Đâu là ưu tiên số 1

Diễn biến dịch bệnh Covid đang ở mức cảnh giác cao nhất do phạm vi gần 20 tỉnh, thành dính dịch và biến thể siêu lây nhiễm mới. Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ gần đây đã khẳng định sẵn sàng tư thế 'chủ động tấn công'.

Rõ ràng, dịch bệnh len lỏi như thế “da báo” và vào tận phòng tuyến cuối là bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19.

Xem lịch trình di chuyển của một số người làm trong ngành y mới thấy đáng ngại, nhất là những người làm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Vẫn biết, làm việc ở đây đối mặt với rủi ro, cần sự hy sinh, nhưng những bệnh viện dạng này phải có quy trình nghiêm ngặt đối với cán bộ, nhân viên khi tiếp xúc với bên ngoài.

Các kịch bản tăng trưởng kinh tế đã được xây dựng trong bối cảnh nước ta đang khống chế được dịch. Thế nhưng, trong tình hình mới, với “bài học Ấn Độ”, khó mà làm khác ngoài các mũi “tấn công” khoanh vùng, dập dịch. Các địa phương phải chủ động hơn trong việc ngăn ngừa (đảm bảo 5K) truy vết và đặc biệt kiểm soát biên giới (với những nơi có đường biên). Ưu tiên trong bối cảnh hiện nay, dịch COVID phải được kiểm soát; đảm bảo an toàn cho những cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh “bài học Ấn Độ” mất kiểm soát, cách làm của Brunei cho thấy những các yếu tố quyết định, như: Kiểm soát biên giới, thực hiện 5K nghiêm ngặt, tiêm phòng vắc xin và xét nghiệm diện rộng… đã giúp quốc gia này giữ được hơn 1 năm (từ 6/5/2020 đến nay) không ghi nhận ca nhiễm mới. Trung Quốc sau lần “thất thủ” ở Vũ Hán, nước này đã có cách kiểm soát khác. Ngành y tế Trung Quốc nói riêng và cả cộng đồng nói chung đều đặt ra quy trình quản lý nghiêm ngặt. Ví dụ: Công dân được phân loại sức khỏe bằng cách gắn bảng màu dựa trên những yếu tố tiếp xúc (gần-xa) với nguy cơ. Chính vì vậy, trong kỳ nghỉ lễ gần đây, du lịch nội địa và các ngành dịch vụ Trung Quốc tăng trưởng gấp nhiều lần so với trước lúc đại dịch xuất hiện, nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Nói như vậy để thấy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta lúc này nên tạm lùi 1 bước để các ngành chức năng “tấn công” đẩy lùi dịch bệnh. Trong đó, ngay từ nội bộ ngành y tế cũng cần có quy định riêng nghiêm ngặt chặt chẽ để bảo vệ “phòng tuyến” và ngăn lây nhiễm ra cộng đồng. Câu chuyện Ấn Độ- “cường quốc y tế” vỡ trận về y tế luôn được nhắc tới để đề cao cảnh giác.

Hiện, nhiều bộ ngành đã có người đứng đầu mới, các địa phương cũng vậy. Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 xem như một thử thách bản lĩnh trong quản trị, điều hành của các “tư lệnh”. Một khi “dẹp yên” Covid-19 lần thứ 4, các bộ ngành mới bàn tiếp thu hút đầu tư, “lót ổ đón đại bàng”, thúc đẩy đầu tư công…

Đình Thắng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dau-la-uu-tien-so-1-post1334583.tpo