Đầu nguồn miền Tây vào mùa nước nổi

Mới đầu tháng 8, lũ đã về sớm hơn cùng kỳ các năm trước. Tại các huyện đầu nguồn của 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, con nước 'son' đang ào ạt tràn đồng, nghề đánh bắt cá mùa nước nổi lại rộn ràng hơn bao giờ hết.

Mua bán cá tại chợ nằm trên kênh Giuộc, thuộc ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, H.An Phú (An Giang) - Ảnh: H.Nguyễn

Chợ cá giữa đồng lũ

Sáng sớm, từ kênh 13 (xã Phú Hội, H.An Phú, An Giang), con nước đầu nguồn từ Campuchia ồ ạt tràn về, biến những cánh đồng rộng lớn thành biển nước. Một gò đất cao trên bờ kênh Giuộc còn nhô lên khỏi mặt nước được người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ chọn làm nơi cân cá bán cho thương lái, trông như cái chợ giữa đồng lũ.

Mỗi sáng, hàng trăm ghe lưới, ghe câu từ khắp nơi đổ về chợ gò để cân cá đánh bắt được trong đêm.

“Đủ các thứ cá, tôm, cua đồng... nhưng mấy hôm nay, trúng nhất là cá linh”, ông Nguyễn Văn Ràng, Phó trưởng ấp Phú Thuận, xã Phú Hội, nói.

Cũng theo ông Ràng, mùa lũ năm nay về sớm và mực nước cao hơn so với cùng kỳ mọi năm từ 40 - 60 cm. Cầm khoảng 400.000 đồng trên tay, anh Lê Văn Kỳ, một người đánh bắt cá, cho biết: “Đây là tất cả những gì thu được từ 40 luồng dớn của tôi. Bình quân ngày nào cũng thu nhập cỡ đó, cuộc sống cũng ổn”.

Dù chỉ là một nơi dã chiến giữa cánh đồng nhưng chợ cá ở gò kênh Giuộc mỗi lúc thêm đông đúc, rộn rã cả một góc quê. Anh Dương, một thương lái ở H.An Phú cho biết, ở khu chợ này, trung bình mỗi buổi thu mua từ 1 - 2 tấn thủy sản các loại, trong đó cá linh hơn

1 tấn, còn lại là cá rô, trê, lóc, lươn... Cá linh non được thương lái tại chỗ mua ở chợ với giá 35.000 đồng/kg; sau đó bán lại cho các thương lái ở những nơi khác với giá 40.000 - 60.000 đồng/kg. “Loại cá này về đến chợ đầu mối ở Cần Thơ, TP.HCM... có khi giá tăng lên 5 - 6 lần”, anh Dương nói.

Nghề “hậu cần” vào vụ

Lũ về sớm cũng làm không khí sản xuất ở các làng nghề “ăn theo” như lưới, lợp, đóng xuồng... xôm tụ hơn hẳn. Tại làng chuyên sản xuất lợp đặt cua đồng, cá, tép ở xã Mỹ Đức, H.Châu Phú (An Giang), hơn 70 hộ dân phải tăng năng suất để làm ra các sản phẩm bán cho ngư dân địa phương và một số tỉnh ở ĐBSCL, thậm chí bán sang Campuchia.

Ông Lê Văn Hường, một người chuyên làm lợp, cho biết: “Tính đến thời điểm này, mới đầu mùa lũ, tôi đã bán gần 1.000 cái lợp, bằng cả mùa năm trước”.

Cũng không kém phần tất bật là làng nghề đóng ghe xuồng ở xã Long Hậu, H.Lai Vung (Đồng Tháp). Chủ cơ sở Út Hữu (53 tuổi) cho biết gần 2 tháng qua, bà con sống bằng nghề đóng ghe xuồng đã làm việc không ngừng nghỉ để cung ứng đủ sản phẩm cho ngư dân như: xuồng cui, xuồng vỏ gáo, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá... “Các loại xuồng được người dân chuộng nhất là xuồng gỗ sao, gỗ sến, kích cỡ 4,5 - 6,5 m, giá dao động 1,2 - 1,5 triệu đồng/chiếc”, ông Hữu nói.

Tương tự, các hộ dân ở làng lưới Thơm Rơm, P.Thuận Hưng, Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) cũng đang tất bật mỗi ngày. Có cơ sở đan lưới phải thuê từ 100 - 300 nhân công để sản xuất. Theo các chủ cơ sở đan lưới ở Thơm Rơm, sức mua lưới mấy ngày qua liên tục tăng, tăng 10 - 20% so với cùng kỳ. “Mỗi ngày có hàng trăm mặt hàng xuất đi đến các đại lý. Dự kiến từ nay đến đầu tháng 9, tôi phải tăng cường sản xuất mới đủ hàng cung cấp cho khách mối đặt trước”, chủ cơ sở Ly Loan nói.

Theo ghi nhận của Sở NN-PTNT các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, hiện mực nước trên sông Tiền, sông Hậu và một số tuyến kênh chính đang lên nhanh, bình quân mỗi ngày từ 10 - 15 cm. Dự báo mực nước lũ năm nay sẽ cao hơn cùng kỳ nhiều năm qua. Đã mấy năm rồi, người dân đầu nguồn của miền Tây mới sống trong hy vọng về một mùa lũ bội thu như năm nay.

Đình Tuyển

Đình Tuyển - H.Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/dau-nguon-mien-tay-vao-mua-nuoc-noi-863185.html