Đau mỏi vai gáy - dùng thuốc gì?

Tôi 54 tuổi, bị thoái hóa cột sống cổ từ nhiều năm nay. Gần đây tôi bị đau mỏi nhức một bên vai gáy trái. Xin hỏi bác sĩ đau nhức một bên vai gáy thì có thể bôi hoặc uống thuốc gì? Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Kim Lê (Ninh Bình)

Đau mỏi vai gáy do thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, kèm theo hạn chế vận động quay cổ, quay đầu. Thực chất đây là nhóm các bệnh có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy. Có khi triệu chứng đau lan xuống cả bả vai, làm cho cánh tay, cẳng tay và ngón tay bị tê mỏi rất khó chịu, thậm chí chỉ cần sờ vào cũng có cảm giác như tê cứng bì, đây là biểu hiện tăng cảm giác. Nếu không được điều trị sớm, đến khi bệnh nặng hơn thì mọi sinh hoạt, vận động liên quan đến vùng cổ, vai, gáy dù nhẹ cũng đều gây đau đớn và làm hạn chế mọi sinh hoạt của bệnh nhân.

Trường hợp bệnh ở mức độ vừa phải, có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau, chống viêm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa như: paracetamol, ibuprofen, diclofenac... Các loại thuốc này sẽ giúp giảm đau, đồng thời chống lại các phản ứng viêm theo sau. Thuốc giãn cơ như decontractyl để chống các cơ co thắt quá mức, thông qua đó cũng làm giảm đau cũng được lựa chọn theo hướng dẫn của thầy thuốc. Các vitamin nhóm B như vitamin B1, B6, B12 (thường gọi là 3B), dạng tiêm có tác dụng làm tăng dẫn truyền thần kinh.

Việc châm cứu giúp điều hòa lại hoạt động của các dây thần kinh, làm giảm sự co thắt cơ, qua đó làm giảm đau cũng được khuyến cáo.

Cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Nên vận động, nghỉ giải lao khi phải ngồi lâu. Trong chế độ ăn uống hàng ngày cần ăn đủ chất và bổ sung một số khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như canxi, kali, các vitamin nhóm B, C, E... Không nên ngồi trước quạt hoặc ngồi điều hòa, vì chỉ càng làm cho các cơ bị co cứng và đau nhiều hơn mà thôi. Có thể chườm ấm vùng cổ vai hay chiếu đèn hồng ngoại. Khi tắm, nên sử dụng nước ấm, không tắm bằng nước lạnh.

Trong trường hợp của bạn, tốt nhất nên đi khám để các bác sĩ chuyên khoa tìm nguyên nhân, xác định xem có hiện tượng chèn ép gây tổn thương dây thần kinh hay không, đánh giá mức độ bệnh nặng hay nhẹ, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

ThS. Lê Quốc Thịnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-moi-vai-gay-dung-thuoc-gi-n183162.html