Đâu là vùng giá hấp dẫn của NAF?

Với ngành nghề sản xuất, kinh doanh của CTCP Nafoods Group (HoSE: NAF) chịu ảnh hưởng khá nhiều từ thời tiết và nợ phải thu cao. Thế nhưng, lợi nhuận của NAF 9 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/12, NAF chốt phiên ở mức 21.800 đồng/CP.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2017, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của NAF đạt 389 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hệ số giá vốn trên doanh thu thuần của doanh nghiệp này giảm xuống mức 68,8%, so với mức 77,3% của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của NAF đã có hiệu quả hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, biên lợi nhuận gộp của NAF cũng đã tăng lên mức 30,8%, so với mức 22,3% của cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của NAF cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, khi lần lượt tăng 50% và 46%. Như vậy, tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của NAF chiếm tới hơn 40% lợi nhuận gộp, một tỷ lệ khá cao so với mức bình quân của các doanh nghiệp niêm yết.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của NAF đạt 53 tỷ đồng, tăng gần 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng lưu ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của NAF trong kỳ âm tới hơn 80 tỷ đồng, tăng hơn 470% so với cùng kỳ, do các khoản phải thu lên tới hơn 170 tỷ đồng, trong khi đó dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 53 tỷ đồng do tiền chi cho vay, mua các công cụ nợ,… tăng mạnh so với cùng kỳ. Điều này đã dẫn đến lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 21 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.

Nợ phải trả của NAF tính đến 30/9 là hơn 319 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn lên tới hơn 255 tỷ đồng. Trong khi đó vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm là 482 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 66,1%. Mặc dù tỷ lệ này không lớn, nhưng trong điều kiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn âm, thì áp lực trả nợ đối với NAF cũng không hề nhỏ.

Hiện nay, NAF đã khẳng định được vị thế trong lĩnh vực sản xuất nước ép trái cây và rau củ quả đông lạnh xuất khẩu, với hai loại trái cây chủ đạo chanh dây và gấc. Trong đó, xuất khẩu nước chanh dây cô đặc đông lạnh đóng góp khoảng hơn 60% tổng doanh thu và hơn 40% lợi nhuận. Tuy sản phẩm nước chanh dây có lợi nhuận biên thấp hơn sản phẩm cây giống của NAF, nhưng đây là sản phẩm quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất, giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cây giống. Đây là mặt hàng chủ lực giúp doanh nghiệp này khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, gấc cũng là một sản phẩm chiến lược của NAF khi doanh nghiệp này đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này, đặc biệt vào thị trường Mỹ.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, NAF cũng đang đối mặt với một số rủi ro: Thứ nhất, do sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp nên NAF phải chịu tác động từ yếu tố thời tiết. Thứ hai, tỷ trọng bán nợ cho khách hàng của NAF trên doanh thu ở mức cao cho thấy NAF đang bị khách hàng chiếm dụng vốn. Các khoản phải thu này cũng có rủi ro trở thành nợ khó đòi. Thứ ba, mô hình chuỗi kinh doanh khép kín cần sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ của toàn hệ thống. Do đó, nếu trục trặc ở khâu nào sẽ ảnh hưởng tới toàn hệ thống. Thứ tư, rủi ro tiêu thụ sản phẩm cũng là một vấn đề với NAF khi mà ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế…

Trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu NAF đã tăng 2,83%, nhưng trong tuần nay do áp lực điều chỉnh thị trường chung, nên cổ phiếu này đã giảm khoảng 3,54%. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/12, NAF chốt phiên ở mức 21.800 đồng/CP. Trên biểu đồ phân tích kỹ thuật, NAF vẫn có xu hướng điều chỉnh, có thể sẽ về vùng 16.000- 20.000đồng/CP.

Với triển vọng phát triển của doanh nghiệp này, nếu giá cổ phiếu NAF điều chỉnh về vùng nói trên, thì các nhà đầu tư có thể xem xét mua vào.

Thanh Thiên

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/dau-la-vung-gia-hap-dan-cua-naf-121998.html