Đau lòng chuyện ở phòng tham vấn tâm lý học đường: Học sinh kể hận thù anh chị em ruột

Lắng nghe tâm tư của các em, cán bộ phòng tham vấn tâm lý học đường ghi nhận, có những em suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy chán ghét, thậm chí thù hận anh chị em ruột, muốn tự làm đau bản thân,…

Những câu chuyện ở phòng tham vấn tâm lý học đường

Trong thời gian làm việc và nhìn nhận thực tế từ những ca tham vấn tại trường, Ths. Nguyễn Thị Ngân - Chuyên viên tham vấn tại trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) chia sẻ, hiện nay, sức khỏe tinh thần (SKTT) của học sinh gồm 9 vấn đề: Khó khăn giao tiếp, tăng động/giảm chú ý, sang chấn tâm lý, lạm dụng internet, rối loạn hành vi xã hội, khó khăn thiết lập các mối quan hệ, học tập và hướng nghiệp, bạo lực trẻ em, xâm hại trẻ em và nhóm vấn đề khác,…

Sau dịch Covid-19, học sinh gặp vấn đề về SKTT gia tăng về số lượng, mức độ và được thể hiện một cách rõ ràng đặc biệt trong mối quan hệ với gia đình.

Có những em học sinh cảm thấy bế tắc trong việc chia sẻ, giãi bày câu chuyện của mình (Ảnh: Internet).

Có những em học sinh cảm thấy bế tắc trong việc chia sẻ, giãi bày câu chuyện của mình (Ảnh: Internet).

Cán bộ phòng được lắng nghe tâm sự của các em từ những câu chuyện giận hờn, không đồng quan điểm với cha mẹ đến những suy nghĩ tiêu cực và độc hại. Chẳng hạn, học sinh cảm thấy chán ghét, thậm chí thù hận anh chị em ruột, muốn tự làm đau bản thân,…

Em NA. tâm sự: “Khi em gặp khó khăn về việc thích bạn cùng giới, em đã không chia sẻ với bố mẹ bởi vì em lo lắng bị bố mẹ mắng. Thực tế, bạn của em khi chia sẻ khó khăn thì đã bị đánh, bố mẹ thay vì giúp đỡ thì đã đổ lỗi cho việc giao du với bạn bè xấu. Vì vậy, em không biết chia sẻ cùng ai”.

Ngoài ra, vấn đề nổi trội còn là việc lạm dụng internet/game và trầm cảm. Học online đã gia tăng các hành vi sử dụng internet cũng như chơi game bạo lực dẫn tới việc các em thiếu kỹ năng xã hội và tương tác thực tế.

Gia đình - nhà trường cùng chung tay phòng ngừa

Cô Ngân đã từng phụ trách vận hành các phòng tham vấn ban đầu cho dự án của tổ chức Good Neighbors International tại Việt Nam cũng như các phòng khác của Trung tâm Nghiên cứu Sunrise. Với kinh nghiệm làm việc của mình, cô cho biết, ở góc độ trường học, phòng tham vấn có 3 chức năng chính: Sàng lọc, tham vấn trị liệu và phòng ngừa. Chương trình phòng ngừa ngoài việc hướng đến học sinh, còn cung cấp kiến thức đến cha mẹ và giáo viên. Ngoài ra, phòng tham vấn của trường có hotline, thường trực 24/24h giúp các em.

Cô Ngân cho biết, ở góc độ trường học, phòng tham vấn có 3 chức năng chính: Sàng lọc, tham vấn trị liệu và phòng ngừa (Ảnh: NVCC).

Ở góc độ phụ huynh, với các hội thảo dành cho cha mẹ tại trường, trong điều kiện không thể tham gia thì cha mẹ cần tự trang bị kiến thức nhận biết các dấu hiệu về SKTT mà ở độ tuổi của các em dễ gặp phải, từ đó có thể xử lý khẩn cấp, kịp thời những tình huống này ở nhà.

Cha mẹ cũng cần có thời gian chất lượng dành cho con. Bởi vì yêu con là bản năng của những người làm cha làm mẹ. Nhưng trên hành trình cùng con khôn lớn, có nhiều điều cha mẹ cũng cần học hỏi, tìm tòi từ chính quan sát, sự thấu hiểu con của mình thì mới có thể đồng hành, cùng con trải qua những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời.

Ở góc độ học sinh, nhiều em cảm thấy e ngại vì các em nghĩ chỉ có bạn nghịch và dốt thì mới tìm đến phòng tham vấn. Thực tế, các cán bộ giống như những người bạn với các nguyên tắc: Tôn trọng, bảo mật và thân thiện.

Các cô chú không chỉ cùng các em vượt qua khó khăn mà còn giúp khám phá tính cách, nâng cao năng lực, định hướng nghề nghiệp. Vấn đề về SKTT giống như vết thương trên cơ thể, ai cũng đã từng bị xước nhưng nếu như biết cách phòng và xử lý vết thương thì vết thương nhanh khỏi hơn. Vì vậy, các em đừng ngần ngại mà hãy chia sẻ khó khăn đến mọi người để nhận được sự hỗ trợ. Khi các em mạnh dạn nói ra, đó là lúc các em đã cam đảm và mạnh mẽ hơn.

Bạn NA. kể, lúc đầu em cũng e ngại, em không kể được cho cha mẹ và đã kể cho bạn. Nhưng đến một giai đoạn, vấn đề của em đi vào bế tắc, em không thể kể cho bạn được nữa.

Thật may, em đã biết và tìm đến phòng tham vấn của trường. Khi đến đó em cảm thấy các cô thân thiện, gần gũi và đặc biệt câu chuyện của em được giữ bí mật. Em thích phòng tham vấn vì phòng được trang trí đẹp, em có cảm giác giống như ở trong căn phòng của nhà mình.

Sau những lần tham vấn thì em đã cảm thấy bớt áp lực, nhận diện được cảm xúc tốt hơn, vấn đề của em đã được các cô hỗ trợ giải quyết. Bây giờ, em tích cực tham gia hoạt động kết nối, chia sẻ kiến thức của phòng tham vấn do các cô tổ chức.

Mong muốn đầu năm mới

Cô Ngân gửi gắm, mong mỗi người quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần hơn (Ảnh: NVCC).

Bạn NA. bày tỏ,nếu thời gian trở lại vào thời điểm em gặp khó khăn mà chưa có phòng tham vấn ở trường thì em mong muốn cha mẹ dành một chút thời lắng nghe để hiểu em hơn, giúp đỡ em nhiều hơn. Em cũng cần lời an ủi từ bố mẹ khi em gặp những chuyện khó khăn ở trường hoặc bên ngoài xã hội.

Còn với những bạn đang gặp khó khăn, các bạn hãy tìm người mà các bạn tin tưởng để chia sẻ tâm sự và được giúp đỡ. Các bạn nhớ giữ gìn SKTT thật tốt để tiếp tục học tập vì có nhiều điều thú vị đang chờ chúng mình.

Cô Ngân gửi gắm: “Mỗi người đều có 3 điều quan trọng: Thân, tâm, trí. Mọi người quan tâm chăm sóc SKTT hơn, chăm chút hơn đến mảnh đất tâm hồn của mình. Năm mới, chúc mọi người thật sự hạnh phúc”.

Mỹ Lanh

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/dau-long-chuyen-o-phong-tham-van-tam-ly-hoc-duong-d1757.html