Đâu là rào cản và giải pháp để tăng trưởng xuất khẩu nông sản?

Trong nhiều năm qua, xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng đã đạt những kết quả khả quan, tạo đà quan trọng cho nền kinh tế trong hành trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nông sản Việt đến thế giới.

Nhưng, nhìn một cách tổng quát thì tiềm năng để tăng trưởng xuất khẩu của ta, nhất là những mặt hàng nông sản còn rất lớn nếu ta dẹp bỏ được những điểm yếu của chính mình. Đó là nội dung chính của Hội nghị toàn quốc bàn về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Đây chính là sự kịp thời của Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển và phục vụ nhân dân nhằm sớm gỡ bỏ những rào cản nội tại, qua đó đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng trên cơ sở bền vững với sự đồng thuận cao.

Tại Hội nghị này, Thủ tướng đặt 5 câu hỏi lớn: Thứ nhất, làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam. Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hai, sáng kiến gì để loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu. Thứ ba, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu. Thứ tư, tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa thế nào? Và, thứ năm, khâu nào là khâu yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay?

Trước đó, sáng 16/4, Thủ tướng cũng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Bốn nội dung lớn: nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và dịch vụ, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đặc biệt, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn đã được mổ xẻ, luận bàn. Và Thủ tướng đã giao những nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ liên quan (giao thông, kế hoạch - đầu tư, công thương, tài chính và nông nghiệp- phát triển nông thôn).

Thực tế cho thấy, rào cản của xuất khẩu là không nhỏ, đến từ cả khách quan và chủ quan. Khách quan là việc chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các nước nâng tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm,… Tuy nhiên, rào cản từ chính chúng ta là không nhỏ. Năm câu hỏi Thủ tướng nêu ra tại Hội nghị toàn quốc bàn về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu đã thể hiện rõ điều đó.

Mới đây, thông tin 80.000 quả sầu riêng của Thái Lan được người dân Trung Quốc mua hết trong vòng 60 giây được rất nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi: Tại sao vậy?

Qua tìm hiểu được biết, thông qua tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới Alibaba, Thái Lan và Trung Quốc đã ký kết quyết định trao đổi hàng hóa hai bên, theo đó, Thái Lan sẽ cung cấp nông sản chất lượng cao cho Trung Quốc. Với thế mạnh về sầu riêng, Thái Lan đã bán sản phẩm đặc thù này trên mạng internet và kết quả thu về như thông tin nêu trên. Theo Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, Jack Ma, “Trung Quốc sẽ sớm trở thành khách hàng lớn và tiềm năng nhất thế giới khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên. Dự kiến, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc sẽ đạt con số 300 triệu người trong năm 2020. Dự kiến sẽ có khoảng 2 triệu quả sầu riêng Thái Lan được bán trong thời gian tới tại Trung Quốc".

Thực tế cho thấy, trong sản xuất, rào cản lớn nhất là quy mô sản xuất nhỏ khiến khó áp dụng tiến bộ công nghệ, cơ giới hóa làm cho năng suất thấp, chi phí cao, chất lượng sản phẩm không đồng nhất. Việc khó tích tụ ruộng đất đủ lớn, khó tiếp cận vốn và tiến bộ công nghệ và cả việc sớm bảo hộ sáng kiến độc quyền, cấp chứng nhận địa lý cũng là rào cản không nhỏ cho mở rộng, phát triển sản xuất. Thêm nữa, vai trò đàm phán với đối tác của ta cũng chưa hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu...

Xin nhắc lại câu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị bàn về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu: "Chiếm lĩnh thị trường là con đường giúp nền kinh tế Việt Nam cất cánh".

Như vậy có thể thấy, việc thúc đẩy xuất khẩu để phát triển sản xuất là đặc biệt quan trọng trong hành trình xây dựng nước Việt Nam giàu, mạnh.

Bởi vậy, tháo gỡ rào cản phải được triển khai tích cực từ tất cả các bên, cả nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng, thương gia và người sản xuất. Phải làm sao nâng cao năng suất để hạ giá thành, nhưng lại phải đảm bảo các yêu cầu cao và đồng nhất về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm phải đáp ứng không chỉ các yêu cầu về thị trường mà còn đáp ứng yêu cầu về văn hóa, tôn giáo của mỗi quốc gia, khu vực. Việc này chỉ có thể thực hiện khi có sự hợp tác liên kết trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên, trong đó doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt.

Tuy nhiên, có những việc doanh nghiệp không thể làm nếu cơ chế chính sách về tích tụ đất, cho vay vốn, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ của Nhà nước chưa có sự thay đổi phù hợp. Đó còn là việc đàm phán mở rộng thị trường của cơ quan chức năng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhất là sự đồng bộ của thể chế và sự thống nhất của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương.

Ý kiến bạn thế nào? Bạn có thể chia sẻ ý kiến mục Bình luận ngay dưới bài viết này trên kinhtenongthon.vn hoặc qua Email: baoktnt@vnn.vn. Trân trọng cảm ơn!

Thanh Hiền

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/dau-la-rao-can-va-giai-phap-de-tang-truong-xuat-khau-nong-san-post18903.html