Đầu năm thắp hương đền thờ Nhà Mạc ở Vĩnh Phúc - Tranh chấp ngôi mộ cổ cần sớm được giải quyết (Bài 1: Ngược dòng lịch sử)

Sau nhiều lần hẹn hò, bố trí công việc, ngày 14/1/2021 dương lịch, nhằm ngày 2 tháng Chạp Canh Tý (2020), chúng tôi đã được hai cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là Nguyễn Thanh Long, Phan Thanh Tĩnh hướng dẫn đến thắp hương, tìm hiểu đền thờ Nhà Mạc ở trên đồi thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân. Đây là vùng đất tạo nên bởi ngã ba hợp lưu của các con sông: Sông Lô, sông Phó Đáy, sông Hồng, đỉnh đầu của tam giác châu thổ Bắc Bộ, là nơi sản sinh ra huyền thoại về con Hạc trắng 'Bạch Hạc' hội tụ trên mặt trống đồng của nền văn hóa Đông Sơn, hình thành nên Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng. Nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng xuôi sông Hồng tiến về Thăng Long xưa (nay là Hà Nội), đồng thời cũng thuận tiện rút lên vùng rừng núi phía Bắc khi có biến động.

Đền thờ Nhà Mạc tại đồi thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Không rõ bạn đọc có còn nhớ, Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam (Vanhien.vn) đã phát một loạt bài về Nhà Mạc gồm “Hoàng đế Mạc Kính Vũ: Những năm cuối đời và vùng đất Vĩnh Phúc” của GS. TSKH Phan Đăng Nhật (3/7/2014), “Khánh thành đền thờ Nhà Mạc ở Vĩnh Phúc” của Mạc Văn Trang (21/4/2017), “Tổ chức lễ kỵ nhật ngài Thuận Đức Vương Mạc Kính Vũ”(2/12/2018 theo nguồn của BTV Mactoc.com), “Về những thiếu sót và bất hợp lý trong sử sách về Mạc Đăng Dung và nhà Mạc” của Hoàng Cương (5/11/2020)…

Thắp hương đền thờ Nhà Mạc tại đồi thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trên cơ sở những bài viết, sách sử đã đăng tải trên Vanhien.vn và tham khảo các nguồn sử liệu khác, chúng tôi quyết định đầu năm 2021 đi điền dã, thắp hương đền thờ Nhà Mạc ở đồi Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, tìm hiểu thêm tư liệu thông tin đến bạn đọc.

Bài 1: Ngược dòng lịch sử

Theo Toàn thư và Đại việt thông sử, Mạc Đăng Dung (1483 – 1541) người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), là người lập nên Vương triều Mạc, là cháu 7 đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần.

Vương triều Mạc, với vai trò là một chính quyền cai trị thực sự, chỉ tồn tại trong thời gian 65 năm trước khi bị nhà Trịnh với danh nghĩa “phù Lê diệt Mạc” đánh bật ra khỏi Thăng Long năm 1592.

Chủ tịch UBND xã Việt Xuân Trần Hữu Mậu (thứ hai từ trái sang) trao đổi với PV Vanhien.vn sáng 14/1/2021 tại đền thờ Nhà Mạc ở đồi thôn Diệm Xuân.

Nhà Mạc đã trải qua 5 đời vua ở kinh thành Thăng Long: Mạc Đăng Dung (1527 - 1529), Mạc Đăng Doanh (1530 - 1540), Mạc Phúc Hải (1541 - 1546), Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561) và Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592). Có thể nói, việc ra đời Vương triều Mạc trong bối cảnh của lịch sử lúc bấy giờ là một điều tất yếu. Nói một cách khách quan, nếu như không có Mạc Đăng Dung thì sẽ có một gương mặt, một dòng họ khác đứng lên chèo lái con thuyền lịch sử Việt Nam trong cơn bão táp. Thực tế, Mạc Đăng Dung là nhân vật - bằng nội lực của mình - đã được lịch sử trao cho xứ mệnh thay nhà Lê lúc đó suy tàn. Trong bối cảnh đó, Mạc Đăng Dung, xuất thân từ người dân chài ở Nghi Dương (Hải Phòng), từ một chức Đô chỉ huy sứ vệ Thần Vũ thời Lê Uy Mục đã khéo lợi dụng cuộc xung đột giữa các phe phái đối lập và đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân để thâu tóm quyền hành vào tay mình. Sau một thời gian dài hoạt động, Mạc Đăng Dung đã thăng tới chức Vương, nắm tiết chế các dinh thủy lục 13 đạo, uy thế bao trùm, thu phục được nhân tâm, và đến năm 1527 phế truất vua Lê Chiêu Tông lên ngôi Hoàng đế, lập ra Vương triều Mạc (sử gọi là Bắc Triều).

Các ông Nguyễn Ngọc Sĩ 86 tuổi (thứ hai từ trái sang), trưởng chi gốc Mạc xóm 5, thôn Diệm Xuân; Nguyễn Tiến Quốc, 66 tuổi, cũng ở thôn Diệm Xuân là Phó chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Vĩnh Phúc cung cấp thông tin cho PV Vanhien.vn sáng 14/1/2020 tại đền thờ Nhà Mạc ở đồi thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân.

Trong khi đó, các cựu thần nhà Lê, đứng đầu là Nguyễn Kim với sự phò trợ của con rể là Trịnh Kiểm, cũng đón hậu duệ nhà Lê là Lê Duy Ninh lên ngôi, tức là vua Lê Trang Tông, lập lại nhà Lê, đóng quân tại Thanh Hóa (sử gọi là Nam Triều theo thể chế Vua Lê - Chúa Trịnh). Nam Triều và Bắc Triều liên tục giao tranh, nhưng bất phân thắng bại.

Đến triều vua Mạc Mậu Hợp, năm Diên Thành thứ 8 (1585), tức năm Ất Dậu tháng 11 thì ông lâm bệnh. Lúc này tình hình nhà Mạc đã quá suy yếu, vua Mạc Mậu Hợp sai sứ đến gặp Trạng Trình vấn an và hỏi về quốc sự. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ trả lời rằng: "Tha nhựt quốc hữu sự cố, Cao Bằng tiểu địa, sổ thế khả duyên". Nghĩa là: Sau này quốc gia hữu sự thì đất Cao Bằng tuy nhỏ bé cũng có thể dung thân được vài đời. Trước khi ông mất, nhà Mạc xin ý kiến tồn tại thế nào, Nguyễn Bỉnh Khiêm đọc hai câu thơ: "Cao Bằng tàng tại - tam đại tồn cô" (nghĩa rằng rút về đất Cao Bằng thì sẽ tồn tại thêm được ba đời nữa).

Bảy năm sau, năm Quang Hưng thứ 15 (1592), Trịnh Tùng tổng tấn công thành Thăng Long, triều Mạc sụp đổ, rước vua Lê Thế Tông trở về thành Thăng Long nhưng mọi quyền bính do chúa Trịnh sắp đặt.

Theo lời khuyên của Trạng Trình, con cháu nhà Mạc chạy lên Cao Bằng cố thủ, dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở để xây dựng căn cứ, chọn Na Lữ, xã Hoàng Tung (Hòa An ngày nay) là đế đô, vương phủ ở Cao Bình, xã Hưng Đạo (Thành phố Cao Bằng ngày nay). Nhà Mạc ở Cao Bằng 84 năm (1593 - 1677) trải qua ba đời vua: Mạc Kính Cung (1593 - 1625), Mạc Kính Khoan (1625 - 1638), Mạc Kính Vũ (1638 - 1677). Năm Vĩnh Trị thứ 2 thời vua Mạc Kính Vũ (1677) bị quân Lê - Trịnh đánh bại.

(Còn nữa)

Đón đọc Bài 2: Nhân vật Mạc Kính Vũ còn nhiều khoảng trống cần tìm hiểu làm rõ

Bài, ảnh: Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/dau-nam-thap-huong-den-tho-nha-mac-o-vinh-phuc--tranh-chap-ngoi-mo-co-can-som-duoc-giai-quyet-bai-1-81895