rất dễ sử dụng. Hoặc có thể xay sinh tố ăn như các loại rau má, diếp cá, bột sắn (đông y gọi là cát căn) mỗi ngày có thể uống 3-4 cốc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng và trị bệnh thì thuốc chỉ hỗ trợ bệnh nhân 50%, còn 50% là do chế độ ăn uống, sinh hoạt mà bệnh nhân tuân thủ. Phải có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Đó là lời khuyên của bác sĩ dành cho những người mắc bệnh trĩ để có thể khỏi bệnh.

Lê Minh Thúy (ghi)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/au-ra-co-van-de-giai-quyet-the-nao-n132076.html