Dầu mỏ Iran, đòn hiểm của Trung Quốc với Mỹ?

Trong bối cảnh Mỹ gây sức ép tối đa, sự lựa chọn chiến lược của Trung Quốc sẽ là ngành dầu mỏ của Iran.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây sức ép tối đa lên Iran và ngành xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Động thái này được cho là nhằm đẩy giá dầu lên cao, kiếm lợi cho các nhà xuất khẩu của Mỹ.

Đầu tư vào dự án năng lượng Iran và mua dầu từ Iran, Trung Quốc không e ngại Mỹ

Đầu tư vào dự án năng lượng Iran và mua dầu từ Iran, Trung Quốc không e ngại Mỹ

Trong khi đó, vốn là một nhà nhập khẩu lớn năng lượng từ Mỹ, Trung Quốc đã tiếp tục mua thêm dầu từ Iran bất chấp các lệnh trừng phạt và lệnh ngừng miễn trừ trừng phạt của Washington.

Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc lựa chọn gia tăng đầu tư và sở hữu các dự án năng lượng mới tại Iran. Chắc chắn đây sẽ là một cái gai trong mắt Mỹ.

Giới quan sát tin rằng Trung Quốc có nhiều lý do để coi đây như là một lựa chọn tối ưu nhằm đối phó với sức ép từ Mỹ trên mọi lĩnh vực, khởi nguồn từ cuộc chiến thương mại.

Theo các nguồn tin thân cận Bộ Dầu khí Iran tiết lộ với trang tin tức Oilprice.com, Bắc Kinh đang ngày càng gia tăng sự tham gia vào các đại dự án năng lượng lớn tại quốc gia này.

Dự án đầu tiên mà Trung Quốc tham gia tại Iran là Giai đoạn 11 của dự án khai thác mỏ khí South Pars (SP11). Mỏ khí đốt South Pars được cho là mỏ khí đốt lớn nhất thế giới.

Trung Quốc từng đánh đổi với Mỹ để ngừng phát triển dự án SP11 nhưng giờ đây đã suy nghĩ lại.

Tuần trước, Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí Pars - ông Mohammadi Meshkinfam cho biết, các cuộc đàm phán về sự tham gia của công ty Trung Quốc với dự án SP11 đã được nối lại.

Vị này cho biết đang nghiên cứu xác định đường đi của đường ống dẫn khí. Sau khi nghiên cứu hoàn tất, khí được chiết xuất sẽ dẫn đến Nhà máy lọc dầu South Pars hoặc Nhà máy lọc dầu Fajr Jam để xử lý. Ước tính, 28 triệu mét khối khí mỗi ngày sẽ được bơm ra thị trường sau xử lý. Đây mới là sản lượng dự kiến trong giai đoạn sản xuất đầu tiên của dự án.

Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư cho giai đoạn 11 của dự án khí đốt khổng lồ này sau khi gã khổng lồ năng lượng của Pháp là Total từ bỏ dự án do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Được biết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã tham gia đàm phán để tiến hành đầu tư vào việc phát triển giai đoạn 11 của dự án khai thác mỏ khí khổng lồ của Iran.

Trung Quốc đã được nước chủ nhà tạo điều kiện hết sức. Để tái khởi động dự án SP11, Trung Quốc sẽ được miễn 17,25% tổng giá trị khí đốt mà mỏ này khai thác được trong 9 năm liên tiếp.

“Tổng giá trị khí đốt khi áp dụng cho CNPC theo công thức hoàn vốn chi phí so với định giá thị trường mở và giá trị ròng hiện tại của mỏ dầu này là 116 tỷ USD”, nguồn tin của Iran nói với Oilprice.com.

CNPC đã nắm giữ 50,1% cổ phần của dự án nhưng khi Total rút khỏi, Tập đoàn Trung Quốc đã nắm giữ 80,1% cổ phần. Công ty Petropars của Iran nắm giữ phần còn lại.

Được biết, ở thời điểm Total xem xét rút khỏi dự án do áp lực từ lệnh trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc cũng đã có một giao kèo với Washington về việc ngừng tham gia vào dự án SP11. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục hoạt động ở các dự án khác của Iran tại Bắc Azadegan và Yadavaran - đại dự án năng lượng lớn thứ hai mà Trung Quốc sẽ hợp tác cùng với Iran.

Sự đánh đổi của Trung Quốc với Mỹ được cho là ở vào thời điểm cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa ở mức căng thẳng.

Khi đó, Trung Quốc đã cho rằng, họ sẽ không thể từ bỏ dự án năng lượng ở Bắc Azadegan bởi đã chi hàng tỷ USD để phát triển giai đoạn thứ hai của dự án khai thác mỏ khí rộng 460 km vuông.

Công ty Trung Quốc tham gia vào dự án phát triển mỏ dầu Yadavaran và Bắc Azadegan

Tương tự, các hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại dự án ở Yadavaran đã được triển khai từ năm 2007, tức là trước thời điểm Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran từ rất lâu, thậm chí khi thỏa thuận còn chưa ra đời. Do đó, họ hoàn toàn có thể tiếp tục đầu tư vào dự án này mà không thể bị Mỹ ngăn cản.

Nhưng cho đến nay, khi cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang, Bắc Kinh có lẽ sẽ không cần phải giải thích với Washington nhiều đến như thế. Thay vào đó, họ sẽ hành động thật sự.

Dự án năng lượng thứ ba mà Trung Quốc sẽ có thể tiếp tục tham gia ở Iran thời gian tới, bất chấp các sức ép từ Mỹ là việc xây dựng cảng xuất khẩu dầu Jask. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ đầu tư một đường ống dẫn dầu dài 1.000 km trị giá 2 tỷ USD nối Guriyeh ở quận Shoaybiyeh-ye Gharbi tại tỉnh Khuzestan ở phía Tây Nam Iran đến Jask ở tỉnh Hormozgan ở Nam Iran.

Cảng xuất khẩu dầu Jask mà Trung Quốc dự tính sẽ đổ tiền vào Iran.

Việc xây dựng đường ống được cho là nhằm giúp Trung Quốc không mất các khoản chi phí quân sự để đi cùng tàu chở dầu để đảm bảo an ninh trong tình hình căng thẳng hiện nay ở khu vực. Cảng Jask không hề nằm trong Eo biển Hormuz hay Vịnh Persian mà ở Vịnh Oman.

Ngoài ra, dự án còn bao gồm việc xây dựng 20 bồn chứa dung tích lên tới 500.000 thùng dầu mỗi bồn và các cơ sở vận chuyển đi kèm với tổng trị giá 200 triệu USD. Dự kiến, cảng xuất khẩu Jask sẽ có khả năng lưu trữ tới 30 triệu thùng và xuất khẩu 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.

3 đại dự án năng lượng của Iran với sự chung tay của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm thay đổi đến thị trường dầu toàn cầu và phá hỏng mọi ý đồ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Việc Trung Quốc mua dầu của Iran chắc chắn sẽ tác động đến giá dầu thế giới, dù Bắc Kinh mua dầu theo cách nào. Giới phân tích đã để ý tới khả năng Trung Quốc mua dầu của Iran và hợp thức hóa nó bằng cách coi đây là sản phẩm trao đổi. Trung Quốc tham gia vào các dự án của Iran. Thay vì trả tiền thì Tehran sẽ trả bằng dầu mỏ.

Theo dữ liệu từ một số dịch vụ theo dõi tàu chở dầu và được báo New York Times đưa tin, Trung Quốc đã tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Iran. Ít nhất 12 tàu chở dầu của Iran đã vận chuyển và giao dầu trên khắp châu Á và Địa Trung Hải kể từ đầu tháng 5 cho tới nay.

Trung Quốc được cho là đã nhập khẩu khoảng 494.000 thùng dầu thô mỗi ngày trong 5 tháng đầu năm 2019, so với hơn 660.000 thùng mỗi ngày trong cùng kỳ năm 2018, theo dữ liệu do Hải quan Iran công bố.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào thương mại dầu mỏ của Iran đã làm giảm lượng xuất khẩu dầu thô của Iran nhưng không ngăn được đối thủ kinh tế lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc ngừng đặt các đơn hàng dầu thô từ quốc gia này.

Cùng với sự tham gia và hưởng lợi từ các đại dự án năng lượng ở quốc gia đứng thứ 3 tại OPEC, Trung Quốc có thể sẽ kích hoạt những phản ứng phẫn nộ khác từ Mỹ bên cạnh cuộc chiến thương mại chưa thể ngã ngũ.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/dau-mo-iran-don-hiem-cua-trung-quoc-voi-my-3385902/