Đau lòng con trai vợ chồng khiếm thị mắc ung thư võng mạc

Hai vợ chồng cùng khiếm thị có cậu con trai độc nhất chưa tròn 2 tuổi lại mắc ung thư võng mạc…

Mẹ con bé Hùng khi điều trị tại Bệnh viện K Trung ương

Mẹ con bé Hùng khi điều trị tại Bệnh viện K Trung ương

Hai vợ chồng cùng khiếm thị, khi đến với nhau cũng đã ngoại tứ tuần, nhưng “hạnh phúc ngắn chẳng tày gang” khi cậu con trai độc nhất chưa tròn 2 tuổi lại mắc ung thư võng mạc…

“Không còn nước mắt để khóc…”

Nhắc đến cậu con trai chừng 1 tuổi rưỡi đã phải chịu căn bệnh ung thư võng mạc của mình, chị Phạm Thị Huệ (Hưng Yên) nghẹn ngào chia sẻ, lúc sinh ra con phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác khiến vợ chồng chị khấp khởi mừng. Dù không ngắm nhìn được con, nhưng được nghe tiếng bi bô và tiếng bước chân lẫm chẫm, cảm nhận sự phát triển hàng ngày của con là niềm hạnh phúc vô bờ bến với vợ chồng chị. Thế nhưng, cách đây chừng 2-3 tháng, cứ mỗi lần con bước đi là một lần níu tay bà, tay mẹ và cánh tay nhỏ xíu ấy lại quơ trước mắt để tránh va chạm với đồ vật trong nhà.

“Bà ngoại và các bác thấy con có dấu hiệu lạ nên bảo phải cho đi khám ở bệnh viện tuyến trên. Gom góp đưa con lên Bệnh viện Mắt T.Ư mà buồn quá vì các bác bên đó chuyển luôn con sang Bệnh viện K với lời dặn phải khám chuyên sâu vì nghi ngờ con ung thư võng mạc”, chị Huệ kể lại, nước mắt lăn dài.

Tại Bệnh viện K, cậu bé Hữu Hùng được kết luật ung thư võng mạc cả hai mắt.

Theo lời chị Huệ, cả hai vợ chồng chị đều khiếm thị bẩm sinh, nhất là bên nội, ngoài chồng chị thì bố cùng em chồng cũng khiếm thị cả. Đến tuổi 40, chưa khi nào chị Huệ nghĩ mình sẽ lập gia đình. Rồi mối duyên lành đến với hai anh chị, qua mạng Vina mobile, dù ở 2 tỉnh khác biệt, anh ở Bắc Giang còn chị ở Hưng Yên. Ngoài 40 tuổi, hai anh chị quyết định về nương tựa vào nhau.

“Lấy nhau xong, hai vợ chồng cùng kéo về Hưng Yên ở với mẹ già 90 tuổi nhưng còn sáng mắt. Xung quanh còn có chị em để dễ bề nhờ cậy”, chị Huệ chia sẻ. Ngày mang thai, vợ chồng chị đọng bao nỗi lo lắng con mang “gene” khiếm thị từ cha mẹ. 9 tháng 10 ngày, chị chăm chỉ thăm khám thai nhi. “Vui lắm vì bác sĩ bảo thai nhi phát triển bình thường. Rồi ngày con sinh ra, bà và các bác thông báo con lành lặn như con nhà khác, hai vợ chồng vui mừng khôn xiết”, chị Huệ cho hay.

Ngoài tiền trợ cấp, hai vợ chồng chị Huệ còn cùng 2 người đồng cảnh làm thêm nghề đấm bóp. Mùa nóng đông khách, thu nhập cũng thêm đôi ba triệu, còn ngày lạnh thì lác đác khách. Khéo chắt chiu, anh chị cũng thêm đồng ra đồng vào, đủ lo cho gia đình nhỏ với sự hỗ trợ của mẹ già và các chị em xung quanh. Cậu bé Phạm Hữu Hùng ra đời rồi lớn lên trong sự đùm bọc ấy. So với bạn đồng lứa, bé Hùng nhanh bước đi. Bé đã đi thoăn thoắt khắp nhà khi tròn năm. Đáng tiếc, nhịp bước ấy mỗi ngày chậm đi vì thị lực giảm sút.

Mấy ngày nay, chị Huệ lại bồng con về nhà, chăm bẵm để Hùng có sức tái nhập viện vào cuối tháng 9 này để được truyền hóa chất điều trị căn bệnh ung thư võng mạc. Chị Huệ cho biết, mới đây bác sĩ cho con thử hóa chất với liều lượng thấp xem cơ thể con có thích ứng với phương án điều trị hay không. Đợt điều trị sẽ chính thức từ cuối tháng 9 này.

Gia cảnh vốn khó khăn lại thêm chồng chất khó khăn khi nghĩ tới những ngày sắp tới con nằm viện điều trị. “Hai vợ chồng cùng làm, khéo xoay xở thì cũng vừa đủ chi trả sinh hoạt tối thiểu. Giờ con nằm viện mà chắc thời gian điều trị sẽ kéo dài, mình anh ý làm, lại sắp lạnh rồi, chưa biết làm sao đây”, chị Huệ lo lắng.

Ung thư võng mạc phát hiện sớm, điều trị khỏi

Mọi sự giúp đỡ gia đình chị Huệ, xin gửi về:
Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện K, số 30 Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội. ĐT: 0983215848.
Chị Phạm Thị Huệ, mẹ bé Hữu Hùng, ĐT: 0972943742. Vì vợ chồng chị Huệ không có tài khoản ngân hàng nên mọi sự giúp đỡ xin gửi về tài khoản cháu gái Phạm Thảo Vân, STK: 0591000378570 Vietcombank, Chi nhánh Hưng Yên.
Hoặc đến trực tiếp Khoa Nội nhi, tầng 3, nhà B, Bệnh viện K, số 30 Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội.

Theo ThS. BS. Hoàng Thu Trang, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi Hùng ở Khoa Nội nhi, Bệnh viện K T.Ư, đây là hoàn cảnh đáng thương khi cả gia đình bị mù, bệnh nhi chẩn đoán ung thư võng mạc 2 bên theo dõi di căn tủy. Các bác sĩ đang thực hiện phác đồ truyền hóa chất cho con, kết thúc đợt truyền sẽ đánh giá lại và đưa ra hướng điều trị tiếp.

“Hàng ngày vì bị mù nên mọi sinh hoạt của con chị không thể tự tay chăm sóc, phải nhờ đến sự hỗ trợ của bà và cháu gái thay phiên nhau giúp. Nằm viện như vậy, chị được các bác sĩ, điều dưỡng, nhà hảo tâm quyên góp mỗi người một chút để nộp viện phí và ăn uống đi lại. Gia đình khó khăn quá, anh chị không làm được gì khổ đã đành, giờ con bệnh tật khổ theo...”, BS. Trang cho hay.

Theo nghiên cứu về bệnh lý ung thư võng mạc tại Bệnh viện K, tuổi bị bệnh trung bình 11,6 tháng, tối thiểu phát hiện bệnh ngay sinh ra, tối đa gặp 50 tháng tuổi. Tuổi trung bình lúc chẩn đoán là 18,3 tháng. Sớm nhất là được chẩn đoán lúc 3 tháng và muộn nhất là 60 tháng.

Chia sẻ về căn bệnh này, BS. Phạm Việt Hương, Khoa Nội nhi, Bệnh viện K T.Ư cho biết, bệnh nhi đến viện phần lớn đã ở vào giai đoạn khá muộn, có đồng tử trắng, giảm thị lực và mắt lác. Những dấu hiệu khác như đồng tử giãn và mất phản xạ, mống mắt bạc màu… Giống như các bệnh ung thư khác, nếu bệnh nhi được phát hiện sớm thì cơ hội chữa bệnh cho trẻ cao hơn. Trẻ có thể sống khỏe mạnh không bệnh.

Tuy nhiên, tiên lượng của trẻ bị di căn thì kém hơn. Chính vì thế, bố mẹ có thể tự phát hiện được các dấu hiệu của bệnh để đưa con đến bệnh viện sớm hơn với 4 dấu hiệu chính như: Đồng tử trắng, 56% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu này; lé (lác), đặc biệt, nếu bé bị lé trong vòng 6 tháng tuổi thì nên nghi ngờ có ung thư võng mạc.

Lé cũng là một biểu hiện thường gặp của tật khúc xạ, cần được phát hiện, điều trị sớm; Thị lực kém hay các biểu hiện khác: Đỏ và đau nhức mắt do tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào, viêm tế bào hốc mắt, xuất huyết tự nhiên trong tiền phòng, trong pha lê thể…

Vũ Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dau-long-con-trai-vo-chong-khiem-thi-mac-ung-thu-vong-mac-d435929.html