Đầu năm tản mạn về loài hoa cúc của thành phố hoa

Theo truyền thuyết, các loài hoa trong họ cúc (Asteraceae) là hoa của nhà Phật ban cho những người con hiếu thảo; là dược liệu quý, tên y học Liêu chi. Hoa cúc có hương thơm nồng nàn, thanh khiết nên thường dùng để ướp trà và là một trong 4 thực vật (Mai -Trúc -Cúc -Tùng) biểu trưng cho người quân tử...

Đồi hoa cúc đồng tiền, ngoại ô Đà Lạt

Đồi hoa cúc đồng tiền, ngoại ô Đà Lạt

Đặc điểm chung của các loài hoa cúc là "diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa" nghĩa là lá khô vẫn không lìa cành hoa tàn không rơi xuống đất và là họ hoa "thiên tư bách thái" - có trăm dáng ngàn vẻ. Chỉ riêng về kích thước thì dã quỳ tên khoa học Chrozophora tinctoria là cây bản địa lớn nhất trong họ cúc, đường kính hoa khoảng 20cm, thường gặp bên những nẻo đường Tây Nguyên. Đây là một trong hai loài hoa báo mùa ở Đà Lạt: hoa phong huệ nở báo mùa mưa đã tới, còn hoa dã quỳ báo mùa khô đã sang. Cây cho hoa nhỏ nhất trong họ cúc là thanh hao hoa vàng - Artemisia annua - phân bố tự nhiên ở các tỉnh trung du Bắc Bộ, được đưa vào Đà Lạt 1989, đường kính hoa chỉ 0,5-1mm. Thanh hao hoa vàng có thể mix với nhiều hoa khác, song nó có "sứ mệnh" để chiết suất artemisinin làm thuốc cắt cơn sốt rét.

Hoa Atichaut, tên khoa học Cynara scolymus xuất xứ châu Âu, có hình thái lạ nhất trong họ cúc, các nhà cắm hoa theo mùa tự nhiên (như Ikebana) đôi khi cũng sử dụng Aritchaut để tạo nên những tác phẩm gây nhiều ấn tượng. Nhưng chủ yếu Artichaut là dược liệu và thực phẩm cao cấp. Cây cúc bạc, loài bản địa của nước ta, tên khoa học Thespis tonkinensis (trong đó tonkin theo Latin là Bắc Bộ) vào Đà Lạt năm 1930, là thực vật có màu sắc lạ nhất trong họ cúc: toàn thân cành lá như được phủ một lớp phấn bạc, là điểm nhấn tuyệt vời trong không gian xanh. Cúc bất tử, tên khoa học Helichrysum bracteatum nguồn gốc châu Úc, được nhập nội vào Đà Lạt đầu thế kỷ 20. Đây là loài hoa có cấu tạo đặc biệt trong họ cúc, tập trung ở đỉnh thân cành, bên trong hoàn toàn hình ống màu vàng nhạt hoặc phớt hồng, ngoài có nhiều lá bắc cứng khi khô không bị héo và vẫn giữ được màu sắc vàng - hồng - tím tươi tắn...

Một giống cúc mới nhập nội, xuất xứ Hà Lan

Hầu hết các giống cúc ngoại khi đến Đà Lạt đều được đồng bào ta đặt cho tên Việt như cúc đồng tiền nguồn gốc châu Phi, cúc thạch thảo xuất xứ Nam Âu, cúc mắt huyền và cúc hướng dương quê hương Hà Lan nổi tiếng trong tranh Van Gogh. Tuy vậy, cũng còn một số loài cúc vẫn giữ tên Pháp: hoa Calimero xanh, trắng, vàng tươi trẻ; hoa Marguerite màu trắng tinh khiết... Những năm gần đây Công ty Hoa Yêu Thương (TP. HCM) và Đà Lạt Hasfarm còn giới thiệu những giống Maguerite mới, được gọi là cúc họa mi, có nhiều màu sắc như: hồng, vàng, trắng, đỏ…cùng các giống cúc Pingpong rất bắt mắt. Có một loài cúc mà ai lên Đà Lạt cũng thích gặp, đó là cúc tần ô (cải cúc) tên khoa học Chrysanthemum coronarium, nó có hoa 2 màu trắng, vàng tươi tắn góp phần tạo nên cảnh quan phố núi nên thơ và còn là loại rau không thể thiếu để ăn chín trong món lẩu và ăn sống với bánh xèo, hai đặc sản Đà Lạt nổi tiếng. Thú vị nhất, có một loài cúc đồng quê Pháp, nhưng đã được người Đà Lạt đặt lại tên đó là Souci. Hoa Souci đến Đà Lạt từ đầu thế kỷ 20, được đồng bào ta yêu thích nhưng còn e ngại vì Souci có nghĩa là băn khăn, ưu tư. Và để khỏi băn khăn với cái tên này, người Đà Lạt đã thêm từ Sans (nghĩa là không ) trước Souci. Từ đó Sans Souci (dịch ra tên Việt : cúc vô ưu) đã được dùng rộng rãi.

Cúc thược dược do đồng bào ở Cali tuyển chọn gửi về

Hoa Marguerite trắng xuất xứ Pháp ở Vườn Bích Câu

Những năm gần đây, Đà Lạt còn nhận được nhiều giống hoa mới, do đồng bào ta ở khắp nơi trên thế giới tuyển chọn gửi về, trong đó có các loài hoa cúc: Những bông Gaillarde và thược dược (Dahlia) sang trọng, cúc vạn thọ Bắc Mỹ (Tagetes erecta) đậm đà hương sắc và cả những bông cúc sao (Aster) chuyên dành để biếu ông bà, cha mẹ… Đó là tấm lòng của những người con xa quê luôn hướng về cội nguồn đất nước.

Hoa thược dược đơn Bắc Mỹ ở Công viên hoa Đà Lạt

Cúc họa mi của Đà Lạt Hasfarm

Qua hơn một thế kỷ, hoa cúc Đà Lạt đã mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc: biểu tượng của tình yêu thương, lòng hiếu thảo, sự thủy chung, hạnh phúc và thịnh vượng. Theo phong thủy, hoa cúc Đà Lạt tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, trường thọ, niềm vui và phúc lộc. Ngày nay, Công ty Hoa Yêu Thương (TP HCM) cùng các nông trại hoa Đà Lạt đã cung ứng cho thị trường hoa nhiều loại hoa cúc cắt cành và những tác phẩm cắm hoa cúc đặc sắc, giàu ngôn ngữ hoa để nói lên những điều tốt đẹp, được nhiều người yêu thích.

Cúc vàng kết hợp với hoa hồng, cẩm chướng, phong lan... ở shop Hoa Yêu Thương

Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Bích

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/phong-cach-c-81/thu-choi-c-134/dau-nam-tan-man-ve-loai-hoa-cuc-cua-thanh-pho-hoa-82230.html