Đâu là 'nút thắt' lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới?

Sáng ngày 6/11, mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là người đầu tiên 'ngồi ghế nóng' trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội xoay quanh các vấn đề về chất lượng, hiệu quả thực hiện xây dựng nông thôn mới, công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ…

Báo cáo tại Phiên chất vấn về một số nội dung liên quan đến chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau hơn 9 năm cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743 km đường giao thông, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 68,7%; có trên 97% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến Ủy ban nhân dân huyện được cứng hóa; gần 80% số xã đã trải nhựa, bê tông đường ngõ xóm.

Toàn cảnh Phiên chất vấn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng ngày 6/11

Toàn cảnh Phiên chất vấn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng ngày 6/11

Công nghiệp, dịch vụ nông thôn đã và đang trở thành giải pháp quan trọng tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn (tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 37,7% năm 2018). Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn năm 2018 đạt khoảng 35,88 triệu đồng, tăng 2,78 lần so với năm 2010; khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,8 lần năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm còn 6,5%...

Tại Phiên chất vấn, đa số đại biểu tán thành với những kết quả nổi bật đạt được, tuy nhiên các đại biểu cho rằng sự chỉ đạo còn chưa đồng bộ, có lúc, có nơi cấp ủy, chính quyền chưa sát sao, chưa quyết liệt, chưa sát dân, chưa sát cơ sở, công tác dân vận chưa tốt. Chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền còn thể hiện rõ, cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp, hiệu quả; Mặt trái của kinh tế thị trường đã có những tác động không nhỏ đến đời sống của người dân nông thôn; môi trường ngày càng là vấn đề bức xúc, rác thải không được xử lý, các nguồn nước bị ô nhiễm…

Cụ thể, đại biểu Phạm Văn Tuân (đoàn Thái Bình), cho rằng thời gian qua việc thực hiện Chương trình nông thôn mới mới chủ yếu xây dựng các thiết chế, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa thực sự có sự chuyển biến trong nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế về vấn đề môi trường và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn. Do đó, với trách nhiệm của Bộ chủ quản, đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ ra giải pháp để khắc phục những vấn đề về ô nhiễm môi trường?.

Cũng quan tâm vấn đề này, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) đề nghị Bộ trưởng nêu vấn đề sau 10 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới, đâu là nút thắt khó khăn lớn nhất trong vấn đề này, nhất là các xã vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn? Và đâu là giải pháp để các xã đã về đích rồi thì duy trì được kết quả đạt được?.

Giải đáp chất vấn của đại biểu Phạm Văn Tuân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, bên cạnh những thành quả đạt được rất toàn diện, bứt phá, vượt bậc thì vẫn còn những tồn tại của Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới như đời sống của người dân cũng chưa được nâng lên so với yêu cầu thực tế; thu gom, xử lý rác thải của một số xã chưa đạt chỉ tiêu; môi trường sản xuất cũng chưa được nâng cao, có tình trạng người dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp; hình thành sản xuất chuỗi chưa thành phổ biến.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, vấn đề tới đây phải tháo nút thắt như nào? ứng dụng khoa học công nghệ như thế nào? liên kết thành hợp tác xã ra sao? sẽ là các vấn đề cần quan tâm chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Trả lời các vấn đề mà đại biểu Bùi Thanh Tùng quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng các vùng miền núi, hải đảo, vùng biên giới là những vùng nút thắt khó khăn trong vấn đề xây dựng nông thôn mới từ chỉ đạo, nguồn lực, đến tổ chức xây dựng nông thôn mới. Riêng khu vực này đang là điểm đạt tỷ lệ kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới rất yếu, nguồn lực nhà nước cũng chỉ có hơn 10 %.

“Những nơi thuận lợi đã đạt được rồi thì bây giờ sẽ tập trung vào những vùng còn khó khăn. Nhưng giải pháp quan trọng nhất ở đây là bản thân người dân ở những nơi đây phải có ý thức tự vươn lên, ý thức thoát nghèo, đây mới là sức mạnh lâu bền, cốt lõi, đồng lòng cùng với sự chỉ đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, trong đó, chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện khung khổ pháp luật...

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dau-la-nut-that-lon-nhat-trong-xay-dung-nong-thon-moi-99197.html