Đâu là lý do khiến Mỹ mua Iron Dome?

Theo Defense-blog, Mỹ vừa quyết định mua 2 khẩu đội tên lửa đánh chặn Iron Dome do Israel sản xuất.

Nguồn tin từ Lục quân Mỹ cho biết, lực lượng này sẽ tiếp nhận 2 khẩu đội Iron Dome vào năm 2020, bao gồm 12 bệ phóng, 240 tên lửa đánh chặn, 2 hệ thống quản lý chiến đấu cùng 2 hệ thống radar. Gói mua sắm Iron Dome nằm trong kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ của Mỹ cho căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Đại diện giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: "Công ty quốc phòng nhà nước Rafael Advanced Defense Systems của Israel và hãng sản xuất tên lửa Raytheon của Mỹ đang làm việc cùng nhau để chuyển đổi hệ thống tên lửa đánh chặn của Israel thành một hệ thống hoàn toàn Mỹ. Hệ thống mới sẽ bảo vệ cho các lực lượng vũ trang của Mỹ triển khai ở nước ngoài".

Phiên bản Iron Dome của Mỹ được phát triển với được định danh là SkyHunter, nhằm bảo vệ quân đội Mỹ trước những mối đe dọa từ tên lửa hành trình, máy bay không người lái, đạn pháo và súng cối. Đặc biệt, phiên bản mới được thiết kế để có thể phối hợp hoạt động với các máy phóng tên lửa đa nhiệm của quân đội Mỹ.

Nhưng ngay khi Mỹ tuyên bố mua hệ thống Iron Dome, truyền Mỹ đã thừa nhận rằng, rất có thể đây là cách kích thích sự quan tâm của khách hàng với hệ thống đánh chặn này. Bởi từ khi đi vào hoạt động và được quảng bá có thể đánh chặn đến trên 90%, Iron Dome vẫn chưa gặt hái được thành công trên thị trường quốc tế.

Xét về hiệu quả hoạt động đã được kiểm chứng tại Gaza, Lebanon và tại bán đảo Sinai (Ai Cập), hệ thống Iron Dome vẫn chưa có đối thủ trên thị trường vũ khí. Tuy nhiên, tính độc đáo của nó (được phát triển nhằm ngăn chặn một mối đe dọa cụ thể tại một địa điểm cụ thể) cũng là hạn chế với những quốc gia đang đối mặt với các mối đe dọa về an ninh thông thường.

Bên cạnh đó, Israel còn giới hạn khách hàng của Iron Dome khi không bán hệ thống này cho các quốc gia mà Israel không có quan hệ ngoại giao. "Có những tranh cãi cho rằng Iron Dome chỉ được thiết kế để đối phó với những thách thức cụ thể mà Israel phải đối mặt trước các mối đe dọa từ tên lửa và rocket tầm ngắn của các tổ chức phi nhà nước", Avnish Patel, từ Viện nghiên cứu RUSI của Anh, nhận định.

Theo ông Yosi Druker, phó chủ tịch công ty Rafael Advanced Defense Systems - nhà chế tạo hệ thống Iron Dome, công ty muốn giữ các hệ thống này ở Israel nhằm tránh việc bị rò rỉ công nghệ. Nhưng với một quốc gia mà ngân sách quốc phòng dựa phần lớn vào xuất khẩu (Israel bán ra nước ngoài khoảng 80% các loại vũ khí mà họ phát triển, thu về trung bình 6,5 tỷ USD hàng năm), việc tìm kiếm khách hàng nước ngoài cho hệ thống Iron Dome được cho là một bước đi bình thường.

"Rafael đã đầu tư rất nhiều tiền bạc vào hệ thống Iron Dome và họ không thể đủ khả năng làm điều này nếu không xuất khẩu," ông Druker nói với tờ Reuters. Hệ thống Iron Dome được nhanh chóng phát triển sau khi miền Bắc Israel bị tấn công dữ dội bằng rocket của lực lượng Hezbollah vào năm 2006.

Một người từng tham gia cuộc thử nghiệm đầu tiên của hệ thống Iron Dome cho biết Israel đã sớm nhận ra triển vọng xuất khẩu của hệ thống này. Tuy nhiên, kể từ khi vũ khí này hoàn thành thử nghiệm và được trang bị tại Israel, Iron Dome vẫn chưa được xuất khẩu cho bất kỳ khách hàng nước ngoài nào. Vì vậy, việc Mỹ mua vũ khí này được đánh giá là nhằm tới 2 mục đích: Trang bị thực tế và giúp quảng bá cho hệ thống phòng thủ vốn được Mỹ đỡ đầu về kinh phí. (Tuấn Vũ)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/dau-la-ly-do-khien-my-mua-iron-dome-3382435/