Đâu là trở ngại của mục tiêu xuất khẩu nông sản 2018?

Ngày 8/1/2018, Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Nghị quyết số 431-NQ-BCSĐ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ. Theo đó, trong năm 2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 3,0%, trồng trọt tăng tối thiểu 2,2%, chăn nuôi 3%, thủy sản 5,5%, lâm nghiệp 6%. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD, trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 21 tỷ USD, thủy sản khoảng 9 tỷ USD, lâm nghiệp trên 8,5 tỷ USD, các mặt hàng khác 1,5 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra nhiều giải pháp, như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp; Tập trung xây dựng, trình Chính phủ cho ý kiến và trình Quốc hội khóa 14 xem xét thông qua một số luật liên quan (Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi; sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống thiên tai). Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản (sửa đổi)… Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; Tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm 50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh cụ thể, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung thúc đẩy thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ...

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, xuất khẩu nông sản năm 2018 có nhiều thuận lợi, như: Từ năm 2018, có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực hiện, đây là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng. Thứ hai, tinh thần Chính phủ kiến tạo, kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả và hỗ trợ kinh tế tư nhân được lan tỏa và triển khai tích cực ngay từ ngày đầu năm, sẽ tạo sự thông thoáng hơn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất, chế biến - xuất khẩu nông sản nói chung. Thứ ba, tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp với những kết quả đạt được tiếp tục thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản phát triển. Thứ tư, tư duy về khai thác lợi thế cạnh tranh (nông sản nhiệt đới và cận nhiệt đới) ngày càng rõ nét ở các ngành và các địa phương. Thứ năm, thành công của năm 2017 là động lực thúc đẩy sự sáng tạo hơn, năng động hơn cho người dân và doanh nghiệp. Thứ sáu, kỷ nguyên công nghiệp lần thứ tư - cách mạng công nghiệp 4.0 được Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ là một thuận lợi lớn.

Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà quản lý ngành nông nghiệp cũng chỉ rõ những điểm yếu cùng những thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu. Đó là, quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP,… còn ở quy mô nhỏ nên chất lượng nông sản của ta chưa đồng đều trong khi việc kiểm soát chất lượng từ các thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe. Thứ hai, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu liên kết khiến năng suất lao động không cao, giá cả thiếu cạnh tranh và chất lượng, mẫu mã sản phẩm không đồng nhất. Thứ ba, sự liên kết theo chuỗi ngành hàng chưa chặt chẽ và vai trò của hợp tác xã nông nghiệp còn mờ nhạt khiến giá trị gia tăng thấp. Thứ tư, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khó lường. Thứ năm, thể chế của ta đã đổi mới tích cực nhưng vẫn còn nhiều, rất nhiều điểm nghẽn cần sửa đổi để phù hợp với tình hình mới. Thứ sáu, việc tiếp cận công nghiệp kỷ nguyên 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp trên nền tảng sản xuất quy mô hộ gia đình là một rào cản không nhỏ…

Để có thể đạt mục tiêu xuất khẩu nông sản 40 tỷ USD trong năm 2018, và tiếp tục tăng trưởng trong các năm tiếp theo, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Tăng trưởng và phát triển là một cuộc đua marathon đường trường chứ không phải là một cuộc chạy đua nước rút. Đồng thời, ông nhấn mạnh quan điểm: Thể chế phải làm sao thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, phải nâng cao năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển thương mại điện tử. Cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong từng cấp, từng ngành, từng doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, địa phương và sản phẩm.

Như vậy có thể thấy rằng, để có thể đạt mục tiêu, ngành nông nghiệp cần có chính sách phù hợp cho tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi ngành hàng, nhất là các doanh nghiệp thực hiện nông nghiệp công nghệ cao, nhằm mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ xây dựng mối liên kết và hợp tác xã nông nghiệp phù hợp từng ngành hàng, từng địa bàn gắn với hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu lao động, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để khai thác tối ưu lợi thế khí hậu nhiệt đới gió mùa với một mùa đông lạnh ở phía Bắc. Nghĩa là, trở ngại chính của nhiệm vụ chính là chúng ta. Chúng ta phải thay đổi nhanh, mạnh hơn nữa thì mới đạt được mục tiêu, tầm nhìn dài hạn.

Ý kiến bạn thế nào? Mong bạn góp thêm ý kiến vào mục “Ý kiến bạn đọc” dưới bài báo trên kinhtenongthon.vn. Trân trọng cảm ơn!

Hiền Anh

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/dau-la-tro-ngai-cua-muc-tieu-xuat-khau-nong-san-2018-post2065.html