Đâu là triết lý dẫn đến thành công của TKV?
Quan điểm của TKV, 'mọi cái đều có thể mất đi nhưng văn hóa ở lại'. Chúng ta phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa TKV phát triển. TKV đã nâng tầm văn hóa thông qua việc xây dựng hình ảnh Người thợ mỏ - Người chiến sĩ có đầy đủ giá trị 'đạo đức, trí tuệ và bản lĩnh'.
1. Những dấu ấn nổi bật trong 30 năm (1994 - 2024)
Năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Đây là dịp chúng ta có điều kiện để nhìn rõ lại TKV đã làm được gì? Đã hoàn thành sứ mệnh của Tập đoàn và chúng ta sẽ bước vào thời kỳ mới ra sao?
Nhìn lại 30 năm xây dựng và phát triển, có thể chia thành 3 giai đoạn 10 năm: giai đoạn 1994 - 2004, giai đoạn 2004 - 2014 và giai đoạn 2014 - 2024. Mỗi một giai đoạn có một bối cảnh lịch sử riêng, có những đặc thù riêng và cũng ghi lại những dấu ấn riêng, rất tự hào, cho ta thấy hành trình xuyên suốt không ngừng thay đổi diện mạo với những bứt phá ngoạn mục của TKV.Những năm đầu thành lập, Tổng công ty Than Việt Nam thuần nhất làm than. Đấy là thời kỳ đầy vất vả để giữ vững khai trường bởi nạn than thổ phỉ hoành hành, tìm kiếm thị trường sau thời gian dài đất nước bị cấm vận dẫn đến đời sống công nhân ngành Than rất khó khăn.
Vượt qua bao gian khổ, khó khăn, chúng ta thật tự hào khi các thế hệ cha anh đi trước đã nắm bắt thời cơ, phát huy tối đa truyền thống và những lợi thế của ngành, mạnh dạn, táo bạo mở mang phát triển sang các lĩnh vực hoạt động khác bên cạnh than như: điện, khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp... từng bước hình thành bốn lĩnh vực SXKD chính, là “tứ trụ” cho sự tăng trưởng, phát triển bền vững của TKV đến hôm nay.
Từ việc đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Na Dương, Lạng Sơn - nhà máy Nhiệt điện đầu tiên của TKV, không những đã làm sống lại mỏ than Na Dương đang bên bờ vực nguy cơ phải đóng cửa, mà còn mở ra một lĩnh vực SXKD mới của TKV. Đến nay, Tập đoàn đã có 7 nhà máy điện đang vận hành hiệu quả (6 nhiệt điện, 1thủy điện) với tổng công suất thiết kế 1.730 MW. Sản lượng điện sản xuất hằng năm của TKV khoảng 10 tỷ kWh.
Đặc biệt, TKV đã đầu tư phát triển lĩnh vực bauxite - alumin nhôm. Đây là mũi nhọn, có thể nói, là tiền đề cho phát triển của TKV nói riêng và phát triển kinh tế đất nước trong tương lai dài sau này. Hiệu quả của 2 tổ hợp sản xuất alumin của TKV tại Lâm Đồng và Đắk Nông với kim ngạch xuất khẩu hiện nay khoảng 1 tỷ USD/năm đã chứng minh điều đó.
Trong công nghiệp hóa chất, từ chỗ phải nhập khẩu 100% NH3N04 dẫn tới bị động trong việc đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc nổ công nghiệp. Đến nay, TKV đã tự chủ sản xuất thành công tiền chất thuốc nổ - amon nitrat. TKV không những đã chủ động được vật tư nhiên liệu phục vụ sản xuất, mà còn góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.
Tiếp theo, Tổng công ty Khoáng sản gia nhập Tập đoàn, TKV phát triển thêm các lĩnh vực chế biến sâu kim loại như đồng, thiếc, kẽm, chì..., đầu tư các tổ hợp nhà máy luyện kim hiện đại.
30 năm, từ đất mỏ Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã vươn mình lớn mạnh, mở rộng địa bàn hoạt động với hàng loạt dự án trọng điểm được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng trên nền công nghiệp than - khoáng sản và đã khẳng định vị thế số 1 trên thị trường với các lĩnh vực chính: Khai khoáng (than - khoáng sản), Năng lượng (điện, nhiên liệu) - Luyện kim (luyện kim đen, luyện kim màu) - Hóa chất (hóa chất cơ bản, vật liệu nổ công nghiệp) - Vật liệu xây dựng (xi măng, gạch ngói...) - Cơ khí (thiết bị, máy mỏ, xe tải nặng, tàu thủy...) - Xây lắp công trình - Dịch vụ ..
2. Xác lập thêm nhiều kỷ lục mới (2014 - 2024)
Những thành tựu to lớn đạt được qua các giai đoạn là tiền đề vững chắc và là động lực mạnh mẽ, thôi thúc thế hệ CNCB đi sau không ngừng vươn lên và tập trung vào những nhiệm vụ cốt lõi để thúc đẩy TKV phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh 10 năm gần đây cơ chế chính sách Nhà nước có rất nhiều thay đổi, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và thế giới có nhiều biếnđộng và TKV phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong tiền lệ.
Nhìn lại 10 năm trở lại đây, con thuyền TKV có những lúc tròng trành, chao đảo bởi khó khăn chưa từng có trong lịch sử. Đó là trận mưa lụt lịch sử ở Vùng mỏ Quảng Ninh năm 2015 gây ra cho TKV thiệt hại nặng nề trên 1.200 tỷ đồng, gần 30 nghìn thợ mỏ nghỉ việc tạm thời trong thời gian dài, đặc biệt là mỏ Mông Dương đã bị mưa lũ nhấn chìm tưởng chừng không cứu được mỏ... Đó là cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới năm 2016 - 2017, làm giá than giảm mạnh, dẫn tới than sản xuất trong nước tồn kho tăng cao. Đỉnh điểm là năm 2017 có lúc tồn kho than lên đến 12 triệu tấn với giá trị tồn kho trên 20 nghìn tỷ VNĐ (≈ 1 tỷ USD). Là đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, làm đứt gãy, tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó có TKV. Là siêu bão Yagi tháng 9/2024 với sức tàn phá khủng khiếp gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía bắc, cũng như Quảng Ninh, trong đó tổn thất của TKV và các đơn vị thiệt hại rất lớn. Vấn đề nữa là làm khai khoáng quan trọng nhất là tài nguyên. TKV đã và đang đối mặt với tình trạng suy giảm tài nguyên tự nhiên nghiêm trọng, trong khi đó việc xin giấy phép mở đề án thăm dò, dự án khai thác mới mất rất nhiều thời gian. Những khó khăn, thách thức này là trở ngại của ngành công nghiệp khai khoáng mà TKV không dễ dàng vượt qua.
Song 10 năm qua, 2014 - 2024 cũng là giai đoạn cho thấy những dấu ấn nổi trội, có tính bước ngoặt trong đổi mới và phát triển của TKV. Bằng bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức của những Người thợ mỏ - Người chiến sĩ, TKV đã đạt được những kỳ tích mang tính lịch sử.
2.1. Đầu tiên là đổi mới tư duy về mô hình kinh doanh: TKV đã dần hình thành tư duy “kinh doanh mỏ” từ khâu mở mỏ, trình tự khai thác, đổ thải, cơ sở hạ tầng logistics, chế biến tiêu thụ... đã được tính toán đầy đủ hơn từ các yếu tố xung quanh bao gồm cả yếu tố dân cư và yếu tố khí hậu cực đoan, các công trình, môi trường... Tư duy này cũng làm tiền đề để xây dựng thành công mô hình kinh doanh than của TKV từ sản xuất - tiêu thụ sang sản xuất - chế biến - thương mại than, mở ra một hướng đi mới rất chiến lược cho TKV.
2.2. Tiếp đến là đổi mới về mô hình tổ chức: Tập đoàn đẩy mạnh tái cơ cấu, tinh gọn tổ chức để tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính; cơ cấu lại tổ chức nội bộ nhằm xóa bỏ tối đa các tầng, nấc quản lý trung gian để nâng cao hiệu quả điều hành. Về cơ bản tất cả các đơn vị sản xuất than đều đã chuyển về hoạt động theo mô hình 1 cấp, không còn các xí nghiệp trực thuộc, hoặc nhiều cấp.
2.3. Trọng tâm nhất là đổi mới công nghệ
Với lĩnh vực công nghiệp than - lĩnh vực chủ lực của TKV, từ năm 2015, TKV đã triển khai áp dụng công nghệ khai thác vỉa dốc bằng lò chợ dây diều chống giữ bằng giàn chống ZRY nhằm thay thế cho công nghệ khai thác truyền thống khai thác buồng - thượng, dọc vỉa phân tầng góp phần bảo đảm an toàn, nâng cao năng suất, tăng tỉ lệ thu hồi và giảm tổn thất tài nguyên từ 40÷50% xuống dưới 20%.
Năm 2020, TKV đã nghiên cứu và triển khai áp dụng công nghệ đào lò bằng máy combai hạng nhẹ EBH45 tại Vàng Danh đã mở ra hướng đi mới trong việc cơ giới hóa đào lò. Đến nay, toàn Tập đoàn có 13 dây chuyền CGH đào lò than bằng máy EBH45.
Tập đoàn thực hiện chuyển đổi khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò. Nếu như giai đoạn trước năm 2014, sản lượng khai thác lộ thiên toàn TKV chiếm tỷ trọng bình quân trên 53% tổng than nguyên khai thì đến giai đoạn 2015 - 2024 tỉ trọng bình quân chỉ còn chiếm 36,4%, tổng sản lượng than khai thác. Dự kiến sau năm 2024, tỷ trọng chỉ còn chiếm gần 29% tổng sản lượng than khai thác. Mỏ Núi Béo là một điển hình với việc chuyển đổi mô hình sản xuất từ 100% lộ thiên (trước 2015) sang 100% khai thác hầm lò từ năm 2022.
Cùng với đó là thực hiện liên thông các mỏ lộ thiên thành các mỏ có công suất lớn nhằm tối ưu hóa về mặt công nghệ khai thác phù hợp với điều kiện sản xuất, đáp ứng được việc huy
động sản lượng (mỏ lộ thiên công suất trên 3,0 triệu tấn/năm như liên thông cặp Đèo Nai - Cọc Sáu, Cao Sơn - Tây Nam Đá Mài). Liên thông vận tải than hầm lò từ khu Hạ My về mặt bằng cửa lò mức +131 khu Đồng Vông và liên thông vận tải than từ khu Đồng Vông - Công ty Than Uông Bí đi Nhà máy Tuyển than Vàng Danh II - Công ty Than Vàng Danh, liên thôngvận tải than hầm lò từ khu Cái Đá - mỏ Suối Lại về Dự án khai thác dưới mức -75 mỏ Bình Minh - Công ty Than Hòn Gai.
Quyết sách này của TKV đã mở ra một tư duy mới về không gian khai thác với khai trường rộng lớn, đồng thời giải quyết được các vướng mắc về chồng lấn tài nguyên, đồng bộ các dây chuyền của hệ thống khai thác, trình tự đổ thải hợp lý vừa bảo đảm môi trường vừa tiết kiệm chi phí cho Tập đoàn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
“Mắt xích” quan trọng nhất trong đổi mới công nghệ giai đoạn 2014 - 2014 chính là việc tập trung thực hiện 3 hóa: Cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa.
Về cơ giới hóa, giai đoạn trước năm 2014, số lượng dây chuyền thiết bị CGH đồng bộ của TKV là 4 dây chuyền với tổng sản lượng than khai thác mới đạt 4,1 triệu tấn, chiếm tỉ trọng khoảng 0,4 - 3,5% tổng sản lượng than hầm lò; Đến giai đoạn từ 2014 - 2024, số lượng dây chuyền CGH đã tăng lên là 11 dây chuyền, tổng sản lượng than khai thác đã đạt 29,24 triệu tấn, tăng gần 6,0 lần so với giai đoạn trước. Trong đó, lò chợ cơ giới hóa của Công ty Than Hà Lầm đạt công suất sản lượng kỷ lục 1,2 triệu tấn/ năm - lớn nhất từ trước đến nay.
Trong vận chuyển, tiêu thụ than, TKV đã đưa vào sử dụng 5 hệ thống băng tải vận chuyển than từ các mỏ đến các kho cảng và nhà máy nhiệt điện phục vụ nhu cầu tiêu thụ than; các hệ thống băng tải kín dần thay thế hình thức vận tải bằng ô tô, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Về tự động hóa, hầu hết các công đoạn sản xuất đã triển khai lắp đặt các hệ thống tự động hóa. Kết quả áp dụng giải pháp tự động hóa trong các công đoạn sản xuất than đã giúp các đơn vị tiết giảm được 40 - 60% lao động, năng suất lao động tăng khoảng 10 - 12%, ách tắc trong sản xuất giảm rõ rệt.
Về tin học hóa, các đơn vị sản xuất than trong TKV đã triển khai các phần mềm phục vụ điều hành sản xuất như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; phần mềm quản lý công tác đầu tư XDCB; phần mềm quản lý dòng sản phẩm than; phần mềm giao ca, nhật lệnh sản xuất, v.v... Đặc biệt, TKV đã hoàn thành xây dựng Hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu địa chất than và lưu trữ được toàn bộ các kết quả thăm dò than đã được phê duyệt, cấp phép (báo cáo, dữ liệu, lỗ khoan và số liệu khác).
Không chỉ đối với lĩnh vực sản xuất than, trong lĩnh vực sản xuất alumin, bên cạnh việc đưa vào khai thác, vận hành thành công 2 dự án sản xuất alumin thì việc tối ưu hóa chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm này (alumin) được thực hiện thông qua chuyển đổi hình thức bán hàng từ việc chỉ bán hàng đóng bao vì phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Đến nay bằng việc xuất khẩu alumina hàng rời đạt 98% và hầu hết sản phẩm được xuất khẩu sang Trung Đông, Ấn Độ, Hàn Quốc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Từ đổi mới cơ cấu - đổi mới công nghệ, TKV đã cắt giảm và thay thế cho trên 25 nghìn lao động. Từ đó làm cho năng suất lao động không ngừng tăng. Giai đoạn 2014 - 2024 là thời kỳ có tốc độ tăng năng suất lao động bình quân cao nhất từ trước đến nay cả về giá trị lẫn sản lượng hiện vật quy đổi. Đến nay, năng suất lao động tổng hợp toàn Tập đoàn và năng suất lao động tổng hợp sản xuất than đều tăng trên 100%, gấp 2 lần, với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9%/ năm. Năng suất lao động của TKV đạt tương đương NSLĐ của Ba Lan 750/tấn/người/năm. Cũng thấy rõ rằng, “3 hóa” sẽ tiếp tục là chiến lược quan trọng hàng đầu thúc đẩy tăng năng suất để TKV SXKD ngày một thông minh hơn trong giai đoạn tới.
Có thể nói, giai đoạn 2014 - 2024, TKV đã đạt rất nhiều thành tựu mang tính chất vượt bậc, dấu ấn lịch sử. Liên tiếp các năm 2022, 2023, lợi nhuận và nộp ngân sách của TKV đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay kể từ khi thành lập với giá trị 29.216 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD).
Doanh thu toàn Tập đoàn giai đoạn 2014 - 2023: 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 677 nghìn tỷ đồng và tăng 109% so với giai đoạn 2004 - 2013. Lợi nhuận: 44.500 tỷ đồng. Nộp NSNN: 181 nghìn tỷ đồng, tăng 106 nghìn tỷ và tăng 141% so với giai đoạn 2004 - 2013. Giá trị vốn chủ sở hữu toàn Tập đoàn tại 31/12/2023 là 40.900 tỷ đồng, tăng 12.700 tỷ đồng, tương ứng tăng 35,7% so với năm 2014.
3. Khởi nguồn từ sức mạnh nội sinh “Kỷ luật và Đồng tâm”
Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” - được hun đúc lên từ những ngày sục sôi đấu tranh tổng bãi công năm 1936 - là tài sản riêng có của những người Thợ mỏ TKV, là động lực quan trọng, là một trong những thành tố tiên quyết góp phần tạo nên thành công của TKV trong suốt chặng đường đã qua.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ngày nay không những đã kế thừa mà còn làm giàu thêm truyền thống văn hóa của các thế hệ thợ mỏ, đặc biệt đã lan tỏa truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đến tất cả các địa phương nơi mà ngành Than đặt chân.
Phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” bằng việc làm cụ thể là xây dựng hình ảnh “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ”, TKV đã không ngừng nỗ lực, không ngừng phấn đấu cống hiến mồ hôi, xương máu, thậm chí cả tính mạng cho sự nghiệp phát triển của ngành Than - Khoáng sản. Thách thức, khó khăn chưa bao giờ làm lung lay ý chí của những người Thợ mỏ TKV. Càng trong gian khó, sức mạnh đoàn kết từ truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” càng được phát huy. Theo đó đã ghi dấu tốt đẹp về một “TKV lớn mạnh - Người thợ mỏ anh hùng”, nhất là trong giai đoạn 30 năm xây dựng và phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Nói đến “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ” là nói đến hệ giá trị đã được rèn đúc trong suốt quá trình lịch sử của ngành.
Thứ nhất là trí tuệ, là tinh thần cách mạng chủ động sáng tạo trong đấu tranh và lao động sản xuất và ý thức tổ chức kỷ luật chặt chẽ của công nhân thợ mỏ cũng như là của người chiến sĩ quân đội. Những điều này đã được minh chứng qua thành tựu mà Tập đoàn đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của ngành.
Thứ hai là bản lĩnh của người thợ mỏ, tinh thần anh dũng, kiên cường, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh vì đồng đội trong lao động của thợ mỏ giống như người chiến sĩ trong chiến đấu.
Thứ ba là đạo đức, là tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, đồng cam cộng khổ trong chiến đấu, sản xuất của người thợ mỏ.
Thống kê lại so với các ngành lao động khác, ngành Than vượt trội hơn về số lượng Anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, bằng lao động sáng tạo, bằng khen, giấy khen, thợ giỏi toàn quốc... Những ghi nhận đó của Nhà nước không chỉ có được vì sự nghiệp sản xuất nguồn “vàng đen” cho Tổ quốc, mà còn cho thấy tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, chủ động sáng tạo, kỷ luật, trách nhiệm lao động sản xuất, không ngại vất vả, hy sinh của những “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ” trên mặt trận sản xuất.
Ngày nay, vị thế của thợ mỏ ngành Than đã bước sang một trang mới, không những xứng đáng với vai trò chiến sĩ trên mặt trận sản xuất than - khoáng sản như lời Bác căn dặn năm xưa, mà đã trở thành đội ngũ CNCB có trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức trên các lĩnh vực từ khai thác đến sàng tuyển, chế biến sâu các sản phẩm than - khoáng sản; từ công nghiệp than, khoáng sản, điện lực, hóa chất mỏ - vật liệu nổ công nghiệp đến cơ khí và thương mại... góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với đội ngũ CBCN và người lao động gồm 36 dân tộc anh em đang làm việc trên 42 tỉnh thành của cả nước, trong giai đoạn tới, chúng ta cần chung tay phát triển Văn hóa doanh nghiệp TKV lên một tầm cao mới thành một “Pháo đài văn hóa”, lấy địa bàn Quảng Ninh làm nơi hội tụ và giao thoa, lan tỏa các nền văn hóa; tiếp tục lưu giữ,
phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống mà cốt lõi là văn hóa “Kỷ luật và Đồng tâm”, đặc biệt là tiếp tục xây dựng hình ảnh người thợ mỏ chiến sĩ với hệ giá trị “Đạo đức-Trí tuệ-Bản lĩnh”.Đó là tài sản riêng có, là nguồn sức mạnh giúp TKV không ngừng bứt phá ngoạn mục trên hành trình mới.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dau-la-triet-ly-dan-den-thanh-cong-cua-tkv-718740.html